Quản lý thị trường: Lực lượng chủ công trên mặt trận chống buôn lậu

Hàng nghìn vụ buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu bị bóc gỡ và triệt phá mỗi năm, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã thể hiện rõ vai trò chủ công trong công tác chống buôn lậu.
Quản lý thị trường: Lực lượng chủ công trên mặt trận chống buôn lậu ảnh 1Cán bộ Quản lý thị trường đang kiểm tra hàng hóa tại các bến xe. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Hàng nghìn vụ buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu bị bóc gỡ và triệt phá mỗi năm góp phần không nhỏ vào việc bảo vệ nhà sản xuất trong nước, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và lợi ích chung của toàn xã hội.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống của ngành (3/7/1957-3/7/2017) diễn ra sáng 1/7, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình đã biểu dương và đánh giá cao những thành tích của lực lượng quản lý thị trường cả nước đạt được trong thời gian qua.

​Theo Phó Thủ tướng, trong suốt 60 năm xây dựng và trưởng thành, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã thể hiện rõ vai trò chủ công trên mặt trận kiểm tra, kiểm soát thị trường, góp phần thực hiện thành công mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ, chống các hoạt động buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, chống gian lận thương mại và các hành vi kinh doanh trái phép khác...

Chỉ tính riêng trong giai đoạn từ năm 1995-2016, lực lượng quản lý thị trường các cấp đã xử lý 1.795.208 vụ vi phạm, trong đó có 423.085 vụ buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu; 179.649 vụ sản xuất, buôn bán hàng giả... thu nộp ngân sách nhà nước trên 5.204 tỷ đồng.

Ghi nhận những chiến công trên, lực lượng Quản lý thị trường đã được Nhà nước trao tặng nhiều Huân chương Lao động, cờ thi đua, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành.

Tuy vậy, để đáp ứng các nhiệm vụ trong tình hình mới, lãnh đạo Chính phủ cũng đề ra 6 nhiệm vụ cho lực lượng quản lý thị trường, trong đó Phó Thủ tướng nhấn mạnh đến việc bồi dưỡng trình độ chuyên môn nghiệp vụ, rèn luyện đạo đức công vụ và tác phong của đội ngũ cán bộ công chức khi thực thi nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát thị trường.

Đặc biệt, trong công tác chỉ đạo, điều hành, Phó Thủ tướng ​nêu rõ trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị  đồng thời ​yêu cầu xử lý nghiêm các công chức, lãnh đạo quản lý, kể cả phụ trách địa bàn nếu để xảy ra buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả phức tạp, kéo dài, gây bức xúc trong nhân dân.

"Lực lượng quản lý thị trường phải xác định công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục để tiếp tục tham mưu và tổ chức thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả," Phó Thủ tướng lưu ý.

​Tiếp thu ý kiến chỉ đạo trên, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải ​​cũng đề nghị Cục Quản lý thị trường khắc phục sớm những vấn đề tồn tại ​và qua thực tế công việc ​cần xây dựng phương án, kế hoạch cụ thể để triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo 389 quốc gia giao.

"Trong bối cảnh đất nước ta đang hội nhập kinh tế thế giới, lực lượng Quản lý thị trường phải nhận thức rõ và đầy đủ hơn trách nhiệm trong việc kiểm tra, xử lý vi phạm, khắc phục những hạn chế để thực hiện tốt hơn công tác quản lý thị trường, góp phần bảo vệ sản xuất trong nước, bảo vệ người tiêu dùng," ​lãnh đạo Bộ Công Thương nhấn mạnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.