Quảng Nam thí điểm các mô hình đóng tàu bằng vật liệu mới

Quảng Nam xây dựng 6 mô hình thí điểm đóng tàu vỏ thép hoặc vật liệu mới chuyên làm dịch vụ cung cấp hậu cần cho nghề khai thác hải sản xa bờ, tàu hành nghề câu mực tuyến khơi và nghề lưới vây.
Quảng Nam thí điểm các mô hình đóng tàu bằng vật liệu mới ảnh 1Tàu cá vỏ thép Sang Fish. Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Chiều ngày 3/9, tại cuộc họp triển khai Nghị định 67 của Chính phủ về “Một số chính sách phát triển thủy sản” do Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam tổ chức, đại diện các huyện, thành phố ven biển cho biết, đến nay đã có 112 hộ, nhóm hộ ngư dân trong tỉnh đăng ký nâng cấp, đóng mới tàu thuyền đánh bắt xa bờ, với tổng số 115 tàu, vượt 24 chiếc so với chỉ tiêu Trung ương phân bổ.

Trong số tàu ngư dân đăng ký đóng mới có 41 tàu vỏ thép, 74 tàu vỏ gỗ.

Để triển khai có hiệu quả Nghị định 67 của Chính phủ, tỉnh Quảng Nam cũng đã ban hành chính sách tín dụng đóng mới, nâng cấp tàu cá. Theo đó, tỉnh sẽ lựa chọn xây dựng 6 mô hình thí điểm đóng tàu vỏ thép hoặc vật liệu mới chuyên làm dịch vụ cung cấp hậu cần cho nghề khai thác hải sản xa bờ, tàu hành nghề câu mực tuyến khơi và nghề lưới vây tại hai huyện Núi Thành và Thăng Bình.

Tại cuộc họp, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam Lê Phước Thanh khẳng định, Nghị định 67 của Chính phủ là cơ hội tốt để ngư dân Quảng Nam nói riêng và ngư dân trong cả nước nói chung có điều kiện để nâng cao năng lực đánh bắt hải sản ở ngư trường xa bờ.

Tỉnh sẽ tập trung triển khai chủ trương này đến ngư dân, giúp bà con nâng cao hiệu quả đánh bắt, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Để nguồn vốn này phát huy tác dụng, tỉnh Quảng Nam sẽ quy định chặt chẽ trách nhiệm của từng đơn vị, địa phương, đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến với ngư dân, tạo mọi điều kiện thuận lợi để ngư dân được tiếp cận với nguồn vốn.

Trước mắt, địa phương sẽ tính toán đầu tư đóng mới số lượng tàu thuyền hợp lý, thực hiện việc đối thoại với ngư dân để lựa chọn đối tượng và thực hiện thí điểm đóng mới tàu vỏ thép và vật liệu mới để rút kinh nghiệm, tránh làm ào ạt tạo ra nhiều sai sót./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.