Quan hệ hợp tác Việt Nam-Hungary còn nhiều dư địa phát triển

Ngày 25/9, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cơ quan xúc tiến Thương mại Hungary, Đại sứ quán Hungary tại Hà Nội tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Hungary.
Quan hệ hợp tác Việt Nam-Hungary còn nhiều dư địa phát triển ảnh 1Quang cảnh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Hungary. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Ngày 25/9, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cơ quan xúc tiến Thương mại Hungary và Đại sứ quán Hungary tại Hà Nội tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Hungary.

Sự kiện thu hút đông đảo giới doanh nghiệp tham gia nhân chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Hungary, ngài Orbán Viktor tại Việt Nam từ ngày 24-25/9.

Phát biểu khai mạc, bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng Thư ký VCCI cho rằng, Diễn đàn là cơ hội tốt để cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và Hungary đẩy mạnh hợp tác trong nhiều lĩnh vực mới như công nghệ thông tin, nông nghiệp công nghệ cao. Đây là cơ sở thuận lợi để cộng đồng doanh nghiệp hai bên tiếp tục thúc đẩy hợp tác chặt chẽ hơn nữa trong thời gian tới.

Cũng theo bà Phạm Thị Thu Hằng, trong những năm qua, quan hệ thương mại hai chiều giữa Việt Nam-Hungary đang ngày càng phát triển. Điều này được thể hiện qua tổng kim ngạch thương mại song phương năm 2016 đạt 266 triệu USD, tăng 35,7%; trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Hungary đạt 93 triệu USD, tăng 41%. Trong 4 tháng đầu năm 2017, tổng kim ngạch thương mại song phương Việt Nam-Hungary đạt 104,4 triệu USD, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm ngoài; trong đó, xuất khẩu sang thị trường Hungary đạt gần 50,6 triệu USD, tăng 102% và nhập khẩu từ Hungary đạt 53,8 triệu USD, tăng 69%.

[Tuyên bố chung Việt Nam-Hungary: Đối tác hiệu quả và thực chất]

Tuy nhiên, những mặt hàng xuất khẩu từ Việt Nam sang thị trường Hungary còn chưa đa dạng, mới tập trung vào 4 nhóm hàng chủ yếu. Đó là máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện với kim ngạch đạt gần 20,6 triệu USD, chiếm 40,7% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang thị trường này, tăng mạnh so với cùng kỳ. Nhóm hàng thứ 2 là phương tiện vận tải và phụ tùng chiếm 3,9%, đạt gần 2 triệu USD, giảm 13,3% so với cùng kỳ. Tiếp đến nhóm hàng dệt may là nhóm hàng mới tham gia vào thị trường xuất khẩu sang Hungary, đạt trên 1 triệu USD; nhóm hàng giày dép đạt 0,3 triệu USD, tăng mạnh 106%.

Các doanh nghiệp Hungary tham dự Diễn đàn hoạt động trong các lĩnh vực dịch vụ nông nghiệp, cơ khí công cụ phục vụ nông nghiệp, chế biến nông sản thực phẩm, xử lý chất thải trong nông nghiệp, tháo dỡ xây dựng nhà máy, công nghiệp nặng, công nghiêp nhẹ, sản xuất cung cấp nồi hơi hệ thống lò sưởi, chăm sóc sức khỏe y tế, công nghệ thông tin, ngân hàng, kiến trúc, xây dựng và vật liệu xây dựng, sản xuất đồ gia dụng, kinh doanh tổng hợp, thương mại...

Đại diện một doanh nghiệp có kinh nghiệm đầu tư trong lĩnh vực năng lượng, ông Jamniczky Zsolt, Công ty E.ON (Hungary) bày tỏ mong muốn khảo sát thị trường Việt Nam để tiến hành đầu tư và hợp tác trong lĩnh vực năng lượng và các thiết bị năng lượng, nhất là điện mặt trời.

Ngoài ra, những cơ hội hợp tác trong lĩnh vực công nghệ cao như nấm sinh học, bảo vệ đường dây truyền tải điện cũng đang mong muốn tìm kiếm đối tác hợp tác tại Việt Nam.

Đại diện một doanh nghiệp có hoạt động hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao và là người Hungary gốc Việt có nhiều năm hoạt động song song tại hai thị trường, ông Nguyễn Đặng Bela cho biết, khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay là chưa xây dựng được thương hiệu tại thị trường nước ngoài.

Cũng tại phiên thảo luận, một số doanh nghiệp Hungary đang tìm nguồn lao động khéo tay và lao động nặng để làm việc tại Hungary. Theo đó, các công ty này không yêu cầu phải biết tiếng Hungary nhưng phải được đào tạo định hướng./.

Quan hệ hợp tác Việt Nam-Hungary còn nhiều dư địa phát triển ảnh 2
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.