Ngày 22/11, tại Phòng Thương mại Flanders Brabant (VOKA) ở thành phố Vilvoorde của Bỉ đã diễn ra hội thảo "Kinh doanh với Việt Nam."
Sự kiện này nằm trong khuôn khổ Tuần lễ kinh doanh quốc tế vùng Flanders (vùng nói tiếng Hà Lan) của Vương quốc Bỉ.
Phát biểu tại hội thảo, ông Andries Gryffroy - Phó Chủ tịch thứ nhất Thượng viện Bỉ, Chủ tịch Liên minh Bỉ-Việt (BVA), đã giới thiệu sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam cùng những xu hướng kinh doanh tại đây.
Theo ông Gryffroy, Việt Nam đứng thứ 70 trong số 190 quốc gia được phân tích trong Báo cáo môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới (WB) cho năm 2020. Việt Nam được xếp hạng đặc biệt cao trong việc giải quyết giấy phép xây dựng (thứ 25) và tín dụng (thứ 25).
[Quảng bá hàng hóa Việt Nam tại triển lãm nội thất quốc tế Ấn Độ]
Việt Nam là nước xuất khẩu càphê lớn thứ hai thế giới, chiếm 10,5% lượng cà phê xuất khẩu của thế giới ; đứng thứ hai về sản xuất gạo, chiếm khoảng 20% lượng xuất khẩu của thế giới. Bên cạnh đó, Việt Nam được coi là nước xuất khẩu hạt điều và hạt tiêu đen hàng đầu thế giới. Ông Andries Gryffroy cũng nhấn mạnh phở, áo dài và bánh mỳ là ba từ tiếng Việt đã được thêm vào từ điển Oxford.
Trả lời phỏng vấn phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại Brussels, ông Andries Gryffroy cho biết trong chuyến thăm Việt Nam mới đây, ông vô cùng ấn tượng về sự phát triển nhanh chóng của Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực điện tử và công nghệ cao.
Ông Gryffroy lấy ví dụ về xe Vinfast chạy điện hoàn toàn do tập đoàn Vingroup sản xuất. Ông nhận định đây sẽ trở thành một sản phẩm cạnh tranh cao với các hãng sản xuất ôtô ở châu Âu.
Theo ông Gryffroy, những lý do nên đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam là nền kinh tế ổn định và thịnh vượng; vị trí chiến lược tuyệt vời; lực lượng lao động trẻ và có học thức; chi phí lao động cạnh tranh; hạ tầng cơ sở liên tục phát triển.
Thêm vào đó là các chính sách hỗ trợ của chính phủ - mở cửa đối với đầu tư nước ngoài; các hiệp định thương mại như Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu (EU)-Việt Nam (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (IPA) tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư châu Âu tại Việt Nam và các nhà đầu tư Việt Nam tại châu Âu.
Ông Gryffroy khẳng định Việt Nam chính là "cổng vàng đến Đông Nam Á."
Cũng tại hội thảo, ông Daniel Vandenberghe, cố vấn quốc tế của VOKA, cho rằng nền kinh tế Việt Nam đang phát triển rất ấn tượng, là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư châu Âu, đặc biệt trong bối cảnh lạm phát tại châu Âu gia tăng. Hội thảo là cơ hội để các công ty và doanh nhân trao đổi ý tưởng và thông tin với các bên liên quan đồng thời hiểu rõ hơn về cách thức bắt đầu và phát triển hơn nữa các mối quan hệ kinh doanh tại Việt Nam.
Tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe những chia sẻ từ các chuyên gia có kinh nghiệm tại Việt Nam. Bà Karine De Vleeshouwer, chuyên gia từ Cơ quan Đầu tư và Thương mại vùng Flanders (FIT), đã có bài thuyết trình "Việt Nam trong xuất khẩu của vùng Flanders," theo đó nhấn mạnh những thế mạnh hợp tác hai bên về kinh tế tuần hoàn, năng lượng, cảng biển…
Đại diện Tập đoàn Bảo hiểm Tín dụng châu Âu (Credenco), ông Gert Lambrecht đã đề cập đến những rủi ro trong thanh toán quốc tế tại Việt Nam. Điều này đòi hỏi các nhà đầu tư phải tìm hiểu về quy định pháp lý của nước sở tại liên quan đến xuất nhập khẩu để đưa ra những đối sách phù hợp.
Hội thảo "Kinh doanh với Việt Nam" do VOKA phối hợp với Cơ quan Đầu tư và Thương mại vùng Flanders (FIT), Liên minh Bỉ-Việt (BVA), Phòng Thương mại Bỉ-Luxembourg (BeluxCham) và Tập đoàn Bảo hiểm Tín dụng châu Âu (Credendo), tổ chức.
Sự kiện này nhằm mục đích nêu bật các cơ hội kinh doanh và tiềm năng phát triển tại Việt Nam cho các công ty và doanh nhân vùng nói tiếng Hà Lan của Bỉ./.