Quan hệ kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc thời gian qua luôn phát triển theo hướng tích cực, đạt nhiều tiến triển mới.
Ngoài tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước liên tục tăng, Việt Nam đang tiếp tục là điểm đến đầu tư hấp dẫn với các doanh nghiệp của Trung Quốc.
Bà Lê Hoàng Oanh, Vụ trưởng Vụ châu Á-châu Phi (Bộ Công Thương), cho biết Việt Nam và Trung Quốc đều là những nền kinh tế năng động và duy trì tốc độ phát triển nhanh trong những năm gần đây.
Cùng với việc hai bên xây dựng quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, việc lãnh đạo cấp cao hai nước thường xuyên có các chuyến thăm lẫn nhau đã tạo ra môi trường quan hệ hợp tác chính trị tốt đẹp, ổn định đã góp phần tạo động lực và nền tảng quan trọng cho phát triển thương mại song phương.
Từ năm 2004 đến nay, Trung Quốc liên tục nhiều năm liền là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch thương mại song phương duy trì tốc độ tăng trưởng mạnh. Trung Quốc hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam trên thế giới, sau Hoa Kỳ.
Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN, lớn thứ tám trên thế giới và là thị trường xuất khẩu lớn thứ năm và thị trường nhập khẩu lớn thứ chín của Trung Quốc trên thế giới.
Cùng với đó, việc hai bên tiếp tục duy trì thường xuyên các cơ chế hợp tác kinh tế thương mại song phương đã kịp thời giải quyết các vấn đề tồn tại trong quan hệ thương mại giữa hai nước, đưa quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại song phương phát triển ngày càng ổn định theo hướng cân bằng, bền vững hơn.
Ngoài việc tương đồng về văn hóa, thói quen tiêu dùng… thương mại song phương Việt Nam-Trung Quốc có sự phát triển là nhờ ưu thế vị trí địa lý. Bên cạnh đó, Trung Quốc với quy mô dân số lớn nhất thế giới và hiện có trên 400 triệu người thuộc tầng lớp trung lưu nên nhu cầu tiêu dùng rất lớn và là thị trường xuất khẩu hấp dẫn với nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Theo Bộ Công Thương, năm 2018, kim ngạch thương mại Việt Nam-Trung Quốc đạt gần 107 tỷ USD, tăng 13,5% so với năm 2017; trong đó Việt Nam xuất khẩu đạt kim ngạch hơn 41 tỷ USD, tăng gần 17%; nhập khẩu đạt kim ngạch trên 65 tỷ USD, tăng gần 12%.
Về xuất khẩu, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu chính các mặt hàng nông, thủy sản của Việt Nam. Về nhập khẩu, đây cũng là thị trường cung cấp nhiều các mặt hàng nguyên liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam.
Theo Bộ Công Thương, trong hai tháng đầu năm 2019, cùng với khó khăn chung của thương mại toàn cầu, kim ngạch ngoại thương của Trung Quốc xuất hiện xu thế giảm khá mạnh, kéo theo giảm kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu của Trung Quốc với các đối tác thương mại lớn trên thế giới; trong đó Việt Nam cũng có xu hướng giảm.
Bên cạnh đó, kỳ nghỉ Tết truyền thống dài của hai nước cũng khiến các hoạt động sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp hai nước chững lại. Tuy nhiên sau thời gian này thương mại song phương hai nước đang có dấu hiệu cải thiện trong tháng Ba và các tháng tiếp theo.
[Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc quan tâm đầu tư vào Việt Nam]
Ông Cao Hữu Hiếu, Giám đốc điều hành Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex), cho biết một trong những điểm sáng góp phần vào tăng trưởng của dệt may Việt Nam thời gian qua là các doanh nghiệp đã bắt đầu tăng tốc tiến sang thị trường Trung Quốc.
Cụ thể, năm 2018, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này tăng 24%, từ hơn 3 tỷ USD năm 2017 lên trên 4 tỷ USD; trong đó, sợi là mặt hàng có tỷ trọng xuất khẩu lớn nhất sang Trung Quốc, khoảng 48%.
Tuy nhiên, theo ông Cao Hữu Hiếu, xuất khẩu vào thị trường này doanh nghiệp Việt Nam nói chung, dệt may nói riêng đang gặp một số khó khăn. Đó là quy mô sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam còn tương đối nhỏ lẻ dẫn đến hạn chế về năng lực cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu.
Ngoài ra, doanh nghiệp chưa chủ động tìm hiểu thói quen tiêu dùng, thông tin thị trường, chưa tìm hiểu kỹ về các quy định tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm kiểm dịch, chưa đi sâu thâm nhập vào từng khu vực thị trường có đặc thù riêng của Trung Quốc…
Bà Lê Hoàng Oanh cho biết thêm, thói quen xuất khẩu tiểu ngạch vẫn tồn tại ở một số doanh nghiệp gây khó khăn trong việc quản lý chất lượng hàng xuất khẩu, ảnh hưởng đến xuất khẩu bền vững sang thị trường Trung Quốc. Nhập siêu tuy đã có một số cải thiện nhưng vẫn còn khá lớn.
Hơn nữa, cơ sở hạ tầng vùng biên của Việt Nam; trong đó, có hạ tầng thương mại còn bất cập, chưa đáp ứng được nhu cầu trao đổi hàng hóa song phương đang tăng trưởng nhanh.
Các mặt hàng nông sản, thủy sản được xuất khẩu chính thức sang Trung Quốc còn chưa phong phú. Tiến độ đàm phán mở cửa thị trường cho các mặt hàng mới của Việt Nam còn chậm.
Do vậy, để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc, bà Lê Hoàng Oanh cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam cần nâng cao nhận thức và xác định Trung Quốc là thị trường trọng điểm và không nên cho rằng đây là thị trường dễ tính.
Các doan nghiệp cần tìm hiểu kỹ về nhu cầu thị trường và khu vực thị trường tại Trung Quốc để từ đó xác định mặt hàng trọng điểm và khu vực thị trường trọng điểm.
Theo bà Lê Hoàng Oanh, các doanh nghiệp cũng cần tổ chức sản xuất các mặt hàng nông sản, thủy sản có trọng tâm, trọng điểm, theo quy mô công nghiệp và chất lượng đồng đều để đảm bảo phù hợp với các tiêu chuẩn, chất lượng, kiểm nghiệm, kiểm dịch, truy xuất nguồn gốc, bao bì nhãn mác hàng hóa… của thị trường Trung Quốc.
Mặt khác, các cơ quan chức năng tập trung đẩy mạnh phổ biến thông tin về nhu cầu thị trường, các quy định về chất lượng, an toàn thực phẩm, bao bì nhãn mác, truy xuất nguồn gốc… đối với hàng hóa nhập khẩu cho các doanh nghiệp hai nước cũng sẽ góp phần thúc đẩy hợp tác thương mại song phương./.