Quảng bá hình ảnh, văn hóa Chợ nổi Cái Răng để tạo điểm nhấn du lịch

Chợ nổi Cái Răng là loại hình chợ độc đáo và đặc trưng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và đây cũng là khu chợ tiêu biểu, sầm uất, nổi tiếng nhất cho nét văn hóa sông nước miền Tây.
Thuyền bán trái cây cho khách tham quan chợ nổi Cái Răng. (Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN)

Nhằm quảng bá hình ảnh, văn hóa Chợ nổi Cái Răng, tạo điểm nhấn du lịch của thành phố đối với khách du lịch trong và ngoài nước, ngày 10/7, tại Cần Thơ, Ủy ban Nhân dân quận Cái Răng phối hợp với Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Cần Thơ tổ chức Ngày hội Du lịch “Văn hóa Chợ nổi Cái Răng” lần thứ 7, năm 2023.

Ngày hội năm nay có khoảng 15 hoạt động sôi nổi, hấp dẫn với quy mô trên 60 gian hàng.

Năm nay, Ngày hội có thêm các hoạt động mới như Hội thi “Nét đẹp áo bà ba xưa và nay" quận Cái Răng lần thứ I năm 2023; Hội thi trưng bày mô hình ghe, tàu - cây bẹo mua bán nông sản tại Chợ nổi; thưởng thức các loại bánh dân gian; Ngày hội chuyển đổi số du lịch giữa Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long…

Chợ nổi Cái Răng là loại hình chợ độc đáo và đặc trưng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và đây cũng là khu chợ tiêu biểu, sầm uất, nổi tiếng nhất cho nét văn hóa sông nước miền Tây.

Chợ nổi Cái Răng nằm trên sông Cái Răng, gần cầu Cái Răng, cách trung tâm thành phố Cần Thơ khoảng 6km đường bộ và mất 30 phút nếu đi bằng thuyền từ bến Ninh Kiều (quận Ninh Kiều) để xuôi thuyền trên sông về chợ nổi.

Theo Viện Kinh tế Xã hội Cần Thơ, Chợ nổi Cái Răng khi mới hình thành nằm ở vị trí giao nhau giữa bốn con sông Cần Thơ, Đầu Sấu, Cái Sơn, Cái Răng Bé, liền kề với chợ Cái Răng trên bờ.

Đến thập niên 90 của thế kỷ 20, do trở ngại về giao thông đường thủy, chợ nổi được di dời qua khỏi cầu Cái Răng về phía Phong Điền, cách vị trí cũ trên 1km.

Hiện tại, chợ nổi Cái Răng nằm ở phía hạ lưu sông Cần Thơ, cách cầu Cái Răng khoảng 600m, với diện tích mặt nước khá rộng lớn. Chợ nổi Cái Răng nằm trên trục đường thủy sông Hậu-kênh xáng Xà No nên rất thuận lợi cho việc giao thương, buôn bán với các địa phương lân cận và cả vùng sông nước Cửu Long. Đây là lý do khiến chợ nổi Cái Răng có quy mô lớn nhất, sầm uất nhất so với các chợ nổi trong vùng sông nước Cửu Long.

Hằng ngày, Chợ nổi Cái Răng họp khá sớm, thường từ lúc mờ sáng và đến khoảng 8, 9 giờ thì vãn. Ở chợ nổi, hầu hết hàng hóa đều được bán buôn.

[Du lịch Cần Thơ trở mình mạnh mẽ, phấn đấu đón 5,2 triệu lượt khách]

Tại chợ, hàng hóa rất đa dạng, phong phú, đứng đầu là nhóm hàng nông sản; tiếp theo là nhóm hàng thủ công, gia dụng; thực phẩm. Ngoài ra, ở chợ còn có các xuồng nhỏ bán đồ ăn uống và một số hàng hóa phục vụ sinh hoạt hàng ngày của dân cư và du khách.

Điểm độc đáo của chợ nổi Cái Răng là ở chợ nổi không “bán chịu” và ít nói thách; mọi giao dịch diễn ra nhanh chóng để kịp con nước hoặc trước lúc chợ tan, khi mặt trời lên cao.

Do đặc thù của chợ nổi là giao dịch trên sông nước, cần nhanh gọn, linh hoạt nên các hoạt động giao thương ở đây được thực hiện trên nền tảng chữ “tín,” nghĩa là sự tin tưởng giữa người mua và người bán, không cần thương lượng phức tạp, không cần ký hợp đồng hoặc người làm chứng, nhưng rất ít xảy ra các vụ tranh chấp ở chợ nổi. Những đơn hàng trị giá hàng chục triệu đồng, khối lượng hàng hóa cả chục tấn cũng chỉ được giao dịch trực tiếp bằng miệng trong vài mươi phút.

Nguyên tắc mua bán ở chợ nổi là bớt kỳ kèo, bớt nói thách về giá cả để người bán và người mua đều có lợi, tiết kiệm được thời gian, hạn chế chi phí, đưa nhanh hàng hóa đến nơi cần thiết. Mọi người đều thấm nhuần các quy ước, thông lệ mua bán trên sông nên đã tự thỏa thuận, vạch ra một công thức, trật tự giao thương cho mình, trở thành “Văn hóa Chợ nổi.”

Bình quân mỗi ngày, Chợ nổi Cái Răng có khoảng 300-350 ghe, tàu buôn bán kinh doanh, trong đó có khoảng 150 ghe tàu trọng tải lớn; người dân sinh sống trên ghe và thường xuyên neo đậu dài ngày. Tại chợ còn có các dịch vụ đi kèm như trạm xăng dầu nổi, xưởng sửa máy nổi, tiệm may nổi.

Trưng bày mô hình ghe, tàu - cây bẹo mua bán nông sản. (Ảnh: Ánh Tuyế/TTXVN)

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Cái Răng Nguyễn Quốc Cường cho biết Chợ nổi Cái Răng không chỉ là nơi diễn ra các hoạt động trao đổi buôn bán hàng ngày của người dân mà còn là điểm du lịch trọng yếu, thu hút du khách trong và ngoài nước.

Để bảo tồn và phát triển Chợ nổi Cái Răng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ Nguyễn Thực Hiện nhấn mạnh cần đẩy nhanh xây dựng Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thế quốc gia văn hóa Chợ nổi Cái Răng phục vụ phát triển du lịch đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045."

Cơ quan chức năng cần tuyền truyền cho người dân nhận thức rõ về giá trị văn hóa chợ nổi trong phát triển du lịch; quan tâm hướng dẫn, tập huấn về kiến thức, kỹ năng làm du lịch, tạo sinh kế cho người dân từ hoạt động du lịch trên chợ nổi; khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở sản xuất và cộng đồng tham gia các hoạt động mua bán sản phẩm phục vụ khách du lịch, nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục