Quan hệ kinh tế Việt Nam-Campuchia là động lực phát triển

Những năm qua, Việt Nam và Campuchia đã và đang thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng đáng ghi nhận trên mọi lĩnh vực.
Quan hệ kinh tế Việt Nam-Campuchia là động lực phát triển ảnh 1Khách hàng tìm hiểu gian hàng của doanh nghiệp Việt Nam tại một hội chợ ở Campuchia. (Nguồn: Vietnam+)

Trước thềm chuyến thăm cấp nhà nước tới Campuchia của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, ngày 25/2, Khmer Times - một trong hai nhật báo tiếng Anh lớn nhất tại Campuchia - đã có bài viết “Quan hệ kinh tế Việt Nam-Campuchia: Động lực phát triển cho tương lai."

Bài báo cho rằng chuyến thăm cấp nhà nước tới Campuchia của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng diễn ra trong bối cảnh quan hệ Việt Nam-Campuchia tiếp tục có những phát triển tốt đẹp, trong đó ưu tiên cao trong việc gìn giữ, vun đắp và phát triển mối quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài giữa hai nước.

Những năm qua, Việt Nam và Campuchia đã, đang thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng đáng ghi nhận trên mọi lĩnh vực. Năm 2018, kim ngạch thương mại song phương đạt 4,68 tỷ USD, tăng 23,2% so với cùng kỳ năm 2017.

Trong những năm tới, dự kiến kim ngạch thương mại hai nước sẽ tiếp tục tăng. Hai bên nỗ lực thúc đẩy kim ngạch thương mại hai chiều sớm đạt 5 tỷ USD vào năm 2020.

Về đầu tư, Việt Nam có khoảng 210 dự án đầu tư sang Campuchia, với tổng vốn đăng ký đầu tư đạt khoảng 3,03 tỷ USD, tập trung chủ yếu trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, đưa Việt Nam nằm trong tốp 10 nước có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất tại Campuchia.

Các hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam tại Campuchia được Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen và các nhà lãnh đạo Campuchia đánh giá cao, đóng góp tích cực vào an sinh xã hội và sự phát triển thịnh vượng của Campuchia.

[Nâng quan hệ hữu nghị Việt Nam-Campuchia lên tầm cao mới]

Ngược lại, đầu tư của Campuchia vào Việt Nam cũng tiến triển tích cực, đến nay đã có 19 dự án với tổng vốn đầu tư 63,42 triệu USD. Đáng chú ý, quan hệ hợp tác đầu tư hai nước sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới khi lãnh đạo hai nước đã thống nhất trong việc trao đổi cụ thể để khớp nối nhu cầu hợp tác, phát triển của Campuchia đã đề ra trong “Chiến lược tứ giác” với những khả năng, thế mạnh của Việt Nam; nỗ lực đề ra các cơ chế chính sách tạo môi trường thông thoáng nhằm thu hút mạnh mẽ hơn nữa các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Campuchia cũng như doanh nghiệp Campuchia vào Việt Nam.

Về du lịch, trong những năm gần đây, ngành du lịch hai nước trở thành lĩnh vực thu hút nguồn đầu tư và nhân lực, được nhà nước và Chính phủ hai bên quan tâm. Trong nhiều năm qua, Việt Nam luôn là nước có lượng du khách lớn nhất tại Campuchia.

Năm 2018, Việt Nam có khoảng 800.000 lượt du khách đến thăm Campuchia, Việt Nam là nguồn khách du lịch lớn thứ hai đến Campuchia sau Trung Quốc. Du khách Campuchia đến Việt Nam trong năm 2018 đạt khoảng 203.000 lượt người, là một trong số những thị trường lớn về du lịch của Việt Nam.

Hiện nay, Việt Nam và Campuchia còn nhiều dư địa thuận lợi trong phát triển hợp tác du lịch. Một trong những lợi thế là hiện nay Vietnam Airlines đang khai thác khoảng 6-10 chuyến bay mỗi ngày từ Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đi Phnom Penh và Siem Reap, tạo cơ sở mạnh mẽ cho việc kết nối du lịch giữa Việt Nam-Campuchia.

Bên cạnh đó, thời gian qua, hai bên đã đẩy mạnh kết nối về kinh tế, giao thông nhằm phát huy hơn nữa thế mạnh của mỗi nước, điển hình là việc ký Thỏa thuận khung về kết nối hai nền kinh tế tháng 7/2017, hoàn tất đàm phán Bản Ghi nhớ về Chiến lược hợp tác giao thông vận tải Việt Nam-Campuchia giai đoạn 2018-2025, tầm nhìn đến năm 2030; khánh thành cây cầu biên giới kết nối Long Bình (An Giang)-Chrey Thom (Kandal) vào tháng 4/2017 và thông xe vận tải tại cặp cửa khẩu Lệ Thanh (Gia Lai)-Ô Gia Đao (Rattanakiri) tháng 7/2017.

Trong thời gian tới, hai nước sẽ chú trọng vào kết nối các tuyến giao thông vận tải, điện năng, du lịch, viễn thông, ngân hàng... sớm đưa vào hoạt động chợ biên giới kiểu mẫu tại xã Đa, huyện Memot, tỉnh T’Bong Khmum, giáp cửa khẩu Tân Lập tỉnh Tây Ninh; đẩy mạnh kết nối tại các cửa khẩu, sớm triển khai đầy đủ trên thực tế mô hình “Kiểm tra hàng hóa một cửa một lần dừng” tại cửa khẩu Mộc Bài (Việt Nam)-Bavet (Campuchia).

Kết thúc bài báo, Khmer Times cho rằng hiện nay, dự địa hợp tác kinh tế của hai nước còn nhiều tiềm năng chưa được khai thác hết. Trong thời gian tới, hai nước sẽ tiếp tục hợp tác phát triển trên các lĩnh vực về thương mại, đầu tư, du lịch, nông nghiệp, giáo dục và quan hệ kinh tế sẽ tiếp tục trở thành động lực tạo nền tảng vững chắc cho tương lai hai nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục