Là hai nước láng giềng cùng chung sống trên Bán đảo Đông Dương, cùng tựa lưng vào dãy Trường Sơn hùng vĩ, cùng tắm chung dòng nước Mekong, từ xa xưa, sự gần gũi về địa lý và lịch sử, cùng với sự thủy chung và trong sáng đã dẫn dắt hai dân tộc Việt Nam và Lào gắn bó chặt chẽ với nhau một cách tự nhiên.
Đặc biệt, trong hơn 8 thập kỷ qua kể từ thời kỳ Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời và lãnh đạo phong trào cách mạng chung, mối quan hệ truyền thống tốt đẹp, sự gắn bó thủy chung giữa nhân dân hai nước Việt Nam-Lào được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Kaysone Phomvihane và Chủ tịch Souphanouvong đặt nền móng, được các thế hệ lãnh đạo của hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước không ngừng phát triển, vun đắp và đúc kết thành mối quan hệ mẫu mực, thủy chung, trong sáng, hiếm có trong quan hệ quốc tế và là tài sản chung vô giá của hai dân tộc Việt-Lào.
Cách đây 55 năm, vào ngày 5/9/1962, sau khi Hiệp định Geneva về Lào được ký kết, Việt Nam và Lào đã nhất trí thiết lập quan hệ ngoại giao, mở ra một chương mới trong sự nghiệp củng cố và phát triển hơn nữa mối quan hệ giữa hai nước.
Trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và giành độc lập của mỗi nước, sự gắn bó khăng khít, sự phối hợp, giúp đỡ vô tư, chí tình, chí nghĩa giữa hai nước, hai dân tộc Việt Nam và Lào, đã trở thành sức mạnh vô song và là nhân tố quan trọng góp phần đưa cách mạng hai nước đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Sau chiến thắng năm 1975, hòa bình lập lại trên đất nước Việt Nam và Lào, quan hệ hai nước bước sang kỷ nguyên mới, kỷ nguyên hòa bình, độc lập và chung tay xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Nhận thức sâu sắc về ý nghĩa và tầm quan trọng của quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào, ngày 18/7/1977, Chính phủ hai nước đã ký kết Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác. Đây là văn kiện nhằm kế thừa, phát huy truyền thống liên minh chiến đấu, tinh thần quốc tế trong sáng, tình đồng chí anh em đặc biệt và là sự nâng cấp đưa quan hệ ngoại giao giữa hai nước lên một tầm cao mới, trở thành nền tảng vững chắc cho việc tăng cường hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam-Lào trong thời kỳ mới.
Vượt qua muôn vàn khó khăn do hậu quả chiến tranh để lại, bất chấp sự bao vây, cấm vận và chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch, nhân dân hai nước Việt-Lào anh em lại tiếp tục dành cho nhau sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn về mọi mặt, cùng kề vai sát cánh bên nhau, đẩy mạnh công cuộc xây dựng và phát triển mỗi nước, vun đắp cho quan hệ láng giềng hữu nghị đặc biệt Việt Nam-Lào mãi mãi trường tồn.
[Quan hệ Việt-Lào “mãi mãi vững bền hơn núi hơn sông”]
Nhìn lại chặng đường phát triển quan hệ hai nước trong 55 năm qua và 40 năm ký kết Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam-Lào, hai nước có quyền tự hào khẳng định, tình đoàn kết đặc biệt thủy chung và sự hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào đã và đang tiếp tục được củng cố, đổi mới, ngày càng phát triển sâu rộng và thiết thực hơn, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và phát triển của mỗi nước.
Quan hệ chính trị giữa hai nước tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ, ngày càng gắn bó, tin cậy. Hai bên thường xuyên tiếp xúc cấp cao giữa lãnh đạo Đảng, Nhà nước và giữa các địa phương. Giao lưu giữa các tổ chức, các tầng lớp nhân dân được đẩy mạnh với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Hợp tác quốc phòng, an ninh và đối ngoại ngày càng chặt chẽ, đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả tích cực.
Hai bên phối hợp chặt chẽ giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo quốc phòng, an ninh ở mỗi nước; phối hợp thực hiện tốt Nghị định thư về quốc phòng và an ninh; hợp tác xây dựng tuyến biên giới Việt Nam-Lào ổn định và phát triển bền vững. Hai bên đã hoàn thành Dự án tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam-Lào; hoàn thành các thủ tục pháp lý về Nghị định thư về đường biên giới trên đất liền giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào…
Về phương diện kinh tế, hai nước đã thiết lập cơ chế Ủy ban liên chính phủ để cụ thể hóa chỉ đạo của lãnh đạo cấp cao về hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học-kỹ thuật… thông qua việc xây dựng nội dung hợp tác của từng thời kỳ, từng giai đoạn và hàng năm.
Tính tới năm 2017, Ủy ban liên chính phủ Việt Nam-Lào đã tiến hành được 39 kỳ họp định kỳ hàng năm luân phiên tại mỗi nước. Đặc biệt, ngày 8/2/2017 vừa qua, tại Hà Nội, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc cùng Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith đã lần đầu tiên đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ 39 Ủy ban liên chính phủ về hợp tác song phương Việt Nam-Lào, điều này cho thấy hai chính phủ đặc biệt coi trọng và làm hết sức mình nhằm nâng tầm quan hệ hợp tác song phương trong chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện các thỏa thuận hợp tác hai nước.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam hiện là nhà đầu tư lớn thứ ba tại Lào với trên 400 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư, tổng vốn cam kết gần 4 tỷ USD, trong đó đã thực hiện được 1,5 tỷ USD, phủ kín 17/18 tỉnh, thành phố của Lào. Nhiều dự án đầu tư của Việt Nam tại Lào đã phát huy hiệu quả, sản xuất kinh doanh có lãi, đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển của hai nước, tạo công ăn việc làm và làm tốt công tác an sinh xã hội tại Lào.
Nhờ các chính sách ưu tiên, ưu đãi hợp lý của cả hai bên, trao đổi thương mại giữa hai nước sau khi bị suy giảm trong năm 2015-2016 do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan đã lấy lại đà tăng trở lại trong năm nay và ước sẽ đạt hơn 900 triệu USD, tăng 10% so với năm ngoái, đạt mục tiêu tăng trưởng kim ngạch thương mại 10% mà lãnh đạo cấp cao hai nước đã đề ra.
Không chỉ giới hạn trong hợp tác kinh tế, hợp tác trên các lĩnh vực khác cũng được quan tâm thúc đẩy. Hợp tác giáo dục, đào tạo là lĩnh vực luôn được hai Đảng và hai Nhà nước ưu tiên. Đặc biệt, trong những năm qua, công tác đào tạo đội ngũ cán bộ và nguồn nhân lực cho Lào ngày càng được tăng cường về số lượng, cải thiện về chất lượng với các phương thức và loại hình đào tạo đa dạng, phong phú, đáp ứng yêu cầu đổi mới của Lào; các cơ sở đào tạo lưu học sinh Lào tại Việt Nam được quan tâm đầu tư nâng cấp. Tính đến thời điểm hiện tại, số lưu học sinh Lào đang có mặt học tập tại Việt Nam là hơn 14.000 người, trong đó diện hiệp định hơn 3.400 người…
Tổng kết quan hệ song phương 55 năm qua, trong diễn văn tại lễ kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 40 năm ký Hiệp ước Hữu nghị và hợp tác Việt Nam-Lào, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Bounnhang Volachith nhấn mạnh: “Có thể nói 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 40 năm ký Hiệp ước Hữu nghị và hợp tác là khoảng thời gian thử thách sự bền chặt gắn bó keo sơn của mối quan hệ giữa hai nước."
Nhìn lại suốt chặng đường phát triển của mối quan hệ Việt Nam-Lào, có thể thấy rõ, từng bước đi lên, từng thắng lợi của cách mạng mỗi nước đều gắn liền với sự phát triển tốt đẹp của mỗi quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào, một truyền thống quý báu, một sức mạnh vô địch, một tài sản chung vô giá của cả hai dân tộc.
Với nền tảng quan hệ vững chắc đó, cùng với sự quyết tâm gìn giữ và vun đắp cho quan hệ giữa hai nước của lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước, trong tương lai, quan hệ hữu nghị Việt Nam-Lào sẽ không ngừng được củng cố, phát triển, đáp ứng lợi ích căn bản và lâu dài của nhân dân hai nước và mãi mãi trường tồn với thời gian./.