Năm 2023, Việt Nam và Malaysia kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (30/3/1973-30/3/2023).
Nhân dịp này, Đại biện Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia, Nguyễn Thị Ngọc Anh đã có cuộc trao đổi với phóng viên TTXVN tại Malaysia về ý nghĩa sự kiện cũng như những thành tựu đã đạt được và triển vọng hợp tác giữa hai nước.
- Bà đánh giá như thế nào về sự phát triển của quan hệ Việt Nam-Malaysia trong thời gian qua, đặc biệt là sau khi hai nước nâng cấp quan hệ song phương lên đối tác chiến lược từ tháng 8/2015?
Đại biện Nguyễn Thị Ngọc Anh: Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 30/3/1973, quan hệ Việt Nam-Malaysia đã trải qua chặng đường dài 50 năm xây dựng và liên tục phát triển với dấu mốc quan trọng là việc hai nước ký Tuyên bố chung về Khuôn khổ đối tác chiến lược vào ngày 7/8/2015, càng đặc biệt hơn khi Việt Nam là đối tác chiến lược duy nhất của Malaysia trong ASEAN.
Quan hệ hữu nghị giữa hai nước phát triển toàn diện và sâu rộng trên tất cả các trụ cột đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân. Nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược một mặt thể hiện mức độ phát triển sâu rộng của quan hệ hai nước, thể hiện sự tin tưởng chính trị cao; mặt khác mở ra trang mới cho hợp tác toàn diện trên nhiều lĩnh vực từ chính trị, ngoại giao, kinh tế, thương mại, văn hóa, quốc phòng-an ninh, khoa học-công nghệ và phát triển bền vững...
Hiện nay, hai nước đã và đang tích cực phối hợp thực thi hiệu quả Chương trình Hành động triển khai quan hệ đối tác chiến lược giai đoạn 2021-2025. Đây là tiền đề quan trọng nhằm củng cố hơn nữa quan hệ hợp tác song phương trong những năm tiếp theo.
Tôi vui mừng được chia sẻ rằng trong nhiều năm qua, Malaysia tiếp tục là một trong những đối tác thương mại và đầu tư hàng đầu của Việt Nam trong ASEAN.
[Việt Nam-Malaysia gắn kết chặt chẽ để đạt những thành công to lớn hơn]
Trong thời gian đại dịch COVID-19, hai bên vẫn thường xuyên duy trì các hoạt động trao đổi đoàn, tiếp xúc cấp cao và các cấp, trên tất cả các kênh đảng, nhà nước, chính phủ, quốc hội và giao lưu nhân dân dưới nhiều hình thức linh hoạt (cả trực tuyến và trực tiếp), nổi bật là chuyến thăm Việt Nam vào tháng 3/2022 của Thủ tướng Malaysia khi đó là ông Dato Sri Ismail Sabri Yaakob.
Các cơ chế hợp tác cũng được lãnh đạo hai nước quan tâm thúc đẩy và duy trì với việc Bộ trưởng Ngoại giao hai nước đã đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ 6 Ủy ban hợp tác về Kinh tế, Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam-Malaysia theo hình thức trực tuyến vào tháng 11/2021; và Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao hai nước đồng chủ trì Đối thoại Chiến lược quan chức cấp cao lần thứ 2 vào tháng 4/2021 cũng theo hình thức trực tuyến.
Bên cạnh đó, lãnh đạo hai nước cũng đang có nhiều kế hoạch đi thăm lẫn nhau và thúc đẩy quan hệ song phương trên tất cả các lĩnh vực.
Hợp tác quốc phòng tiếp tục được quan tâm thúc đẩy thông qua các hoạt động tiếp xúc cấp cao như cuộc điện đàm giữa Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam và Tư lệnh Quốc phòng Malaysia vào tháng 12/2021, trong đó hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trao đổi đoàn, giao lưu, đào tạo, trao đổi kinh nghiệm giữa các quân, binh chủng.
Trong lĩnh vực an ninh, hai nước thường xuyên trao đổi đoàn các cấp, nổi bật là chuyến thăm Malaysia của Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm vào tháng 2/2020.
Ngoài ra, hai bên cũng nhất trí tăng cường đào tạo, trao đổi và chia sẻ thông tin liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm khủng bố, tội phạm mạng và tội phạm xuyên quốc gia.
Việc ký Hiệp định hợp tác về phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia vào năm 2015 đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng giúp thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực bảo đảm an ninh quốc gia của cả hai bên.
Tôi cho rằng điểm sáng trong quan hệ song phương thời gian qua chính là hợp tác kinh tế-thương mại. Malaysia hiện là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam trong ASEAN (sau Thái Lan) và thứ 9 trên thế giới.
Malaysia cũng là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam trong ASEAN (sau Thái Lan và Campuchia). Kim ngạch thương mại song phương không ngừng gia tăng trong những năm qua, bất chấp ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Kim ngạch năm 2022 đạt 14,7 tỷ USD, tăng 17,6% so với năm 2021.
Malaysia là nhà đầu tư lớn thứ hai trong ASEAN tại Việt Nam (sau Singapore), đứng thứ 10/140 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 668 dự án còn hiệu lực với tổng số vốn 13 tỷ USD.
Trong khi đó, Việt Nam cũng có 21 dự án đầu tư sang Malaysia với tổng vốn đăng ký đạt 853 triệu USD. Hai bên còn là thành viên của nhiều tổ chức, diễn đàn, hiệp định thương mại tự do (FTA) quan trọng ở khu vực (FTA ASEAN +, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực - RCEP, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương - CPTPP...).
Với những số liệu thống kê đà phục hồi và tăng trưởng kinh tế-thương mại-đầu tư ấn tượng như vậy, có thể khẳng định rằng tiềm năng hợp tác hai bên vẫn còn nhiều dư địa để phát triển trong thời gian tới.
- Xin Đại biện cho biết trọng tâm hợp tác giữa hai nước trong năm 2023 cũng như những năm tiếp theo? Hai nước cần làm gì để thúc đẩy quan hệ song phương, đặc biệt là trong các lĩnh vực hợp tác mới?
Đại biện Nguyễn Thị Ngọc Anh: Tôi cho rằng trọng tâm hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới chính là phối hợp thúc đẩy, giám sát để triển khai một cách có hiệu quả nhất Chương trình Hành động triển khai quan hệ đối tác chiến lược giai đoạn 2021-2025, trong đó đặc biệt chú trọng việc duy trì tin cậy chính trị, duy trì trao đổi đoàn, tiếp xúc cấp cao và các cấp, trên tất cả các kênh, không ngừng thúc đẩy hợp tác kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai hợp tác trong các lĩnh vực mới và tiềm năng như công nghiệp Halal, chuyển đổi số.
Bên cạnh đó, hai bên cần phải duy trì đều đặn, đồng thời phát huy hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương như Ủy ban hỗn hợp về hợp tác kinh tế, khoa học và kỹ thuật cấp Bộ trưởng Ngoại giao, Ủy ban hỗn hợp thương mại cấp Bộ trưởng Công Thương… nhằm hiện thực hóa các thỏa thuận cấp cao trong việc phối hợp triển khai các mục tiêu phát triển trong từng lĩnh vực cụ thể.
Về hợp tác kinh tế, lãnh đạo cấp cao hai nước đã nhất trí đặt mục tiêu đưa kim ngạch song phương lên 18 tỷ USD vào năm 2025. Hướng tăng trưởng kim ngạch là rất khả thi, tuy nhiên để hiện thực hóa được mục tiêu này thì hai bên cần đẩy mạnh hơn nữa hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối doanh nghiệp, tích cực tổ chức, tham gia các hội chợ, triển lãm để quảng bá sản phẩm của nhau, đồng thời các doanh nghiệp hai bên không ngừng tìm kiếm các hướng hợp tác trao đổi thương mại các mặt hàng mà hai nước có thế mạnh như nông thủy sản, các sản phẩm Halal, công nghiệp thực phẩm, sản phẩm linh kiện điện tử...
Ngoài ra, trong bối cảnh hai nước đã mở cửa trở lại như hiện nay thì việc kết nối trở lại du lịch, giao lưu nhân dân, giáo dục và lao động là nhu cầu cấp thiết và cũng rất cần được khẩn trương triển khai. Thị trường Malaysia hiện đang rất cần lực lượng lao động cũng như có nhiều tiềm năng về hợp tác du lịch và đầu tư, do đó, tôi cho rằng sẽ có rất nhiều cơ hội hợp tác sẽ được mở ra trong thời gian tới.
Theo tôi, việc tìm kiếm các lĩnh vực hợp tác mới là xu thế chung hiện nay nhằm nâng cao hơn nữa tiềm năng hợp tác kinh tế, do đó Việt Nam và Malaysia cũng không đứng ngoài xu thế chung đó.
Trong chuyến thăm Việt Nam tháng 3/2022, Thủ tướng Malaysia khi đó đã bày tỏ mong muốn mở rộng hợp tác với Việt Nam sang lĩnh vực công nghiệp Halal (ngành công nghiệp sản xuất và chế biến các sản phẩm phù hợp với người theo đạo Hồi) và khẳng định sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam mở rộng và phát triển ngành công nghiệp này.
Như vậy, Malaysia đã chủ động gợi ý một hướng hợp tác mới rất tiềm năng, điều quan trọng là ta cần nắm bắt, tận dụng cơ hội như thế nào trong hợp tác với Malaysia về công nghiệp Halal.
Các cơ quan chức năng hai nước cần sớm ngồi lại với nhau để trao đổi cụ thể hơn phương hướng hợp tác cũng như xây dựng, thống nhất các văn kiện hợp tác trong lĩnh vực mới này.
Tôi cho rằng việc hợp tác sẽ mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam vì Malaysia là một trong những nước có thế mạnh và đi đầu trong việc xây dựng tiêu chuẩn, thúc đẩy hợp tác đối với các mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh như nông sản, thủy-hải sản và các mặt hàng xuất khẩu khác.
Các mặt hàng này của Việt Nam sẽ không chỉ nhập khẩu vào thị trường Malaysia mà còn trung chuyển qua Malaysia tới các thị trường Hồi giáo ở Trung Đông và thế giới.
- Xin Đại biện chia sẻ về kế hoạch của Đại sứ quán trong việc phối hợp với các cơ quan hữu quan của nước sở tại tổ chức những hoạt động chào mừng sự kiện kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao?
Đại biện Nguyễn Thị Ngọc Anh: Thực hiện kế hoạch đã được phê duyệt trong năm kỷ niệm 2023, Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia dự kiến sẽ chủ trì và phối hợp với các bộ, ngành và cơ quan hữu quan trong nước, cơ quan chức năng sở tại, cũng như cộng đồng người Việt Nam tại đây để tổ chức các hoạt động, trong đó có Lễ kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam-Malaysia với sự tham dự của lãnh đạo các cấp, bộ/ngành/địa phương hai nước, Ngoại giao đoàn, đại diện kiều bào, tổ chức, doanh nghiệp tại Malaysia...
Lễ kỷ niệm sẽ bao gồm mít tinh, ẩm thực và hoạt động biểu diễn văn hoá nghệ thuật. Ngoài ra, dự kiến sẽ có một chuỗi các hoạt động khác như Ngày Việt Nam tại Malaysia; diễn đàn/tọa đàm giao lưu xúc tiến, quảng bá, hợp tác du lịch; hội chợ/triển lãm xúc tiến thương mại, đầu tư, giới thiệu sản phẩm văn hóa, ẩm thực...
Đây đều là các hoạt động có ý nghĩa nhằm đánh dấu kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao, đồng thời góp phần thực hiện chủ trương ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, lấy doanh nghiệp, người dân là trung tâm.
- Đại biện đánh giá ra sao về cộng đồng người Việt tại Malaysia và vai trò của cộng đồng trong việc thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị, hiểu biết giữa nhân dân hai nước nói riêng cũng như thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Malaysia nói chung?
Đại biện Nguyễn Thị Ngọc Anh: Đảng và Nhà nước luôn quan tâm và coi cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không thể tách rời, một nguồn lực của cộng đồng dân tộc và nhân tố quan trọng góp phần tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa Việt Nam với các nước.
Kết luận số 12-KL/TW ngày 12/8/2021 của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới đã nhận định “dù ở bất cứ nơi đâu, đồng bào ta vẫn luôn hướng về Tổ quốc, gắn bó máu thịt với cội nguồn dân tộc, là bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam; là nguồn lực quan trọng đóng góp cho sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc.
Với cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế của đất nước ngày càng được nâng cao, niềm tin của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài cũng ngày càng được củng cố."
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, hiện nay có khoảng hơn 30.000 người Việt đang sinh sống, làm ăn và học tập tại Malaysia. Cộng đồng người Việt Nam tại Malaysia có đóng góp quan trọng cho nền kinh tế sở tại, gắn kết và hỗ trợ lẫn nhau, giữ gìn và phát triển văn hóa Việt Nam và tham gia vào các hoạt động từ thiện cộng đồng và xã hội.
Tháng 3/2022, Hội Hữu nghị Malaysia-Việt Nam với tiền thân là Ban liên lạc cộng đồng người Việt tại Malaysia đã được thành lập và được chính quyền Malaysia cấp phép.
Việc thành lập hội đã và đang giúp đẩy mạnh việc vận động người Việt Nam ở nước ngoài, nhất là thế hệ trẻ, gắn bó với quê hương, đóng góp tích cực vào sự phát triển của nước sở tại, trở thành cầu nối, góp phần thúc đẩy quan hệ tốt đẹp giữa hai nước; giữ gìn tiếng Việt, phát huy bản sắc văn hóa và truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
Chính vì vậy, tôi cho rằng quan hệ Việt Nam-Malaysia phát triển tốt đẹp như hiện nay có vai trò, đóng góp không nhỏ của cộng đồng người Việt Nam tại Malaysia.
Nhận thức sâu sắc vai trò của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, ý thức rõ nhiệm vụ và trách nhiệm được Đảng, Nhà nước giao phó và trong bối cảnh tình hình mới, Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia luôn đồng hành cùng cộng đồng trong mọi hoạt động, quyết tâm trở thành chỗ dựa tin cậy cho bà con Việt Nam ở xa, thực hiện tốt 6 giải pháp đề ra tại Kết luận số 12-KL/TW ngày 12/8/2021 của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới, tiếp thực hiện tốt, hiệu quả hơn nữa Nghị quyết 36, Chỉ thị 45 về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài.
- Trân trọng cảm ơn Đại biện./.