Sau khi tham dự Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) lần thứ 148 tại Thụy Sĩ, đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam do Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương dẫn đầu đã có chuyến thăm và làm việc tại Ba Lan từ ngày 27 đến 30/3.
Đây cũng là hoạt động nhằm chuẩn bị cho sự kiện đánh dấu 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Ba Lan (1950-2025).
Trong ba ngày làm việc chính thức, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương đã có các cuộc gặp và hội đàm song phương với Phó Chủ tịch Hạ viện Krzysztof Bosak; Phó Chủ tịch Thượng viện Michal Kaminski; Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Số hóa Ba Lan Krzysztof Gawkowski.
Tại các buổi tiếp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương bày tỏ vui mừng được đến thăm đất nước Ba Lan xinh đẹp, cảm ơn sự đón tiếp trọng thị của phía Ba Lan dành cho đoàn.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết quan hệ chính trị, ngoại giao giữa hai nước đang phát triển tốt đẹp; hợp tác kinh tế-thương mại tiếp tục được duy trì. Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Ba Lan tại Đông Nam Á và Ba Lan là đối tác ưu tiên của Việt Nam tại Trung Đông Âu.
Phó Chủ tịch Trần Quang Phương khẳng định Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp, hợp tác nhiều mặt với Ba Lan.
Phó Chủ tịch đề nghị trong thời gian tới, hai bên tiếp tục tăng cường tiếp xúc, đặc biệt là duy trì trao đổi đoàn cấp cao của lãnh đạo quốc hội cũng như các cơ quan của quốc hội, nhóm nghị sỹ hữu nghị, phối hợp giám sát và thúc đẩy thực hiện hiệu quả các thỏa thuận hợp tác giữa Chính phủ, các bộ ngành và địa phương hai nước.
Về hợp tác giữa hai cơ quan lập pháp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng thời gian qua quan hệ giữa hai quốc hội không ngừng phát triển.
Quốc hội Việt Nam khóa XV đã thành lập Nhóm Nghị sỹ Hữu nghị Việt Nam-Ba Lan do Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga làm Chủ tịch.
Còn về phía Ba Lan, Nhóm Nghị sỹ Hữu nghị Ba Lan-Việt Nam đã được thành lập tại cả Thượng viện và Hạ viện.
Ngoài hợp tác giữa hai cơ quan lập pháp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Ba Lan sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ Đầu tư Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVIPA); thúc đẩy Ủy ban châu Âu (EC) gỡ bỏ “thẻ vàng” (IUU) đối với hàng thủy sản Việt Nam; tiếp tục thúc đẩy thực hiện những thỏa thuận đã ký kết giữa hai nước.
Bên cạnh đó, duy trì tiếp xúc, tham vấn, phối hợp và hỗ trợ lẫn nhau tại các diễn đàn nghị viện đa phương cũng như trong các vấn đề khu vực và thế giới hai bên cùng quan tâm.
Ngoài ra, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cũng đề nghị hai nước xem xét khả năng nối lại đường bay Ba Lan và Việt Nam nhằm thúc đẩy du lịch và giao thương giữa hai nước.
Về phần mình, Phó Chủ tịch Hạ viện Krzysztof Bosak và Phó Chủ tịch thượng viện Michal Kaminski cùng khẳng định hoạt động trao đổi đoàn giữa hai quốc hội là góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác giữa hai nước.
Chia sẻ những ý kiến của phía Việt Nam, đại diện Hạ viện và Thượng viện Ba Lan bày tỏ mong muốn hợp tác với Quốc hội Việt Nam, góp phần thúc đẩy hợp tác hai nước.
Các lãnh đạo Quốc hội Ba Lan cùng đánh giá cao những đóng góp tích cực của cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan, khẳng định cộng đồng người Việt cần cù, chịu khó, đoàn kết và luôn là cầu nối vững chắc cho quan hệ hai nước.
Cùng với những đóng góp trên, cộng đồng người Việt Nam còn có uy tín cao tại nước sở tại, để lại hình ảnh đẹp trong xã hội Ba Lan. Hiện mối quan hệ giữa người Ba Lan và cộng đồng người Việt rất tốt, người Ba Lan có thái độ rất hữu nghị với cộng đồng người Việt Nam.
Trong khi đó, tại cuộc gặp với Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Số hóa Krzysztof Gawkowski, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương khẳng định khoa học và đổi mới sáng tạo là lĩnh vực hợp tác tiềm năng giữa Việt Nam-Ba Lan, hai nước cần thúc đẩy hợp tác lĩnh vực này trong thời gian tới.
Việt Nam sẵn sàng mở rộng hơn nữa quan hệ hợp tác tăng cường tìm hiểu về khoa học, công nghệ, nghiên cứu tại Ba Lan.
Về phần mình, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Số hóa Ba Lan Krzysztof Gawkowski cho biết Chính phủ Ba Lan có chính sách phát triển số hóa theo ba hướng: Phát triển công nghệ đảm bảo an toàn số; Trí thông minh nhân tạo và Máy tính lượng tử (quantum).
Tham vọng của Ba Lan là dẫn đầu châu Âu trong lĩnh vực này và sẵn sàng mời Việt Nam hợp tác. Một số tập đoàn trong lĩnh vực kỹ thuật số của Ba Lan mong muốn giới thiệu sản phẩm số hóa với Việt Nam, giúp nước này phát triển công nghệ số.
Cũng trong khuôn khổ chuyến thăm, đoàn đại biểu quốc hội Việt Nam đã có cuộc gặp với Nhóm Nghị sỹ Hữu nghị Ba Lan-Việt Nam, tiếp Hội Hữu nghị Ba Lan-Việt Nam, thăm làm việc với Đại sứ quán Việt Nam và đại diện cộng đồng người Việt tại Ba Lan, thăm Văn phòng Quân vụ Việt Nam tại Ba Lan.
Tại các buổi tiếp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương khẳng định cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam.
Vì vậy, đây không chỉ là một cuộc gặp mặt với các cán bộ nhân viên Đại sứ quán và cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan, ý nghĩa hơn thế, đây là một cuộc “tiếp xúc cử tri” rất đặc biệt ở xa Tổ quốc của các đại biểu Quốc hội.
Hơn 10 ý kiến của đại diện các hội, đoàn người Việt đã được các đại biểu Quốc hội lần lượt giải đáp.
Nhiều vấn đề như xin trở lại quốc tịch Việt Nam; điều chỉnh mức sinh hoạt phí, chế độ với cán bộ ngoại giao ở nước ngoài; các nội dung liên quan đến kinh tế, doanh nghiệp; tăng số lượng học bổng cho sinh viên Việt Nam; vấn đề dạy học tiếng Việt, giữ gìn phát huy văn hóa Việt Nam tại Ba Lan... đã được đề cập.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương ghi nhận các ý kiến của bà con Việt kiều, cộng đồng người Việt Nam để chuyển tới các cơ quan trong nước giải quyết, đồng thời trao đổi những nội dung liên quan trong các cuộc làm việc với Ba Lan ngay trong chuyến công tác này.
Cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan hiện có khoảng 35.000 người. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Ba Lan tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan ổn định cuộc sống, có nhiều đóng góp hơn nữa cho sự phát triển kinh tế-xã hội của Ba Lan cũng như quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa hai dân tộc.
Về phía Ba Lan, cả Quốc hội và Chính phủ Ba Lan cùng cam kết sẽ tiếp tục tạo điều kiện để cộng đồng người Việt sinh sống ổn định, lâu dài và hợp pháp tại Ba Lan, góp phần củng cố tình hữu nghị giữa hai dân tộc./.