“Anh đã chết, Anh Trỗi ơi, có biết
Máu kêu máu, ở trên đời, tha thiết!
Du kích quân Caracas đã vì anh
Bắt một tên giặc Mỹ giữa đô thành.”
(Trích bài thơ ‘‘Hãy nhớ lấy lời tôi’’, Tố Hữu, 23/10/1964)
Hơn 59 năm đã trôi qua kể từ sự kiện gây tiếng vang trong dư luận thế giới và đi vào lịch sử quan hệ Việt Nam-Venezuela, hai quốc gia ở cách nhau nửa vòng Trái Đất nhưng luôn chung một chiến hào, sẵn sàng “chia lửa” trong cuộc đấu tranh vì hòa bình và tự do.
Ngày 9/10/1964, du kích quân Caracas đã bắt cóc Trung tá Michael Smolen, Phó Chỉ huy Lực lượng Bảo vệ phái bộ Mỹ tại thủ đô của Venezuela, để đổi lấy tự do cho anh Nguyễn Văn Trỗi, bị Đế quốc Mỹ và chính quyền bù nhìn Sài Gòn kết án tử hình vì đã dũng cảm đặt mìn trên cầu Công Lý tiêu diệt Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert McNamara.
[Đưa quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Venezuela đi vào chiều sâu]
Tuy nhiên, 3 ngày sau khi du kích quân Caracas trả tự do cho con tin Mỹ, ngày 12/10/1964, đế quốc Mỹ và chính quyền bù nhìn Sài Gòn đã tử hình anh Trỗi hòng trấn áp phong trào chống Mỹ đang lên cao ở Việt Nam và trên thế giới.
Theo ông Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, Chống Tham nhũng và Tiêu cực, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương, hành động anh dũng của nhóm du kích trẻ thuộc Lực lượng Vũ trang Cách mạng Dân tộc Venezuela đó là biểu tượng trong sáng của tình đoàn kết quốc tế, tình bạn cao đẹp của người dân Venezuela đối với sự nghiệp Cách mạng Việt Nam, mãi mãi khắc ghi trong trái tim mỗi người dân Việt Nam.
Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Venezuela, ông Phan Đình Trạc đã có cuộc hội ngộ và tri ân các cựu du kích quân từng tham gia chiến dịch Caracas năm ấy.
Những “huyền thoại Caracas” giờ đây đều đã ở tuổi “xưa nay hiếm,” sức khỏe không còn được như thời trai trẻ, nhưng khi biết tin những người bạn Việt Nam sẽ đến, những cựu du kích quân năm ấy đều có mặt từ sớm ngày 6/11 tại Đại học Truyền thông Quốc tế (LAUICOM) ở thủ đô của Venezuela để cùng những người anh em, đồng chí ôn lại câu chuyện anh hùng; để cập nhật tình hình, mừng vui và tự hào cho Việt Nam hôm nay; để chia sẻ và lan tỏa truyền thống gắn kết giữa hai dân tộc cho các thế hệ mai sau.
Trò chuyện cùng các cựu du kích quân và nhiều thế hệ giảng viên, học viên Venezuela và quốc tế, đồng chí Phan Đình Trạc nhấn mạnh: “Nhân dân hai nước chúng ta tuy xa nhau về địa lý, nhưng trái tim và lý tưởng gần nhau; là bạn bè, đồng chí anh em thân thiết, luôn quan tâm, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau; cùng anh dũng đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội.”
Ông Phan Đình Trạc nhớ lại: “Vào thời điểm đó, nhiều người dân Việt Nam đã tìm vị trí đất nước Venezuela trên bản đồ thế giới và tự đặt câu hỏi: điều gì đã khiến những du kích trẻ ở tận bên kia bán cầu quyết định hành động dũng cảm như vậy?”
Xúc động trước sự hiện diện của đại diện nhóm du kích năm xưa, những nhân chứng sống của tình bạn tuyệt vời giữa hai đất nước Việt Nam-Venezuela, trong hội trường, ông Phan Đình Trạc nhớ tới lời của nhà thơ Venezuela Aquiles Nazoa: “Tình bạn là phát minh vĩ đại nhất của nhân loại.”
Thay mặt Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam, ông Phan Đình Trạc bày tỏ sự tri ân và cảm ơn sâu sắc đối với hành động anh dũng tuyệt vời và tình bạn cao đẹp mà những “huyền thoại Caracas” nói riêng và nhân dân Venezuela nói chung đã dành cho Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hôm nay.
Thực tế lịch sử cho thấy sự tương đồng về lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc và khát vọng cháy bỏng về độc lập dân tộc và tự do là sợi dây tinh thần gắn kết Việt Nam và Mỹ Latinh.
Nhân dịp này, ông Phan Đình Trạc tái khẳng định lập trường nhất quán của Việt Nam luôn đứng về lẽ phải, công lý và chính nghĩa trong mọi xung đột, tranh chấp quốc tế; ủng hộ chủ trương giải quyết mọi xung đột, tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, thông qua thương lượng, trên cơ sở tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau, căn cứ vào Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và thế giới.
Ông Phan Đình Trạc khẳng định Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn trân trọng gìn giữ di sản quan hệ đoàn kết truyền thống quý báu với Venezuela và các nước Mỹ Latinh; hết sức coi trọng và mong muốn cùng các chính đảng củng cố nền tảng chính trị, tăng cường sự tin cậy lẫn nhau, định hướng và thúc đẩy sự hợp tác toàn diện cùng có lợi với các nước Mỹ Latinh; tiếp tục hỗ trợ và ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn quốc tế để vượt qua các thách thức chung, đưa quan hệ hợp tác lên một tầm cao mới.
Bài nói chuyện của ông Phan Đình Trạc liên tục bị ngắt quãng bởi những tràng pháo tay tưởng như không dứt.
Kết thúc cuộc trò chuyện thân tình, ông Phan Đình Trạc trân trọng mời đại diện Nhóm du kích quân Caracas đã tham gia vào “Chiến dịch Nguyễn Văn Trỗi” lên sân khấu để tri ân và cùng lưu giữ những kỷ niệm đẹp về cuộc hội ngộ này.
Cuộc gặp mặt thân mật kết thúc trong giai điệu bài hát “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng,” trong những tiếng hô vang “Việt Nam-Hồ Chí Minh,” “Việt Nam-Venezuela, chung một ngọn cờ!”
Chia sẻ nhanh với phóng viên TTXVN bên lề cuộc gặp, bà Nancy Zambrano Rivas, một trong những đại diện của nhóm du kích quân Venezuela, khẳng định với Venezuela, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam là nguồn cổ vũ, động viên vô cùng to lớn.
Việt Nam mãi là tấm gương cho Venezuela và Bác Hồ là niềm tin tất thắng./.