Quảng bá, kết nối sản phẩm du lịch giữa Đắk Lắk và Hà Nội

Đắk Lắk có nhiều sản phẩm đặc sắc với các loại hình nghỉ dưỡng, du lịch trải nghiệm và văn hóa, do đó, doanh nghiệp Hà Nội muốn kết nối để phát triển các sản phẩm du lịch.
Quảng bá, kết nối sản phẩm du lịch giữa Đắk Lắk và Hà Nội ảnh 1Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thụy Phương Hiếu phát biểu khai mạc tọa đàm. (Ảnh: Hoài Thu/TTXVN)

Ngày 11/8, tại thành phố Buôn Ma Thuột, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Sở Du lịch thành phố Hà Nội tổ chức Tọa đàm xúc tiến, quảng bá, kết nối sản phẩm du lịch giữa hai địa phương.

Tọa đàm nhằm phát huy thế mạnh của từng địa phương trong quá trình khai thác, phát triển du lịch; tăng cường hỗ trợ, gắn kết doanh nghiệp du lịch tỉnh Đắk Lắk với doanh nghiệp du lịch Hà Nội, tạo sự liên kết các tuyến, điểm du lịch, thu hút khách du lịch nội địa và khách quốc tế đến hai địa phương.

Ngành du lịch Hà Nội và Đắk Lắk thường xuyên kết nối, hợp tác, phát triển du lịch với những hoạt động như: tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch, xúc tiến du lịch, xây dựng sản phẩm, kết nối đưa/đón khách hai chiều, trao đổi kinh nghiệm trong công tác quản lý nhà nước và đào tạo nguồn nhân lực du lịch...

Phát biểu khai mạc tọa đàm, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thụy Phương Hiếu cho biết tỉnh đang nỗ lực phục hồi, kích cầu du lịch.

Về lợi thế, Đắk Lắk có cơ sở hạ tầng, giao thông thuận lợi, có sân bay nội địa và có thể nâng cấp để đón khách quốc tế. Tỉnh có 41 di tích được xếp hạng, trong đó hầu hết là di tích danh lam thắng cảnh, có hai Di tích quốc gia đặc biệt.

Trên địa bàn Đắk Lắk có 228 cơ sở lưu trú du lịch, 29 cơ sở lữ hành, 3 bảo tàng; trong đó 32 cơ sở lưu trú được xếp hạng 4-5 sao. Tỉnh có sự đa dạng văn hóa với 49 dân tộc sinh sống trên địa bàn.

Cùng với Không gian văn hóa cồng chiêng được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, tỉnh Đắk Lắk có ba Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là sử thi Ê Đê, Lời nói vần của người Ê Đê ở huyện Cư M’gar, Lễ mừng thọ của người M’nông ở huyện Lắk.

Thông qua tọa đàm, bà Nguyễn Thụy Phương Hiếu mong muốn Sở Du lịch, các doanh nghiệp du lịch Hà Nội góp ý để tỉnh hoàn thiện sản phẩm du lịch, thúc đẩy phát triển du lịch, đạt mục tiêu năm 2022 là có 905.000 lượt khách đến Đắk Lắk.

[Trải nghiệm và khám phá: Hướng phát triển mới cho du lịch Đắk Lắk]

Theo ông Phùng Xuân Khánh, Giám đốc Công ty du lịch Tiên Phong (Hà Nội), du lịch Đắk Lắk đã có nhiều thay đổi, dần đi vào chuyên nghiệp, sự đầu tư ở các khu, điểm du lịch khá bài bản.

Du lịch Đắk Lắk nổi lên nhiều sản phẩm đặc sắc với các loại hình nghỉ dưỡng, du lịch trải nghiệm và văn hóa. Vì vậy, doanh nghiệp du lịch Hà Nội mong muốn kết nối với các điểm du lịch, dịch vụ của Đắk Lắk để phát triển sản phẩm du lịch. Tuy vậy, tỉnh cần đầu tư nhiều hơn để nâng cấp chất lượng sản phẩm du lịch.

Ví dụ, Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Nhà đày Buôn Mê Thuột cần trưng bày phong phú hơn, Bảo tàng Đắk Lắk đầu tư trưng bày thêm khu thiên nhiên, bổ sung thêm hiện vật nhất là dụng cụ sinh hoạt của đồng bào các dân tộc. Sở Du lịch tỉnh cần giám sát chất lượng dịch vụ để đảm bảo an toàn, phục vụ du khách tốt hơn.

Cùng quan điểm Đắk Lắk cần nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, ông Nguyễn Quốc Long, Giám đốc Công ty du lịch Unitour cho rằng người Hà Nội rất quan tâm đến văn hóa Tây Nguyên khi đến du lịch Đắk Lắk. Ngành du lịch tỉnh cần xây dựng những sản phẩm mang đặc trưng văn hóa. Việc phát triển sản phẩm du lịch cần có sự phối hợp từ cơ quan quản lý, hiệp hội đến từng bộ phận nhỏ của các dịch vụ.

Quảng bá, kết nối sản phẩm du lịch giữa Đắk Lắk và Hà Nội ảnh 2Doanh nghiệp du lịch Hà Nội khảo sát thác Dray Nur. (Ảnh: Đinh Thuận/Vietnam+)

Theo ông Trịnh Xuân Tùng, Trưởng phòng Quản lý Lữ hành, Sở Du lịch thành phố Hà Nội, Đắk Lắk là địa phương có tiềm năng phát triển du lịch tốt với nét văn hóa đặc sắc, cảnh quan tự nhiên đẹp, con người thân thiện, phù hợp với mô hình khách du lịch trải nghiệm thực tế và tham quan cũng như nghiên cứu, tìm hiểu văn hóa người bản địa.

“Chúng tôi cùng doanh nghiệp vừa đi khảo sát vừa rà soát dịch vụ, góp ý với điểm đến trong việc đầu tư, nâng cấp chất lượng để đưa đón khách ngày càng tốt hơn, mục đích kết nối du lịch Hà Nội và Đắk Lắk. Ngoài ra, chúng tôi sẽ có những chương trình khảo sát du lịch vùng Tây Nguyên nhằm xây dựng sản phẩm liên kết vùng giữa 5 tỉnh trong vùng," ông Trịnh Xuân Tùng nhấn mạnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục