Quan niệm sai lầm về đốt vàng mã trong dịp lễ Vu Lan báo hiếu

Lễ Vu Lan có nguồn gốc Phật giáo, nhưng giáo lý nhà Phật không dạy con người đốt vàng mã để báo hiếu mà phải là phát tâm từ thiện, thay người đã khuất làm nhiều điều thiện.
Quan niệm sai lầm về đốt vàng mã trong dịp lễ Vu Lan báo hiếu ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Do không hiểu rõ về ý nghĩa của Lễ Vu Lan và giáo lý Đạo Phật, hiện nay, không ít người vẫn quan niệm và giữ tục đốt vàng mã vào Ngày xá tội vong nhân, Rằm Tháng Bảy, cho rằng làm vậy là tỏ lòng thành kính với ông bà, cha mẹ, tổ tiên.

Liên quan đến vấn đề này, phóng viên TTXVN có cuộc trao đổi với Đại đức Thích Thanh Phương, trụ trì tại Chùa Sủi, Gia Lâm (Hà Nội), Ủy viên Ban Hoằng pháp Trung ương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Trụ trì tại một trong những ngôi chùa có lịch sử lâu đời nhất của Phật Giáo Việt Nam, Đại đức Thích Thanh Phương khẳng định làm việc thiện chính là báo hiếu cha mẹ tổ tiên đúng với tinh thần Phật giáo chứ không phải là đốt mã.

- Xin Đại đức cho biết ý nghĩ của Lễ Vu Lan mà dân gian còn gọi là ngày Xá tội vong nhân diễn ra dịp Rằm tháng Bảy hàng năm?

Đại đức Thích Thanh Phương: Vu Lan còn gọi là Vu Lan Bồn, có nguồn gốc chữ Phạn Ullambana, dịch sang Hán ngữ là Giải đảo huyền, tức là gỡ khỏi nạn treo ngược theo nghĩa của tiếng Việt. Hiểu rộng ra là nhờ vào sự thành tâm chú nguyện của thập phương chư Tăng mà chúng ta có thể cứu được cha mẹ, tổ tiên thoát khỏi cảnh tội đồ, cầu nguyện cho chúng sinh được siêu thoát, khỏi vòng sinh tử luân hồi...

- Vậy trong Ngày lễ Vu Lan báo hiếu ông bà tổ tiên, con cháu nên làm những việc gì?

Đại đức Thích Thanh Phương: Ngày lễ Vu Lan nhắc nhở mỗi người chúng ta luôn ghi nhớ công ơn dưỡng dục, sinh thành của cha mẹ, ông bà, tổ tiên cũng như những đóng góp to lớn của các Anh hùng dân tộc, những người có công với đất nước.

Bên cạnh đó, Ngày lễ Vu Lan giúp chúng ta tiếp cận với ý nghĩa giáo dục đầy nhân bản của triết lý Phật giáo đó là "Từ, bi, hỉ, xả," "Vô ngã, vị tha," "Uống nước nhớ nguồn"... Bởi vậy, khi sống làm người, phải chăm làm điều thiện, điều tốt, tránh xa điều ác.

Trong giáo lý nhà Phật có 5 điều khuyên không nên làm: sát sinh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, uống rượu. Để duy trì cuộc sống, con người nhiều khi vô tình phạm phải 5 tội kể trên. Con cháu muốn báo đáp thâm ân, thay ông bà cha mẹ chuộc tội thì cần vâng lời cha mẹ, tiếp nối nghiệp nhà, thay người đã khuất làm nhiều điều thiện...

- Như vậy là Phật giáo dạy chúng sinh làm nhiều việc thiện chính là báo hiếu ông bà tổ tiên?

Đại đức Thích Thanh Phương: Đúng vậy. Câu chuyện báo hiếu của đức Mục Kiền Liên trong Phật giáo đã gián tiếp chỉ ra rằng, con người muốn linh hồn cha mẹ, ông bà, tổ tiên được siêu thoát thì phải phát tâm từ thiện, thay cha mẹ giải đi những nghiệp xấu mà lúc còn sống họ đã gây nên.

Tuy nhiên, trong suy nghĩ của nhiều người Việt Nam hiện đại, báo hiếu là phải thể hiện trực tiếp bằng tiền bạc và của cải vật chất. Với suy nghĩ “trần sao âm vậy,” họ mua rất nhiều vàng mã, nhà lầu, xe hơi... để đốt cho linh hồn người đã khuất, thông qua việc đốt vàng mã để thể hiện lòng thành kính với cha mẹ, ông bà.

Lễ Vu Lan có nguồn gốc Phật giáo, nhưng trong giáo lý nhà Phật không dạy con người phải đốt vàng mã để báo hiếu. Ngược lại, tục đốt vàng mã chính là hình thức mê tín dị đoan, vừa tốn tiền của, vừa gây ô nhiễm môi trường.

Cầu nguyện cho những người đã mất là điều nên làm, nhưng người âm thực sự không cần những thứ phù phiếm như vàng mã, nhà lầu, xe hơi hay mâm cao cỗ đầy bởi vong linh họ không hưởng được...

Đốt vàng mã về cơ bản chỉ là một hành động trấn an tinh thần những người còn sống, thực tế đây là việc làm lãng phí, thể hiện suy nghĩ hạn hẹp của rất nhiều cá nhân.

Nếu tâm hạn hẹp, chưa bứt phá thì linh hồn cha mẹ vẫn chưa thoát khỏi luân hồi sinh tử, cũng chưa tiến bộ, bứt phá lên được.

Đạo hiếu Vu Lan theo tinh thần Phật giáo chân chính, chính tín là biết lo cho đất nước, cho dân tộc, lo cho những người xung quanh, có lòng vị tha, biết chăm lo cho nhau. Nếu không làm việc thiện, sống không có tâm thiện thì những việc khác cũng vô ích, không phải là chí hiếu.

Để thể hiện tấm lòng chí hiếu của mình, người có tín ngưỡng có thể tới chùa, hoặc là bằng các hành động cụ thể, đoàn kết hoan hỉ, vui vẻ giúp đỡ mọi người, trở thành người có ích cho cộng đồng.

- Xin trân trọng cảm ơn Đại đức./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục