Quảng Ngãi: Cơ hội và tâm điểm thu hút các nhà đầu tư

Hiện nay Khu kinh tế Dung Quất nói riêng và tỉnh Quảng Ngãi nói chung đang là tâm điểm, là cơ hội để đón nhiều nhà đầu tư mới.
Quảng Ngãi: Cơ hội và tâm điểm thu hút các nhà đầu tư ảnh 1(Ảnh: Nguyễn Đăng Lâm/Vietnam+)

Nói đến sự phát triển kinh tế của tỉnh Quảng Ngãi trong những năm gần đây nhiều người cho rằng đó là sự phát triển mạnh của Khu kinh tế Dung Quất mà trái tim là Nhà máy lọc dầu Dung Quất có vốn đầu tư hơn 3 tỷ USD.

Bên cạnh đó còn có các dự án có quy mô lớn khác có vốn đầu tư từ hàng chục đến hàng trăm triệu USD như 5 nhà máy của Công ty Trách nhiệm hữu hạn công nghiệp nặng Doosan Vina (Doosan Vina), Nhà máy đóng tàu, Nhà máy nhựa Polypropylene, các cảng số 1 Dung Quất, cảng Gemadep...

Khu kinh tế Dung Quất đã và đang phát triển trên nhiều lĩnh vực, góp phần lớn cho phát triển không những cho Quảng Ngãi mà còn cho cả khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung. Hiện nay Khu kinh tế Dung Quất nói riêng, tỉnh Quảng Ngãi nói chung đang là tâm điểm, là cơ hội để đón nhiều nhà đầu tư mới.

Tiếp tục thu hút những nhà đầu tư

Ông Lê Minh Huấn, Chánh Văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi cho biết, từ đầu năm 2014 đến 31/10, đã có 10 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư vào Khu kinh tế Dung Quất, với tổng vốn đăng ký trên 1.000 tỷ đồng, trong đó có 7 dự án trong nước và 3 dự án FDI.

Dự kiến, từ nay đến cuối năm sẽ cấp giấy chứng nhận đầu tư thêm 3 dự án có vốn đăng hơn 4.000 tỷ đồng, nâng tổng số dự án cấp trong năm là 13 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 5.100 tỷ đồng (242,76 triệu USD).

Quảng Ngãi: Cơ hội và tâm điểm thu hút các nhà đầu tư ảnh 2(Ảnh: Nguyễn Đăng Lâm/Vietnam+)

Như vậy, qua hơn 18 năm hình thành và phát triển, đến cuối năm 2014, tại Khu kinh tế Dung Quất, có tổng cộng 120 dự án, với tổng vốn đăng ký khoảng 8,5 tỷ USD, tổng vốn thực hiện là 4,85 tỷ USD, gần 60% vốn đăng ký. Đó là kết quả của những hoạt động xúc tiến đầu tư cả trong ngắn hạn lẫn dài hạn.

Trong 2 năm 2013-2014, Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất đã đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước. Trong đó, tham gia hội thảo xúc tiến các dự án công nghiệp phụ trợ và nông nghiệp chất lượng cao tại Nhật Bản; tỉnh cùng Doosan Vina tổ chức Đoàn công tác đi xúc tiến đầu tư tại Hàn Quốc.

Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO), Công ty VIJAGAS (Nhật Bản), Công ty Sanyi Resources Pte Ltd (Singapore), Tập đoàn Mitsui và Công ty Tedi Port, Tập đoàn Hanes Brand (Mỹ), Hanvina (Hàn Quốc) và nhiều đoàn doanh nghiệp nước ngoài, một số tập đoàn lớn trong nước đã đến tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp trong tỉnh.

Ông Yasuzumi Hirotaka - Giám đốc điều hành JETRO (Nhật Bản) sau khi tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Quảng Ngãi, với trọng tâm là Khu kinh tế Dung Quất đã đánh giá: "Quảng Ngãi là một trong những thị trường đầu tư có nhiều tiềm năng mà các doanh nghiệp Nhật Bản đang muốn hướng tới. JETRO sẽ trở thành cầu nối để ngày càng có nhiều nhà đầu tư của Nhật Bản đến với tỉnh Quảng Ngãi trong thời gian tới."

Có thể khẳng định rằng, công tác thu hút đầu tư vào Khu kinh tế Dung Quất đang xuất hiện những tín hiệu khả quan, khi các doanh nghiệp nước ngoài thể hiện quyết tâm triển khai dự án có quy mô lớn tại Khu kinh tế Dung Quất thuộc các ngành, lĩnh vực như nhiệt điện, điện-khí, bột giấy...

Trong đó, Tập đoàn Sojitz đang nghiên cứu để hợp tác với Tập đoàn JK (Ấn Độ) để đầu tư nhà máy bột giấy, công suất 150.000 tấn/năm. Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất đã làm việc với nhà đầu tư để triển khai các bước tiếp theo của dự án này trong tương lai gần.

Việc thu hút đầu tư vào Khu kinh tế Dung Quất hiện nay có hai dự án trọng điểm đang được khởi động có tổng vốn khoảng 4 tỷ USD. Trong đó dự án Nhà máy Nhiệt điện Dung Quất có vốn đầu tư khoảng 2,2 tỷ USD và dự án mở rộng, nâng cấp Nhà máy lọc dầu Dung Quất có vốn đầu tư dự kiến từ 1,8-2 tỷ USD.

Theo đó, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã kết luận về Dự án nâng cấp mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất, giao Tập đoàn Dầu khí Việt Nam hoàn thiện báo cáo Dự án nâng cấp mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất; yêu cầu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam hoàn thiện Dự án đầu tư, báo cáo Bộ Công Thương trước ngày 15/11/2014 để thẩm tra theo quy định. Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì thành lập Hội đồng có sự tham gia của các Bộ ngành liên quan và Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi để thẩm tra Dự án nâng cấp mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 11/2014.

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã khẳng định đầu tư và xác lập tiến độ đầu tư Dự án nâng cấp, mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất từ 6,5 triệu tấn/năm lên 9-10 triệu tấn/năm, dự kiến năm 2017 sẽ khởi công việc mở rộng. Theo kế hoạch thì việc mở rộng nâng công suất nhà máy này cần thời gian từ 60-78 tháng để hoàn tất.

Còn đối với dự án Nhà máy Nhiệt điện Dung Quất do Tập đoàn Sembcorp (Singapore) làm chủ đầu tư đã được Thủ tướng Chính phủ bổ sung vào Quy hoạch Điện VII và cho phép đầu tư theo hình thức BOT.

Tập đoàn Sembcorp đã ký hợp đồng với Công ty Tư vấn Điện 1 (thuộc EVN) để lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và khả thi của dự án. Đồng thời, chủ đầu tư tiến hành đàm phán các hợp đồng đầu tư BOT, Bảo lãnh tài chính, bảo lãnh nguồn than nhập khẩu, Hợp đồng thỏa thuận giá bán điện…

Để đảm bảo mặt bằng đất sạch triển khai dự án, Tập đoàn Sembcorp đã thống nhất với Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất về Biên bản thỏa thuận khung và đã trình Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi. Đầu tháng11 vừa qua, tại xã Bình Đông, huyện Bình Sơn, Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất đã tổ chức công bố vị trí ranh giới xây dựng Nhà máy nhiệt điện Dung Quất.

Nhà máy nhiệt điện Dung Quất có công suất 1.200 MW. Dự án có quy mô diện tích 134ha tại xã Bình Đông huyện Bình Sơn. Dự kiến Nhà máy nhiệt điện Dung Quất sẽ khởi công vào năm 2016, tổ máy số 1 của nhà máy sẽ vận hành thương mại vào tháng 9/2020 và toàn bộ nhà máy sẽ vận hành vào tháng 3/2021, mỗi năm nhà máy cung cấp 7 tỷ kWh điện.

Quảng Ngãi: Cơ hội và tâm điểm thu hút các nhà đầu tư ảnh 3Công nhân Doosan Vina hoàn chỉnh sản phẩm nồi hơi để xuất khẩu. (Ảnh: Nguyễn Đăng Lâm/Vietnam+)

Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất đang triển khai xây dựng các khu tái định cư để bố trí nơi ở cho khoảng 2.160 hộ dân sẽ được di dời vào các khu tái định cư. Đây được xem là đợt di dời dân lớn nhất từ trước tới nay trên địa bàn Khu kinh tế Dung Quất.

Sức hút mới của các nhà đầu tư vào của Khu kinh tế Dung Quất năm nay và những năm tới đó là Dự án Khu Công nghiệp-Đô thị-Dịch vụ VSIP Quảng Ngãi do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Liên doanh Việt Nam-Singapore đầu tư. Dự án được triển khai mở ra triển vọng rất lớn cho tỉnh Quảng Ngãi trong thu hút các dự án công nghiệp nhẹ và dự án dịch vụ.

Đến đầu tháng 11/2014, khu công nghiệp này thu hút 9 dự án FDI và 1 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư 164,3 triệu USD. Dự kiến cuối năm 2014 sẽ có 3 dự án hoành thành, đưa vào hoạt động và năm 2015 sẽ có thêm 3 dự án khác hoàn thành. Nhu cầu lao động dự kiến của 6 Công ty đăng ký đã lên đến gần 8.000 người.

Trong số này, 3 dự án đang đẩy nhanh tiến độ thi công và dự kiến các nhà máy sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm 2014 và đầu năm 2015. Đến nay đã thực hiện giải phóng mặt bằng được gần 162/168 ha của giai đoạn 1A và đã san lấp mặt bằng được 100ha của giai đoạn 1A; đang triển khai giai đoạn 1A khoảng 100ha và hoàn thành trong năm 2015. Tổng vốn đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật của đự án này đạt gần 23 triệu USD, đạt khoảng 18% tổng vốn đăng ký.

Tạo sức hút, cơ hội mới cho các nhà đầu tư

Khu kinh tế Dung Quất đang từng bước thực hiện kế hoạch mở rộng về phía Nam, trọng tâm là hình thành Tổ hợp công nghiệp nặng Dung Quất II gắn với Cảng nước sâu Dung Quất II để tạo điểm nhấn trong thu hút đầu tư.

Tháng 9/2013, tại xã Bình Châu, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi), Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất công bố, công khai quy hoạch chi tiết 1/2000 Khu công nghiệp Dung Quất II - thuộc Khu kinh tế Dung Quất và phân khu đô thị Sa Kỳ.

Theo quy hoạch, Khu công nghiệp Dung Quất II có diện tích gần 2.820ha, phía Đông Bắc giáp khu vực cảng Dung Quất II, phía Tây Bắc giáp đô thị mới Vạn Tường, phía Đông Nam giáp đô thị Sa Kỳ, phía Tây Nam giáp xã Bình Tân (huyện Bình Sơn) và Tịnh Hòa (huyện Sơn Tịnh).

Khu công nghiệp Dung Quất II là khu công nghiệp nặng thuộc Khu kinh tế Dung Quất với trọng tâm là các loại hình công nghiệp lọc hóa dầu, hóa chất, công nghiệp chế tạo, đóng tàu biển, luyện cán thép, nhiệt điện và công nghiệp phụ trợ gắn liền với cảng biển nước sâu Dung Quất II.

Trong Khu công nghiệp Dung Quất II, đất dành cho xây dựng nhà máy, kho tàng, công trình công cộng, dịch vụ chiếm 63%; đất cây xanh, mặt nước, đất đấu nối công trình chiếm gần 23% và đất giao thông chiếm hơn 14%.

Tỉnh Quảng Ngãi hiện đang tập trung triển khai kế hoạch đầu tư cảng nước sâu Dung Quất II. Mới đây, Bộ Giao thông Vận tải đã phê duyệt Quy hoạch chi tiết khu bến cảng biển Dung Quất II, giai đoạn đến năm 2030, có diện tích lên đến 1.850ha, bao gồm cả khu đất và khu nước.

Quảng Ngãi: Cơ hội và tâm điểm thu hút các nhà đầu tư ảnh 4Trung tâm điều khiển Nhà máy lọc dầu Dung Quất. (Ảnh: Nguyễn Đăng Lâm/Vietnam+)

Và để khai thác đúng tiềm năng của cảng biển này, tỉnh đang thuê một đơn vị tư vấn của Nhật quy hoạch khu cảng, nơi có độ sâu mớn nước lên tới 20-24m, có thể đón tàu trên 300.000 tấn, với tầm nhìn đến năm 2025, năng lực xếp dỡ thông qua khu bến cảng này đạt 37 triệu tấn/năm; giai đoạn hoàn chỉnh sau năm 2030 sẽ đạt gần 100 triệu tấn/năm.

Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Ngãi đang tập trung đầu tư, xây dựng đường Võ Văn Kiệt (giai đoạn II), triển khai các dự án đường Trì Bình-cảng Dung Quất, đường nối Khu kinh tế Dung Quất 1, Dung Quất 2... Những dự án này sẽ hoàn thiện cơ bản cơ sở hạ tầng Khu kinh tế Dung Quất.

Những ưu đãi cao cho nhà đầu tư

Cuối tháng 11/2013, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi ban hành Quyết định số 52/2013/QĐ-UBND về quy định một số chính sách hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Quy định này quy định cụ thể một số chính sách hỗ trợ của tỉnh về xây dựng khu tái định cư, đầu tư hạ tầng kỹ thuật, đào tạo lao động (kể cả đào tạo lại) cho các dự án đầu tư về nhà ở xã hội, chợ, giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường; du lịch; vào các khu công nghiệp và Khu kinh tế Dung Quất (chỉ được hỗ trợ đào tạo lao động) và các dự án thuộc Danh mục kêu gọi đầu tư theo quyết định của Ủy ban Nhân dân tỉnh.

Mức hỗ trợ này tối đa là 20 tỷ đồng/dự án. Ngoài ra, nhà đầu tư còn được hỗ trợ 1.500.000đồng/lao động/khóa đào tạo dưới 3 tháng; 2.000.000 đồng/lao động/khóa đào tạo từ 3 tháng đến 6 tháng và chỉ hỗ trợ lần đầu cho dự án.

Hiện nay, Quảng Ngãi chủ trương dành các ưu đãi cao nhất theo quy định của Chính phủ và vận dụng tối đa các hỗ trợ cao nhất cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. Theo đó, các dự án đầu tư vào địa bàn Khu kinh tế Dung Quất sẽ được hưởng nhiều ưu đãi.

Đối với thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế suất ưu đãi 10% trong thời hạn 15 năm kể từ khi dự án bắt đầu sản xuất; miễn thuế 4 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo.

Đối với các dự án quy mô lớn, quan trọng được Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng mức thuế suất ưu đãi 10% trong thời hạn 30 năm; miễn thuế đối với hàng hoá nhập khẩu để tạo tài sản cố định của dự án; miễn thuế nhập khẩu trong thời hạn 5 năm, kể từ ngày bắt đầu sản xuất đối với nguyên liệu, vật tư, bán thành phẩm trong nước chưa sản xuất được nhập khẩu để phục vụ sản xuất của dự án.

Các nhà đầu tư sẽ được giảm 50% số thuế thu nhập cá nhân phải nộp đối với cá nhân có thu nhập phát sinh tại khu kinh tế; miễn hoàn toàn đối với các dự án thuộc lĩnh vực đặc biệt ưu đãi, miễn 11-15 năm đối với các dự án thuộc lĩnh vực ưu đãi. Ngoài ra, tỉnh Quảng Ngãi ban hành các chính sách hỗ trợ chi phí bồi thường, đào tạo lao động để khuyến khích đầu tư vào Khu Kinh tế Dung Quất....

Được biết, năm 2014 mặc dù Nhà máy lọc dầu Dung Quất nghỉ 2 tháng để bảo dưỡng nhưng tổng giá trị sản lượng công nghiệp, dịch vụ thương mại tại Khu kinh tế Dung Quất đạt gần 130 nghìn tỷ đồng. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2014 của tỉnh ước đạt 20.656,51 tỷ đồng (giá cố định 1994), vượt 6,7% kế hoạch năm; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 650 triệu USD, tăng 27,8% so với năm 2013 và vượt 36,8% kế hoạch; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 760 triệu USD, giảm 34% so với năm trước.

Quảng Ngãi: Cơ hội và tâm điểm thu hút các nhà đầu tư ảnh 5Khu bể chứa sản phẩm Nhà máy lọc dầu Dung Quất. (Ảnh: Nguyễn Đăng Lâm/Vietnam+)

Đặc biệt, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh ước đạt 28.069 tỷ đồng, trong đó riêng nguồn thu ngân sách trên địa bàn Khu kinh tế Dung Quất ước đạt khoảng 26.000 tỷ đồng. Tổng thu cân đối ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt trên 27.621 tỷ đồng, bằng 92,1% so với năm 2013 và đạt 111% kế hoạch năm (vượt 2.801,15 tỷ đồng). Trong đó, thu nội địa đạt 26.121,15 tỷ đồng, vượt 17,8% so với dự toán, thu xuất nhập khẩu đạt 1.500 tỷ đồng, giảm 47,9% so với năm 2013 và bằng 56,6% dự toán năm.

Năm 2015, dự báo kinh tế của tỉnh Quảng Ngãi sẽ tiếp tục phát triển cao do Nhà máy lọc dầu Dung Quất hoạt động ổn định, các dự án đầu tư vào VSIP Quảng Ngãi bất đầu đi vào hoạt động, sản xuất kinh doanh.

Dự kiến các chỉ tiêu năm 2015, tổng sản phẩm trong tỉnh tăng 9-10%, GDP bình quân đầu người đạt 2.546 USD/người/năm; tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp-xây dựng 11-12%, dịch vụ 12-13%, nông-lâm-ngư nghiệp 2-3%; tổng thu cân đối ngân sách trên địa bàn trên 33.000 tỷ đồng.../.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.