Những ngày giáp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, Nhà trưng bày Hoàng Sa (Đà Nẵng) đón nhận thêm những hiện vật, tư liệu có giá trị lịch sử pháp lý xác thực chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.
Đây là những tư liệu quý được sưu tập và gìn giữ bởi những người Việt Nam tâm huyết, có tình yêu đối với Tổ quốc.
Kể từ khi phát động tiếp nhận tư liệu, hiện vật và xây dựng Thư viện Hoàng Sa, từ năm 2016 đến nay, Ủy ban Nhân dân huyện Hoàng Sa (Đà Nẵng) đã tiếp nhận được 212 hiện vật, tư liệu từ các tổ chức, cá nhân sưu tầm, hiến tặng.
Không chỉ ở trong nước, cuộc phát động còn lan tỏa đến người Việt Nam đang sinh sống, làm việc ở nước ngoài và bạn bè quốc tế.
Những "câu chuyện" về quần đảo Hoàng Sa
Cuối năm 2016, trong lần đi công tác ở Nhật Bản, Tiến sỹ Nguyễn Tuấn Cường -Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm cùng với nhóm nghiên cứu đến Thư viện Shido Bunko (Đại học Keio ở Tokyo, Nhật Bản) và tình cờ thấy bản đồ Hoàng Lê Cảnh Hưng.
Anh Cường tự bỏ tiền để sưu tập 80 trang của bản đồ. Đến năm 2017, anh đã có những nghiên cứu sơ bộ để giới thiệu tư liệu này.
Hoàng Lê Cảnh Hưng là bản đồ miêu tả đường đi từ kinh thành Thăng Long tới khu vực Chiêm Thành xưa.
Phần bản đồ được vẽ bằng hai màu mực xanh và đen, theo hệ quy chiếu không gian phía trên là Tây, phía dưới là Đông, bên phải là Bắc, bên trái là Nam.
Nghiên cứu giám định văn bản bằng phương pháp địa danh học lịch sử cho thấy, đây là bản đồ được định bản vào thời Nguyễn.
[Đà Nẵng tiếp nhận tư liệu quý khẳng định chủ quyền đối với Hoàng Sa]
Thông qua những chi tiết chữ viết và hình vẽ có thể nhận thấy rằng bản đồ Hoàng Lê Cảnh Hưng là sử liệu quan trọng góp phần khẳng định vị trí ngoài khơi của quần đảo Hoàng Sa, phản ánh bước phát triển trong tư duy nhận thức của người Việt Nam về tầm quan trọng của địa danh Hoàng Sa trong lịch sử bản đồ Việt Nam.
Tiến sỹ Nguyễn Tuấn Cường chia sẻ công tác sưu tầm tư liệu về Hoàng Sa cần có sự giúp đỡ, đóng góp của người Việt ở khắp nơi trên thế giới bởi nhiều tư liệu, hiện vật vì nguyên nhân lịch sử, vẫn đang lưu ở nước ngoài.
Để có thêm bằng chứng để khẳng định chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, Tiến sỹ Cường hy vọng tất cả người dân Việt Nam sẽ cùng chung tay, hỗ trợ để sưu tầm, mang về nước những tài liệu liên quan đến quần đảo Hoàng Sa. Việc làm này thể hiện ý thức, trách nhiệm công dân về lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.
Ngoài những hiện vật, tư liệu lịch sử về quần đảo Hoàng Sa được sưu tập, những ký ức của các nhân chứng cũng khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.
Tháng 10/1973, ông Trần Hòa (sinh năm 1954, hiện sống tại tỉnh Quảng Nam), nhận lệnh từ Bộ Chỉ huy Tiểu khu Quảng Nam ra quần đảo Hoàng Sa với nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe, điều trị bệnh cho binh lính, sỹ quan.
Ông Hòa hồi tưởng: "Quần đảo Hoàng Sa như một dải cát vàng trải dài trong nắng sớm. Nước quanh đảo xanh như mạ non. Có một lần biển động, bão đến bất ngờ, một tàu cá Trung Quốc không kịp vào bờ tránh bão nên đã tấp vào một hòn đảo thuộc quần đảo ngay trong đêm. Bão mạnh dần, chiếc tàu cá bị đánh dạt mất giữa biển khơi. Phương tiện không còn, gia đình ngư dân Trung Quốc kia trở thành cư dân bất đắc dĩ của đảo. Mặc dù lương thực thiếu thốn, phải chắt chiu từng chút, nhưng với tình người trong cơn hoạn nạn, toàn đảo đã cưu mang gia đình người Trung Quốc đó cho đến ngày họ về nước."
Năm 1969, ông Nguyễn Văn Thành (sinh năm 1944, quê Thừa Thiên-Huế) nhận được lệnh của Bộ Chỉ huy Tiểu khu Quảng Nam ra đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quần đảo Hoàng Sa.
Ký ức của ông về Hoàng Sa vẫn còn nguyên vẹn, ông Thành nhớ lại tại đảo có một chiếc cầu, tạm gọi là cầu cảng. Từ đầu cầu vào nhà (căn cứ quân sự) ở khoảng 400 đến 500 mét. Ở phía bên phải của cầu có một chiếc tàu sắt đã rỉ sét.
Theo những người đi trước kể lại, đó là tàu của bà Trần Lệ Xuân bị hỏng và bỏ lại. Hai bên đường vào nhà toàn là đá vôi, cây nhàu và một số cây lạ khác.
Căn cứ quân sự được xây dựng rất kiên cố, dài 30-40m, bề ngang khoảng 20m. Ông Thành kể, những lúc rảnh rỗi, ông thường tưới cây, gieo hạt giống như đậu xanh, rau muống, bí đỏ...
Còn ông Trương Văn Quảng (sinh năm 1940, sống tại thành phố Đà Nẵng) từng là quân nhân kỹ thuật cơ khí trên chiến hạm HQ 400. Đầu năm 1959, chiến hạm HQ 400 vượt biển ra Hoàng Sa để tiếp tế nước và lương thực cho trung đội lính địa phương đồn trú trên đảo.
“Khi đặt chân đến Hoàng Sa, ấn tượng đầu tiên của tôi là cảnh tượng hoang sơ, cảm giác xa vắng. Nơi này còn rất nhiều thiếu thốn, khó khăn nhất là phương tiện thông tin liên lạc. Đôi lúc ngồi tâm sự với anh em làm nhiệm vụ trên đảo, chúng tôi cảm nhận được sự cực khổ, thiếu thốn cả vật chất lẫn tinh thần. Xa gia đình, xa thành phố, nhiều khó khăn nhưng không làm mất đi ý chí, trách nhiệm của người lính đảo với quyết tâm bảo vệ một phần thiêng liêng của Tổ quốc. Đó là điều tôi rất khâm phục và trân trọng,” ông Trương Văn Quảng hồi tưởng.
Anh Mai Phụng Lưu (ngư dân sống tại đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi), một trong những nhân chứng đương đại tiêu biểu cho ý chí bảo vệ chủ quyền quần đảo Hoàng Sa.
Đối với anh Lưu, quần đảo Hoàng Sa là nơi anh đã gắn bó hơn 25 năm, dù gặp nhiều trở ngại khó khăn nhưng anh vẫn bám biển, bám ngư trường Hoàng Sa.
Góp sức xây dựng thư viện về Hoàng Sa
Ngày 18/1/2020, tại Nhà trưng bày Hoàng Sa đã diễn ra buổi lễ phát động xây dựng Thư viện Hoàng Sa.
Tại buổi lễ, đại diện Báo Tuổi trẻ cho biết đã đồng hành và tài trợ hạng mục xây dựng thư viện.
Ngoài ra, Thư viện Khoa học Tổng hợp Đà Nẵng và 4 nhà xuất bản đã trao tặng 648 cuốn sách liên quan đến chủ quyền biển đảo gồm Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật (400 cuốn sách), Nhà xuất bản Đà Nẵng (100 cuốn sách), Nhà xuất bản Trẻ (36 cuốn sách), Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông (12 cuốn sách), Thư viện Khoa học Tổng hợp Đà Nẵng (100 cuốn sách).
Đây là hoạt động ý nghĩa nhằm hệ thống hóa tài liệu pháp lý, các công trình nghiên cứu, hướng tới xây dựng Thư viện Hoàng Sa thành một trung tâm nghiên cứu về quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và chủ quyền biển đảo của Việt Nam.
Ông Võ Ngọc Đồng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện đảo Hoàng Sa cho biết: Các đầu sách về Hoàng Sa mà chúng tôi đang có vẫn còn rất ít so với lượng sách rất lớn được xuất bản từ trước đến nay.
Trên cả nước hiện cũng chưa có Thư viện Hoàng Sa một cách đầy đủ, bài bản. Bạn đọc thiếu một nơi để tra cứu, tìm đọc và chia sẻ tài liệu chuyên về Hoàng Sa.
Chúng tôi mong muốn xây dựng Thư viện Hoàng Sa để giúp người dân và thế hệ mai sau tìm hiểu có hệ thống, tạo những cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử, ý chí của các thế hệ cha ông trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.
Việc phát động xây dựng Thư viện Hoàng Sa để nhắc nhở mỗi thế hệ người Việt Nam không quên Hoàng Sa là một phần máu thịt của Tổ quốc.
Theo ông Võ Ngọc Đồng, điểm khác biệt với thư viện khác là nơi đây chuyên trưng bày sách báo, tư liệu với bằng chứng khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này.
Tuy nhiên, đây vẫn là nơi tập trung hệ thống và tương đối đầy đủ các sách báo, tư liệu phục vụ cho việc tra cứu, học tập, nghiên cứu về vấn đề xác lập chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa. Bên cạnh đó, thư viện cũng là nơi tổ chức những buổi giới thiệu sách chuyên đề, các buổi tọa đàm hội thảo về chủ đề Hoàng Sa.
Em Nguyễn Thùy Trâm (học sinh lớp 8/2, Trường Trung học cơ sở Hoàng Sa, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng) chia sẻ: "Em rất vui khi biết Thư viện Hoàng Sa sẽ được xây dựng, thư viện sẽ giúp em và các bạn có thể tìm hiểu kỹ hơn về quần đảo Hoàng Sa. Từ đó em luôn ý thức và có trách nhiệm trong việc bảo vệ và khẳng định chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa"./.