Hàng loạt hợp đồng hợp tác kinh tế trị giá nhiều tỷ USD được ký kết, không ít những vấn đề chính trị song phương và quốc tế phần nào tìm được sự đồng thuận, là những kết quả nổi bật trong chuyến công du của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tới Trung Quốc từ ngày 7-10/1.
Nó cũng cho thấy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Trung Quốc-Pháp đang phát triển ngày càng thực dụng và hiệu quả.
Diễn ra gần 2 tuần trước khi hai nước kỷ niệm 54 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, chuyến công du của ông Macron được xem là cơ hội để tạo xung lượng mới trong sự phát triển quan hệ song phương, cũng như thiết lập mối quan hệ đối tác mạnh mẽ hơn giữa Trung Quốc và Pháp nói riêng và giữa Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) nói chung.
Đối với ông Macron, chuyến thăm này càng có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh nhà lãnh đạo Pháp đang nỗ lực mở rộng tầm ảnh hưởng của Paris trên trường quốc tế.
Việc lựa chọn Trung Quốc là điểm đến đầu tiên trong chuyến công du tới châu Á kể từ khi nhậm chức, đặc biệt vào dịp đầu năm mới, cho thấy nhà lãnh đạo Pháp đặc biệt coi trọng quan hệ với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Kết quả về kinh tế-thương mại của chuyến thăm thực sự rất ấn tượng, cho thấy triển vọng mở rộng quan hệ kinh tế giữa hai quốc gia là hết sức to lớn.
[Pháp sẽ sớm hoàn tất việc bán 184 máy bay A320 cho Trung Quốc]
Nổi bật nhất là bản ghi nhớ giữa tập đoàn hạt nhân Areva của Pháp với đối tác Trung Quốc CNNC về xây dựng nhà máy tái chế hạt nhân trị giá 12 tỷ USD, thỏa thuận giữa các đối tác Trung Quốc mua 184 máy bay Airbus A320 của Pháp, đồng thời tăng số lượng máy bay A320 sản xuất tại Trung Quốc lên 6 chiếc mỗi tháng, hay hợp đồng trị giá 2,4 tỷ USD giữa tập đoàn kỹ nghệ Fives và hãng bán lẻ trực tuyến JD.com của Trung Quốc về thành lập trung tâm logistic của hãng này tại Pháp.
Đặc biệt, Trung Quốc đã đồng ý trong vòng 6 tháng sẽ dỡ bỏ lệnh cấm vận kéo dài 16 năm qua đối với thịt bò Pháp.
Ngoài ra, lãnh đạo hai nước cũng đạt được nhất trí đẩy mạnh hợp tác trong mọi lĩnh vực dựa trên tinh thần hợp tác cùng có lợi nhằm tiếp thêm động lực mới cho việc phát triển quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.
Trung Quốc cũng cam kết sẽ tiếp tục thúc đẩy cải cách, mở cửa, nới lỏng thị trường, qua đó tạo thêm nhiều cơ hội hợp tác cho Pháp và các nước khác trên thế giới.
Hai bên nhất trí phối hợp chặt chẽ trong giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu, như chống biến đổi khí hậu và vấn đề tài trợ khủng bố, nhằm thúc đẩy sự ổn định, thịnh vượng chung của cộng đồng quốc tế.
Tất cả những "trái ngọt" này phản ánh cam kết mạnh mẽ của hai nước trong nỗ lực xây dựng lòng tin chính trị và thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương bước sang giai đoạn phát triển mới trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi.
Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực liên tục biến động với những diễn biến khó lường, Paris và Bắc Kinh đều ý thức được rằng việc tăng cường hợp tác song phương mang lại lợi ích thiết thực, to lớn cho cả hai nước, cả về kinh tế lẫn chính trị. Đối với Pháp, Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn thứ 5 và lớn nhất ở châu Á.
Trong bối cảnh chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang theo chiều hướng quay lại với các chính sách bảo hộ, “quay lưng” lại với châu Âu, đặc biệt sau sự kiện Anh rời khỏi EU (Brexit), chính quyền Pháp đang hướng tới Trung Quốc và Nga như là các đối tác để làm đối trọng với mối quan hệ thương mại không bền vững với Anh và Mỹ.
Không chỉ xem Trung Quốc là một đối tác thương mại lý tưởng, Pháp cũng nhìn nhận cường quốc châu Á này là một đối tác chính trị quan trọng, bởi Trung Quốc vừa là một cường quốc hạt nhân, vừa là ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc có quyền phủ quyết đối với nhiều vấn đề quốc tế quan trọng.
Đặc biệt, sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, Pháp hy vọng Bắc Kinh sẽ cùng Paris trở thành những nhân tố dẫn đầu đóng vai trò quyết định trong việc thực thi thoả thuận này, trong bối cảnh Trung Quốc là quốc gia gây ô nhiễm lớn nhất thế giới song cũng là nước đầu tư lớn nhất vào lĩnh vực công nghệ năng lượng sạch.
Trong khi đó, tăng cường hợp tác với Pháp cũng đang được Trung Quốc ưu tiên thúc đẩy. Nếu trước đây Trung Quốc xem Anh là đồng minh chủ chốt trong EU, thì sau sự kiện Brexit, Bắc Kinh đã chuyển hướng tập trung sang Pháp và xem ông Macron là "một nhà đối thoại chính trị" của châu Âu và cũng là một “cầu nối quan trọng" để tiếp cận châu Âu. Điều này là hoàn toàn dễ hiểu trong bối cảnh Anh đang "sa lầy" trong đàm phán Brexit còn đầu tàu của châu Âu là Đức đang bận rộn với các vấn đề chính trị nội bộ.
Thông qua Pháp, Trung Quốc muốn tranh thủ sự ủng hộ của EU đối với sáng kiến “Vành đai và Con đường”, nhất là khi xu thế bảo hộ thương mại ở Mỹ và một số nước phương Tây đang gây ra làn sóng "đóng cửa" với hoạt động thương mại của Trung Quốc.
Ngoài ra, với vị thế của Pháp là nước thành viên duy nhất trong EU nắm quyền phủ quyết trong Hội đồng Bảo an, Trung Quốc kỳ vọng một mối quan hệ nồng ấm với Pháp sẽ giúp Bắc Kinh tranh thủ sự ủng hộ trong các hồ sơ quốc tế nổi cộm, qua đó giúp nâng tầm ảnh hưởng của cường quốc châu Á này.
Dẫu vậy, sự hợp tác giữa hai quốc gia vẫn tồn tại những khó khăn và thách thức, dù quan hệ Pháp – Trung đang ở giai đoạn “đơm hoa kết trái.”
Mặc dù thương mại song phương vẫn phát triển, song Pháp đang nỗ lực thúc đẩy việc “tái cân bằng” quan hệ thương mại với Trung Quốc cũng như tìm cách giúp các doanh nghiệp Pháp tiếp cận thị trường đông dân nhất thế giới này.
Là nhà cung ứng hàng hoá lớn thứ 2 của Pháp, song Trung Quốc lại chỉ đứng hàng thứ 8 về tiêu thụ các mặt hàng của Pháp. Điều này đã khiến thâm hụt thương mại của Pháp với Trung Quốc lên tới 36 tỷ USD, mức thâm hụt lớn nhất so với bất kỳ đối tác thương mại nào.
Sự bất cân đối dai dẳng trong trao đổi thương mại song phương này chính là lý do khiến ông Macron thẳng thắn kêu gọi Trung Quốc thực thi nguyên tắc “có qua, có lại,” mở cửa thị trường mạnh hơn cho doanh nghiệp Pháp.
Đây cũng là nền tảng để ông Macron kêu gọi thiết lập các mối quan hệ đa phương Pháp-châu Âu-Trung Quốc dựa trên nền tảng "các nguyên tắc cân bằng."
Tuy nhiên, trong bối cảnh Trung Quốc đang thúc đẩy tăng trưởng và muốn chú trọng cho những ưu tiên của mình, nỗ lực lấy lại thăng bằng cho cán cân thương mại của ông Macron còn phụ thuộc vào những quyết sách và sự sẵn sàng của Bắc Kinh trong vấn đề này.
Mặt khác, sáng kiến "Vành đai và Con đường” đang gây chia rẽ châu Âu, vẫn còn nhiều nước trong khu vực không mặn mà với dự án đồ sộ này, bởi nhiều nước vẫn xem đây là phương thức để Trung Quốc phát huy ảnh hưởng địa chính trị và gia tăng áp lực nhiều hơn trong việc xử lý các vấn đề thế giới. Bản thân ông Macron cũng phần nào thể hiện lập trường thận trọng đối với dự án tham vọng của Bắc Kinh.
Dù vẫn còn những mâu thuẫn và vướng mắc, song có thể nói chuyến công du đầu tiên của Tổng thống Macron đến Trung Quốc đã góp phần củng cố hơn nữa mối quan hệ giữa hai nước, qua đó mở ra những cơ hội hợp tác cả kinh tế lẫn chính trị trong tương lai./.