Tỉnh Quảng Nam đã thành lập Sở Chỉ huy tiền phương đặt tại thành phố Hội An để sẵn sàng chi viện lực lượng cho các địa phương chịu ảnh hưởng của bão só 3 khi có yêu cầu.
Đại tá Nguyễn Văn Nghĩa, Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Nam, Chỉ huy Sở Chỉ huy tiền phương tại Hội An, cho biết Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã chỉ đạo các địa phương trong tỉnh tổ chức trực 100% quân số. Sở Chỉ huy tiền phương được thành lập và đặt tại thành phố Hội An.
Tất cả các phương tiện phục vụ cho Sở Chỉ huy tiền phương đã bắt đầu hoạt động, công tác thông tin liên lạc thông suốt. Lực lượng cơ động của Sở Chỉ huy tiền phương sẵn sàng nhận nhiệm vụ và hành quân vào bất kỳ lúc nào để giúp đỡ nhân dân trong cơn mưa bão.
Kiểm tra công tác sẵn sàng ứng phó với bão số 3 tại các điểm xung yếu và tại Sở Chỉ huy tiền phương, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu nhấn mạnh đến chiều 14/9, toàn tỉnh còn có 91 tàu chưa vào đất liền nhưng đã tìm được nơi trú ẩn an toàn. Người dân ở các vùng ven biển đã tổ chức chèn chống nhà cửa. Một số khu vực khác người dân đã bắt đầu có sự di chuyển cục bộ để phòng ngừa mưa lũ diễn biến bất thường. Khách du lịch tại Hội An cũng đã có chỗ trú ẩn an toàn. Học sinh trên địa bàn tỉnh đã nghỉ học và ngày 15/9 tiếp tục nghỉ để đảm bảo an toàn.
Chiều 14/9, bão số 3 đã gây mưa lớn và ảnh hưởng trực tiếp từ vùng đồng bằng ven biển đến vùng miền núi tỉnh Quảng Nam.Mực nước ở các con sông lớn trên địa bàn đều lên xấp xỉ mức báo động.
Để ứng phó với bão số 3, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam thành lập 5 đoàn công tác về cơ sở kiểm tra và chỉ đạo công tác phòng chống bão.
Huyện Núi Thành là địa phương có số tàu thuyền nhiều nhất tỉnh Quảng Nam. Đến 17 giờ ngày 14/9, toàn bộ tàu đánh cá xa bờ của ngư dân trong huyện gồm 73 chiếc với gần 1.000 lao động ở các ngư trường truyền thống Hoàng Sa, Trường Sa đã di chuyển về phía Nam và tìm đến nơi trú ẩn an toàn ở các điểm đảo trên biển. Các tàu vào bờ đã neo đậu ổn định và hợp lý để tránh va đập gây hư hỏng hoặc chìm tàu.
Các địa phương ven biển yêu cầu toàn bộ lao động trên tàu đều phải rời tàu để phòng ngừa rủi ro có thể xảy ra. Các vùng rốn lũ lưu vực các con sông lớn như Vu Gia, Thu Bồn đều triển khai các phương án ứng phó với bão lũ có thể diễn ra vào đêm 14/9.
Ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Núi Thành (Quảng Nam), cho biết huyện đã chỉ đạo các địa phương ven biển và đồn Biên phòng thông báo về tình hình cơn bão số 3 và hướng dẫn ngư dân tìm nơi trú ẩn an toàn. Đến cuối giờ chiều 14/9, toàn bộ tàu thuyền đánh bắt xa bờ đã vào nơi trú ẩn an toàn. Lực lượng vũ trang đóng quân trên địa bàn đã bố trí lực lượng ứng trực để kịp thời giúp đỡ nhân dân ngay trong đêm khi có mưa lớn và bão số 3 đổ bộ vào đất liền.
Còn tại vùng rốn lũ huyện Đại Lộc, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Trần Văn Mai cho biết do nằm giữa hai con sông lớn là Vu Gia và Thu Bồn nên toàn huyện có trên 10.000 hộ gia đình có khả năng bị ngập lũ. Huyện đã sẵn sàng trong công tác phòng chống bão lụt. Trong số 10.000 hộ dân trên địa bàn có khả năng phải sơ tán có 8.000 hộ sơ tán tại chỗ, phần còn lại sơ tán tập trung khi có lũ lớn.
Ở phía thượng nguồn, lực lượng chức năng đã bố trí nhân lực, phương tiện và vật tư để gia cố thân đập thủy lợi. Đặc biệt, tại các công trình thủy lợi có quy mô lớn như thủy lợi Phú Ninh, Khe Tân, Hố Cái, lực lượng xung kích cùng vật tư, phương tiện đã sẵn sàng để xử lý kịp thời khi có sự cố do mưa lũ gây ra.
Đối với khu vực miền núi, vùng dân cư sống ven các con sông lớn và những vùng thường xuyên bị ngập lũ và sạt lở đất, tỉnh Quảng Nam yêu cầu lãnh đạo các địa phương triển khai ngay các phương án tìm kiếm cứu nạn và giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra theo đặc thù của của từng vùng; vận động người dân tự chèn chống nhà cửa, bảo vệ tài sản trong điều kiện mưa bão đổ bộ vào đất liền./.