Tại tỉnh Quảng Bình, tỷ lệ giải ngân thực hiện các dự án đầu tư công năm 2024 đến thời điểm này mới chỉ đạt 16,5%, thấp hơn mức trung bình toàn quốc.
Trong số đó, có 50 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 268 tỷ đồng nhưng chưa giải ngân được một đồng nào.
Điều đáng quan tâm, các dự án đầu tư công ở tỉnh Quảng Bình đều có tính cấp thiết cao nên việc chậm giải ngân, hoàn thành công trình đưa vào sử dụng sẽ ảnh hưởng lớn đến việc góp phần an sinh xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, an ninh quốc phòng trên địa bàn.
Trong 50 dự án đến thời điểm này chưa giải ngân được đồng nào đáng kể có dự án cấp nước sinh hoạt cụm xã phía Tây huyện Lệ Thủy với tổng vốn đầu tư trên 8 tỷ đồng do Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường tỉnh làm chủ đầu tư; dự án đường giao liên trong khu căn cứ hậu phương của tỉnh với vốn đầu tư gần 8 tỷ đồng do Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Bình làm chủ đầu tư; dự án xây dựng đường nối đi các xã phía Bắc, huyện Quảng Trạch với tổng vốn đầu tư hơn 18 tỷ đồng do Ủy ban Nhân dân huyện Quảng Trạch làm chủ đầu tư; dự án bảo tồn, tôn tạo, giữ gìn bảo vệ cảnh quan môi trường cho di tích khảo cổ Bàu Tró (thành phố Đồng Hới) với số vốn đầu tư trên 10 tỷ đồng do Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Quảng Bình làm chủ đầu tư...
Trước tình hình giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp, thời gian qua, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Bình đã tăng cường chỉ đạo, tổ chức nhiều cuộc họp nhằm tháo gỡ khó khăn chung, tìm giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, giải ngân nguồn vốn.
Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Bình yêu cầu giám đốc, thủ trưởng các sở, ngành, đơn vị cấp tỉnh và các đơn vị chức năng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương chấn chỉnh trong chỉ đạo thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công của đơn vị; khẩn trương nghiệm thu, thanh toán và giải ngân vốn. Theo đó, phấn đấu đến giữa năm nay tỷ lệ giải ngân thấp nhất phải đạt 40% kế hoạch vốn được giao.
Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Bình yêu cầu các chủ đầu tư phải xác định công tác giải ngân đầu tiên và trực tiếp thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Đồng thời, tranh thủ thời tiết thuận lợi để đốc thúc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, đặc biệt là đối với các dự án dự kiến hoàn thành năm 2024 có số vốn bố trí tương đối lớn.
Các chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm theo dõi sát dự án để kịp thời giải quyết những khó khăn vướng mắc phát sinh, đặc biệt là vướng mắc liên quan đến giải phóng mặt bằng. Đây là vướng mắc liên quan đến chỉ đạo điều hành trực tiếp tại các huyện, thị xã, thành phố có công trình, dự án thi công.
Trong trường hợp dự kiến không thể giải ngân hết kế hoạch vốn được giao, các chủ đầu tư có văn bản báo cáo Ủy ban Nhân dân tỉnh xem xét điều chuyển trong nội bộ các dự án của cùng chủ đầu tư hoặc sang các dự án khác có tiến độ thực hiện và giải ngân tốt.
Cùng với đó, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Bình cũng đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan như Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Tài chính; Sở Xây dựng; Kho bạc Nhà nước tỉnh... trong vai trò, chức trách nhiệm vụ của mình đẩy mạnh hơn nữa việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc các dự án, nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân, hoàn thành công trình dự án để sớm đưa vào sử dụng.
Năm 2024, tổng kế hoạch nguồn vốn đầu tư công ngân sách nhà nước tỉnh Quảng Bình được Thủ tướng Chính phủ giao là 4.864 tỷ đồng./.
Quảng Bình chấp thuận chủ trương đầu tư 7 dự án với vốn đầu tư hơn 5.330 tỷ đồng
Trong 3 tháng đầu năm nay, Quảng Bình chấp thuận chủ trương đầu tư 7 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 5.330 tỷ đồng, phê duyệt chủ trương đầu tư 2 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư 17 tỷ đồng.