Quan chức Mỹ bi quan về khả năng đạt thỏa thuận với Trung Quốc

Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer cho rằng thời điểm 1/3/2019 là thời hạn chót đầy khó khăn để đạt được thỏa thuận nhằm ngăn chặn một cuộc chiến thương mại lan rộng giữa 2 cường quốc kinh tế.
Quan chức Mỹ bi quan về khả năng đạt thỏa thuận với Trung Quốc ảnh 1Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer. (Nguồn: Reuters/TTXVN)

Ngày 9/12, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer, người phụ trách đàm phán thương mại với Trung Quốc, cho rằng thời điểm 1/3/2019 là thời hạn chót đầy khó khăn để đạt được thỏa thuận nhằm ngăn chặn một cuộc chiến thương mại lan rộng giữa hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới này.

Trả lời phỏng vấn trong chương trình Face the Nation của đài CBS, ông Lighthizer đã bày tỏ lo ngại rằng đây là một thời hạn chót đầy khó khăn.

Đại diện thương mại Mỹ nhấn mạnh: "Khi tôi nói chuyện với Tổng thống Mỹ Donald Trump, ông ấy không nói về việc vượt qua thời hạn ngày 1/3... Điều này có nghĩa là kết thúc 90 ngày, những mức thuế nhập khẩu đó sẽ được đưa ra."

[Cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ nhìn từ góc độ xung đột văn hóa]

Phát biểu trên của Đại diện thương mại Mỹ đã dập tắt những mong đợi cho rằng giai đoạn đàm phán thương mại Mỹ-Trung có thể sẽ được kéo dài.

Cách đây vài ngày, bất chấp những căng thẳng xung quanh vụ bắt giữ Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc tài chính (CFO) tập đoàn viễn thông khổng lồ Huawei của Trung Quốc Mạnh Vãn Chu, Tổng thống Trump vẫn bày tỏ sự lạc quan về các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc.

Hôm 7/12, Tổng thống Trump viết trên tài khoản Twitter: "Các cuộc đàm phán với Trung Quốc đang diễn ra rất tốt đẹp."

Tuy nhiên, ông không cung cấp thêm thông tin chi tiết trong bối cảnh các công ty lớn đang lo ngại vụ bắt giữ lãnh đạo hàng đầu của Huawei có thể tác động tiêu cực tới quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh.

Trước đó, tại cuộc gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ở thủ đô Buenos Aires của Argentina ngày 1/12, Tổng thống Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đạt được một "thỏa thuận đình chiến thương mại" nhằm hóa giải cuộc tranh chấp thương mại căng thẳng giữa hai nền kinh tế đầu tàu thế giới.

Theo đó, hai bên đã nhất trí hoãn áp thuế bổ sung trong khi hai nước tiến hành đàm phán nhằm đạt được một thỏa thuận thương mại trong vòng 90 ngày. Phía Mỹ sẽ hoãn tăng thuế từ mức10% hiện nay lên 25% đối với gói hàng hóa nhập khẩu trị giá 200 tỷ USD từ Trung Quốc.

Đổi lại, Trung Quốc đồng ý mua một lượng lớn các mặt hàng nông sản, năng lượng và các sản phẩm khác của Mỹ nhằm giảm thâm hụt thương mại, đồng thời giảm và dỡ bỏ thuế đánh vào mặt hàng ôtô nhập khẩu từ Mỹ xuống dưới mức 40% hiện nay.

Tuy nhiên, "ngọn lửa" căng thẳng quan hệ Mỹ-Trung vốn lúc nào cũng âm ỉ chực chờ bùng cháy lại tiếp tục bị "đổ thêm dầu" khi Canada bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu theo yêu cầu của Mỹ.

Nữ CFO này đã bị cảnh sát Canada bắt giữ tại thành phố Vancouver hôm 1/12 khi đang quá cảnh tại sân bay và đối mặt với nguy cơ bị dẫn độ sang Mỹ với cáo buộc vi phạm các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Iran.

Giới quan sát nhận định vụ việc không chỉ khoét sâu bất đồng giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới trong các vấn đề như thương mại, công nghệ và an ninh mạng, mà còn có nguy cơ đẩy "cuộc đối đầu" Trung Quốc-Mỹ ngày càng đi xa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.