Quân đội Nga thử nghiệm thành công vắcxin ngừa virus SARS-CoV-2

Thông báo nêu rõ 28 ngày sau khi tiêm vắcxin, các dấu hiệu sinh tồn của nhóm tình nguyện viên vẫn nằm trong giới hạn bình thường.
Quân đội Nga thử nghiệm thành công vắcxin ngừa virus SARS-CoV-2 ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)

Bộ Quốc phòng Nga ngày 15/7 thông báo đã phát triển được một loại vắcxin "an toàn" ngăn ngừa virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 sau các cuộc thử nghiệm lâm sàng trên một nhóm tình nguyện viên.

Thông báo nêu rõ 18 người đã tham gia các cuộc thử nghiệm trên và được cách ly tại bệnh viện quân y Burdenko ở thủ đô Moskva kể từ 18/6. 28 ngày sau khi tiêm vắcxin, các dấu hiệu sinh tồn của nhóm tình nguyện viên này vẫn nằm trong giới hạn bình thường. Tất cả đều không gặp bất kỳ "biến chứng hoặc tác dụng phụ nghiêm trọng nào."

Bộ Quốc phòng Nga nhấn mạnh các kết quả thử nghiệm "cho phép chúng tôi tự tin thông báo về tính an toàn và chất lượng khá tốt của vắcxin."

[Nga thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối vắcxin ngừa SARS-CoV-2]

Nhà nghiên cứu Svetlana Volchikhina tham gia quá trình thử nghiệm cho biết sức đề kháng của các tình nguyện viên hiện rất tốt, các kháng thể vẫn tiếp tục được tạo ra và họ đã được bảo vệ trước virus SARS-CoV-2.

Trong khi đó, nhóm tình nguyện viên thứ hai tiếp nhận vắcxin hôm 23/6 đang được cách ly và theo dõi sức khỏe tại bệnh viện.

Bộ Quốc phòng Nga dự kiến các cuộc thử nghiệm lâm sàng sẽ được hoàn tất vào cuối tháng Bảy này.

Trước đó, cuối tháng Năm vừa qua khi dịch bệnh COVID-19 đang ở giai đoạn đỉnh điểm tại Nga, Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu đã báo cáo với Tổng thống Vladimir Putin về việc các nhà nghiên cứu quân đội đang phối hợp với các nhà khoa học phát triển loại vắcxin nói trên tại Viện Gamaleya ở thủ đô Moskva.

Theo số liệu cập nhật trên trang thống kê worldometers.info, tính đến 19h ngày 15/7, nước Nga ghi nhận tổng cộng 746.369 ca mắc COVID-19, trong đó có 11.770 ca tử vong và 523.249 ca đã bình phục./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Ảnh minh họa. (Nguồn: Thebrighterside)

Phát triển công nghệ chẩn đoán sớm bệnh Parkinson

Các nhà khoa học Israel đã sử dụng kính hiển vi siêu phân giải và phân tích tính toán để lập bản đồ chính xác các tập hợp protein, một chỉ số chính của bệnh Parkinson, trong các sinh thiết da.

Chế tạo chân robot đầu tiên có cơ nhân tạo

Chế tạo chân robot đầu tiên có cơ nhân tạo

Các nhà nghiên cứu cho biết họ đã thiết kế chiếc chân robot đầu tiên có cơ nhân tạo, cho phép máy móc di chuyển giống con người hơn, có thể nhảy nhanh nhẹn trên nhiều bề mặt.