Mới đây trên diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã lên tiếng về việc dịch vụ xem phim trực tuyến Netflix cũng như một số nền tảng internet xuyên biên giới khác có nhiều nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam, cạnh tranh không công bằng, gây thất thu thuế cho Nhà nước…
Trước đó, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và nhTruyền thông) cũng đã hai lần gửi văn bản nhắc nhở, yêu cầu công ty Netflix tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam. Văn bản được gửi đi sau khi Netflix liên tục phát sóng các bộ phim có các nội dung vi phạm chủ quyền Việt Nam, không phù hợp với thuần phong mỹ tục, thậm chí còn bị coi là “khiêu dâm trẻ em.”
Theo Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, ngoài Netflix thì tại Việt Nam còn xuất hiện nhiều dịch vụ truyền hình xuyên biên giới có thu tiền thuê bao định kỳ khác như iFlix (Malaysia), Apple TV (Mỹ), WeTV, IQIYI (Trung Quốc)… Các nền tảng này được gọi là OTT (dịch vụ gia tăng trên nền tảng internet), phát theo hình thức “streaming,” (tạm dịch là chiếu trực tiếp) có nhiều sự khác biệt so với các loại hình xem phim truyền thống, gây bối rối nhất định cho cơ quan quản lý.
Điều đó cho thấy sự cấp bách của việc cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý, nhằm quản lý các nền tảng internet xuyên biên giới như Netflix. Điều này không nhằm bảo vệ người xem, mà còn cả chính các doanh nghiệp nội đang hoạt động trong lĩnh vực nói trên.
Kẽ hở trong quản lý
Trên thực tế, để quản lý những dịch vụ tương tự như Netflix, chính phủ đã ban hành Nghị định 06 vào năm 2016 về Quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thành, truyền hình, trong đó có nhắc tới “dịch vụ phát thanh, truyền hình trên mạng internet.”
Tuy nhiên, trao đổi với VietnamPlus, một chuyên gia hoạt động lâu năm trong lĩnh vực truyền hình trả tiền cho biết, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ đã tạo ra lỗ hổng, dẫn đến những vụ “lọt sàng” trong quản lý. Lý do là Nghị định 06 chỉ nhắc tới các dịch vụ thông qua các địa chỉ tên miền xác định “do Việt Nam quản lý,” trong khi Netflix được coi là nền tảng dịch vụ internet “xuyên biên giới.”
[Thu được hàng nghìn tỷ đồng tiền thuế từ Google, Facebook, Netflix]
Chuyên gia này phân tích: Nếu trước đây các kênh truyền hình nước ngoài muốn phát sóng ở Việt Nam thì đều phải xin giấy phép, chịu sự kiểm duyệt của cơ quan quản lý. Sau đó, những nội dung đó mới được Việt hóa, phát trên các nền tảng truyền thống như truyền hình cáp hay vệ tinh, qua các kênh trả tiền quen thuộc như HBO, StarMovies, Cinemax…
Tuy nhiên, internet tốc độ cao đã xóa nhòa mọi đường biên giới trên mạng. Hiện nay, người đam mê phim ảnh chỉ cần tải ứng dụng như Netflix về thiết bị di động hay TV thông minh (thậm chí đã được cài đặt sẵn) là có thể thưởng thức các bộ phim bom tấn với chất lượng hình ảnh tốt, có cả phụ đề tiếng Việt. Chỉ bằng một vài phương thức thanh toán đơn giản, bất cứ ai cũng có thể đăng ký xem phim trên Netflix, kể cả trẻ em. Thậm chí, trên mạng còn xuất hiện nhiều dịch vụ bán hay chia sẻ tài khoản xem phim với giá rất rẻ.
Dĩ nhiên, nhiều doanh nghiệp trong nước cũng đã thích ứng nhanh với thời cuộc và tham gia vào thị trường OTT đầy sôi động ấy, với những cái tên như Galaxy Play, FPT Play, ClipTV… Tuy vậy, theo vị chuyên gia trên, trong cuộc chiến đường dài, đa phần các OTT nội đều hụt hơi bởi các OTT ngoại có kho nội dung vô cùng phong phú.
Ngoài những bộ phim bom tấn khai thác lại, các nền tảng này còn mạnh dạn đầu tư sản xuất nhiều bộ phim gốc, với sự góp mặt của nhiều siêu sao Hollywood, có chất lượng không thua kém gì phim chiếu rạp. Rất nhiều bộ phim, loạt phim chiếu trên các OTT ngoại đã tạo thành trào lưu ở Việt Nam, được bàn tán, “review” (nhận xét) công khai trên các trang báo chính thống, như loạt phim “Hạ cánh nơi anh,”“Phi vụ triệu đô”… dù trên nguyên tắc, những bộ phim này chưa được cấp phép để phát hành.
Thế nên, không khó hiểu khi các nền tảng xuyên biên giới ấy thu hút người xem Việt. Và đương nhiên, nó cũng dần "bóp chết" các doanh nghiệp Việt.
Trong khi đó, một điểm mấu chốt là doanh nghiệp Việt vừa chịu sự kiểm duyệt về nội dung của cơ quan quản lý, phải lập hẳn ban biên tập kiểm soát tiền kỳ lẫn hậu kỳ, lại vừa phải tuân thủ nghĩa vụ nộp thuế. Còn OTT nước ngoài thì không.
“Chưa nói đến chuyện bảo hộ doanh nghiệp trong nước, chúng tôi chỉ muốn có sự bình đẳng về nội dung, chính sách thuế và các chính sách có liên quan,” đại diện một doanh nghiệp truyền hình trả tiền lên tiếng.
'Tự vệ' trong lúc chờ Nghị định 06 sửa đổi
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, trong quý 1 của năm 2020, các doanh nghiệp truyền hình trả tiền Việt Nam sụt giảm khoảng 1 triệu thuê bao. Ngược lại, các OTT như Netflix tăng trưởng rất mạnh, riêng quý 1 tăng khoảng 60% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thời điểm nhiều người phải ở nhà do lệnh cách ly xã hội cũng là lúc mà lượng thuê bao Netflix bùng nổ, nhiều tờ báo thậm chí còn mở chuyên mục “review” các tập phim chiếu trên dịch vụ này. Trong khi đó, cơ quan quản lý chưa “tóm gáy” được doanh nghiệp, còn tên tuổi của họ cứ đàng hoàng được quảng bá trên các phương tiện truyền thông chính thống.
Thậm chí, Netflix còn đe dọa cả doanh thu của các rạp chiếu phim, bởi dù dịch bệnh đã được Việt Nam kiểm soát tốt, nhưng nhiều người vẫn có tâm lý e ngại đến nơi đông người. Nhiều hệ thống rạp chiếu phim lớn đã phải đóng cửa nhiều cơ sở trên toàn quốc, hoặc thu hẹp quy mô hoạt động.
Chuyên gia trong lĩnh vực truyền hình phân tích thêm, một khi khán giả Việt Nam đã “nghiện” Netflix, nếu chúng ta không quản lý được nội dung mà họ cung cấp thì điều này sẽ gây rất nhiều nguy hại. “Chưa nói đến các yếu tố như bạo lực, tình dục, ma túy, những bộ phim chứa các nội dung sai lệch về chủ quyền xuất hiện ngày càng nhiều, thậm chí cả trong các bộ phim do Hollywood, Hàn Quốc sản xuất,” vị chuyên gia này nói thêm.
Trao đổi với VietnamPlus, đại diện của Cục Báo chí cho hay cơ quan này đã tham mưu cho Bộ Thông tin và Truyền thông sửa đổi Nghị định 06 nhằm siết chặt quản lý nền tảng internet xuyên biên giới. Trên diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho biết Nghị định sửa đổi đã soạn thảo xong, đang trình chính phủ xem xét.
Về phía các cơ quan có liên quan, ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh nói cục cũng đã có ý kiến gửi Bộ Thông tin và Truyền thông về hình thức quản lý các nền tảng xem phim trực tuyến; đề nghị Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử kiểm duyệt các nội dung phim trên mạng, còn Cục Điện ảnh sẽ chịu trách nhiệm đối với phim ra rạp.
Còn trước khi Nghị định sửa đổi được thông qua thì “mỗi công dân cần có khả năng sàng lọc, tự vệ trước những nội dung tràn ngập trên mạng,” ông Thành nhấn mạnh. “Hãy là người tiêu dùng thông minh, có chọn lọc.”
Phim 'Madame Secretary' hiển thị tên 'Phù Lăng, Trung Quốc' cho cảnh phim ở Hội An. (Ảnh: Internet) Netflix từng vướng phải phản đối liên quan đến nội dung không phù hợp với văn hóa bản địa. Chỉ trong năm 2020, Netflix bị réo tên ít nhất ở 3 quốc gia. Tại Mỹ, phim “Cuties” của Pháp bị lên án là sử dụng nhiều cảnh trẻ em nhảy gợi dục. Hồi đầu tháng 10, loạt phim “A Suitable Boy” gây tranh cãi gay gắt tại Ấn Độ khi để một cô gái theo đạo Hồi hôn một chàng trai theo đạo Hindu, trong nhà thờ Hindu... Tại Việt Nam, Cục Phát thanh Truyền hình từng hai lần gửi văn bản yêu cầu gỡ các phim “Vietnam War,”“Madame Secretary” khỏi kho phim cho người dùng Việt Nam do tuyên truyền thông tin sai sự thật lịch sử, chủ quyền quốc gia, yêu cầu ngừng hiện thị phụ đề tiếng Việt với các phim khiêu dâm "Polar,""After Porn Ends," "365 Days". |