Nhân kỷ niệm 410 năm hình thành tỉnh Quảng Bình (1604-2014), ngày 25/4, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Bình phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học quốc gia "Quảng Bình 410 năm hình thành và phát triển."
Tham dự hội thảo có giáo sư-viện sỹ thông tấn Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Văn Nhật, Viện trưởng Viện Sử học Việt Nam; nhà sử học Dương Trung Quốc cùng trên 200 đại biểu, gần 90 nhà khoa học, nhà nghiên cứu đến từ các hội khoa học, viện nghiên cứu, trường đại học và các cơ quan, tổ chức khoa học.
Hội thảo nhằm làm rõ ý nghĩa lịch sử của quá trình hình thành, phát triển vùng đất và tỉnh Quảng Bình, nêu bật những giá trị lịch sử, văn hóa, truyền thống cách mạng; khơi dậy niềm tự hào về truyền thống, đồng thời là dịp để thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn,” tiếp tục khẳng định và tôn vinh các giá trị lịch sử, văn hóa, truyền thống cách mạng của vùng đất Quảng Bình “địa linh, nhân kiệt,” “quật khởi” và “hai giỏi.”
Hội thảo cũng nhằm phát huy các giá trị, giáo dục, bồi đắp truyền thống tốt đẹp của quê hương, đất nước, khích lệ thế hệ trẻ hôm nay và mai sau có phát huy truyền thống cần cù, sáng tạo với ý chí nghị lực phi thường trong lao động, học tập của các thế hệ cư dân Quảng Bình...
Các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu đã tập trung thảo luận ba nhóm chuyên đề chính gồm: Quá trình hình thành và phát triển của vùng đất Quảng Bình; Quảng Bình trong các không gian văn hóa tiền sử và Quảng Bình trong giai đoạn lịch sử cận, hiện đại và đương đại.
Có nhiều chuyên luận được các đại biểu đặc biệt quan tâm như ''Quảng Bình với công cuộc Nam tiến'' của tiến sỹ Phan Viết Dũng; ''Đại tướng Võ Nguyễn Giáp: Thác là thể phách, còn là tinh anh" của tiến sỹ Nguyễn Tất Thắng; ''Quảng Bình với công tác bảo đảm huyết mạch giao thông trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước'' của Thiếu tướng, phó giáo sư-tiến sỹ Trịnh Vương Hồng; ''Doanh nhân vùng cát Quảng Bình: Tài năng và nhân cách trường tồn mãi với thời gian'' của phó giáo sư-tiến sỹ Ngô Minh Oanh; ''Tiềm năng và định hướng phát triển kinh tế biển của tỉnh Quảng Bình trong tình hình mới'' của tiến sỹ Nguyễn Thanh Minh...
Giáo sư-viện sỹ thông tấn Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đánh giá: "Quảng Bình là một trong những địa bàn rất hiếm hoi vượt qua nhiều thách thức, để lại cho chúng ta nhiều di sản lớn, đặc biệt là lịch sử văn hóa. Nếu chúng ta nuôi dưỡng và phát huy được thì đây chính là nội lực để xây dựng Quảng Bình giàu mạnh”.
Tiến sỹ Trần Tiến Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Bình đã nêu lên quá trình lịch sử Quảng Bình và nhấn mạnh chính lịch sử, thiên nhiên đã tạo nên không gian văn hóa Quảng Bình đa sắc màu.
Sự khắc nghiệt của thiên nhiên, thử thách ác liệt của lịch sử đã để lại nhiều đau thương, mất mát cho người dân Quảng Bình. Tuy nhiên những điều đó không bao giờ khuất phục được ý chí của người Quảng Bình, mà ngược lại bằng ý chí và nghị lực phi thường, người Quảng Bình đã chiến thắng và làm chủ quê hương.
Quảng Bình là vùng đất “địa linh, nhân kiệt” và “văn vật,” là một trong những cái nôi thu hút và môi trường đào luyện nhiều nhân vật lịch sử, hiền tài, thiên tài của đất nước như Lý Thường Kiệt, Trần Bang Cẩn, Hồ Cưỡng, Hoàng Hối Khanh, Đào Duy Từ...
Đây là vùng đất có nhiều làng khoa bảng, văn hóa danh tiếng, được truyền tụng từ đời này sang đời khác như bát danh hương “Sơn-Hà-Cảnh-Thổ-Văn-Võ-Cổ-Kim”; Phù Lưu, Lộc Điền, Cao Lao, Lý Hòa, Trung Bính.... nơi đã sản sinh, nuôi dưỡng, tôi luyện và hun đúc nên nhiều bậc danh nhân, anh hùng, hào kiệt, trí dũng song toàn, đa văn quảng kiến như Trương Xán, Dương Văn An, Nguyễn Đăng Tuân, Võ Xuân Cẩn, Nguyễn Duy Cần...
Trong lĩnh vực quân sự có những tướng lĩnh tài ba, tiếng tăm lừng lẫy như Nguyễn Hữu Dật, Nguyễn Hữu Cảnh, Trương Phúc Phấn, Hoàng Kế Viêm, Lê Trực, Phạm Tuân,...và đặc biệt là Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người anh Cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam./.