Quảng Ngãi: Đẩy mạnh khai thác lợi thế Cảng Nước sâu Dung Quất

Quảng Ngãi: Đẩy mạnh khai thác lợi thế Cảng Nước sâu Dung Quất

Tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục kêu gọi đầu tư hạ tầng nhằm khai thác, phát huy lợi thế Cảng Nước sâu Dung Quất, phục vụ hiệu quả Chiến lược Phát triển Kinh tế ở Khu Kinh tế Dung Quất và khu vực.
 Quảng Ngãi: Đẩy mạnh khai thác lợi thế Cảng Nước sâu Dung Quất ảnh 1Khu kinh tế Dung Quất. (Ảnh: TTXVN phát)

Cảng Dung Quất là cảng biển loại 1 quốc gia, có diện tích hơn 1.000ha, độ sâu 21m và không phụ thuộc vào thủy triều, đây là lợi thế lớn so với các cảng biển khác trong khu vực.

Tỉnh Quảng Ngãi đã đầu tư, tiếp tục kêu gọi đầu tư hạ tầng nhằm khai thác, phát huy lợi thế cảng nước sâu Dung Quất phục vụ hiệu quả Chiến lược Phát triển Kinh tế ở Khu Kinh tế Dung Quất và khu vực.

Cảng Dung Quất được kết nối trực tiếp với các tuyến giao thông quan trọng, chiến lược như Quốc lộ 1A, đường sắt Bắc-Nam, đường Cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi; tuyến đường Xuyên Á nối với Lào, Campuchia và Thái Lan. Trong tương lai, cảng Dung Quất còn kết nối với tuyến cao tốc với Tây Nguyên..

Ngoài ra, Cảng Dung Quất chỉ cách đường hàng hải quốc tế 190km, cách đường hàng hải nội địa 30km. Lợi thế này không chỉ phục vụ hiệu quả Chiến lược Phát triển Kinh tế tại Khu Kinh tế Dung Quất và các khu vực lân cận khác mà còn tạo ra thế trận vững chắc về nhiều mặt của cả khu vực và đất nước.

[Công bố điều chỉnh tổng thể Khu kinh tế Dung Quất đến năm 2045]

Hiện nay, cảng Dung Quất đã hình thành, phát triển và đưa vào sử dụng hệ thống bến cảng tổng hợp có khả năng tiếp nhận tàu có tải trọng 70.000DWT; trong đó, 2 bến cảng của Công ty cổ phần dịch vụ Dầu khí Quảng Ngãi-PTSC; 1 bến cảng của Công ty cổ phần Cảng Quốc tế Gemadept; 4 bến cảng của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Hào Hưng Quảng Ngãi và 1 Bến cảng tổng hợp-container Hòa Phát Dung Quất; ngoài ra còn có 5 hệ thống bến cảng chuyên dụng có khả năng tiếp nhận tàu có tải trọng 200.000DWT.

Với hệ thống bến cảng chuyên dụng, cảng tổng hợp được đầu tư đồng bộ, hiện đại, lượng hàng hóa xuất khẩu qua cảng Dung Quất năm năm 2022 đạt khoảng 43 triệu tấn, tăng gấp 5,4 lần so với năm 2010, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa của các doanh nghiệp trong khu kinh tế và lân cận.

Năm 2021, Công ty cổ phần thép Hòa Phát Dung Quất đã đầu tư hạng mục Cảng tổng hợp Hòa Phát với diện tích 46ha với 3 bến cảng 6,7 và 8 trong khu vực Cảng Dung Quất. Dự án có vốn đầu tư 3.800 tỷ đồng, có thể tiếp tàu trọng tải 50.000 tấn, năng lực thông qua hơn 6,2 triệu tấn/năm.

Tháng 7/2023, công ty đã hoàn thành việc xây dựng và đưa bến số 6 vào khai thác, bến số 7 đang được thi công sẽ hoàn thanh vào quý 4 năm 2023.

Riêng bến số 8 đang được công ty xin chủ trương điều chỉnh quy mô để tăng sản lượng hành hóa phục vụ chung cho sự phát triển của Khu Kinh tế Dung Quất và các khu vực lân cận hoàn thành trong năm 2025.

Ông Nguyễn Quốc Trịnh, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Cảng Tổng hợp Hòa Phát cho biết, với bến cảng đầu tiên (cảng số 6) được đưa vào vận hành khai thác có ý nghĩa rất quan trọng nhằm khai thác hàng hóa vật tư từ Dự án Hòa Phát Dung Quất 1, tiếp nhận các thiết bị phục vụ Dự án Hòa Phát Dung Quất 2.

Bên cạnh đó, cảng tổng hợp đi vào hoạt động có thể tiếp tàu trọng tải lớn đến 50.000 tấn sẽ đảm bảo giải quyết nhu cầu vận chuyển hàng hóa, dịch vụ logistics còn thiếu tại Khu Kinh tế Dung Quất và khu vực lân cận. Đồng thời, khắc phục tình trạng doanh nghiệp trong khu kinh tế phải vận chuyển, tiếp nhận hàng hóa ở các cảng khác trong khu vực làm tăng chi phí vận chuyển như lâu nay.

Quyết định số 168/QĐ-TTg ngày 28/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch Khu Kinh tế Dung Quất đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, để sẽ trở thành một trong những trung tâm kinh tế biển năng động, với nền kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực quan trọng của quốc gia.

Lấy cảnh quan đô thị biển làm sức hấp dẫn, lấy nền tảng cơ sở hạ tầng phát triển để đẩy mạnh kinh tế biển, hướng đến sự thịnh vượng; trong đó, công nghiệp lọc hóa dầu, công nghiệp nặng với các ngành luyện cán thép, đóng tàu và các ngành công nghiệp khác gắn với cảng nước sâu là đầu tàu. Khu kinh tế còn là đầu mối giao thông vận tải, cửa ngõ, trung tâm trung chuyển hàng hóa, kho bãi, logistics, thương mại của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Theo lãnh đạo Ban Quản lý Khu Kinh tế Dung Quất, hiện nhu cầu thị trường, các dự án đầu tư gắn liền cảng, luồng, lộ trình đầu tư cảng,… đã có nhiều sự thay đổi và tăng trưởng nhanh. Vì thế, chiến lược phát triển Cảng biển Dung Quất sẽ tiếp tục được mở rộng, xứng tầm với cảng biển loại I quốc gia, đủ sức đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp trong Khu Kinh tế Dung Quất và khu vực.

Ban quản lý đang thực hiện rà soát, lập điều chỉnh nâng công suất Cảng Dung Quất lên khoảng 90 triệu tấn/năm nhằm đảm bảo yêu cầu phát triển Khu Kinh tế Dung Quất đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.

Đồng thời, lập quy hoạch các khu bến cảng biển, khu công nghiệp tập trung các doanh nghiệp chuyên khai thác cảng chuyên dùng, sản xuất hàng công nghiệp liên quan đến cảng và thực hiện các dịch vụ hỗ trợ, cảng, dịch vụ hậu cảng.

Cùng với đó, tiếp tục thu hút các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng trang thiết bị hiện đại, công nghệ tiên tiến; nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ công nhân, kỹ sư để đáp ứng nhu cầu thực tế; thu hút các dự án công nghiệp gia công xuất khẩu, sản xuất nhiều hàng hóa để phát huy logistics, cũng như vận tải đường biển ở Dung Quất, hình thành các tuyến container đến các cảng trong khu vực và quốc tế.

Cũng theo lãnh đạo Ban Quản lý Khu Kinh tế Dung Quất, để phát huy hiệu quả liên kết vùng duyên hải miền Trung và Tây nguyên theo tinh thần Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 06/10/2022; thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 03/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và đảm bảo quốc phòng an ninh vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định mở rộng xây dựng trung tâm lọc hóa, hóa dầu và năng lượng quốc gia tại Khu Kinh tế Dung Quất và phát triển Lý Sơn trở thành trung tâm du lịch biển đảo.

Đây là quyết sách rất quan trọng và là đòn bẩy cho sự phát triển mới kinh tế của Quảng Ngãi và vùng trọng điểm miền Trung với hạt nhân là Khu Kinh tế Dung Quất. Do vậy, tiếp tục đầu tư xây dựng cảng nước sâu Dung Quất thành trung tâm trung chuyển và dịch vụ logistics phục vụ hiệu quả cho Khu Kinh tế Dung Quất;và vùng phụ cận là thực sự cần thiết./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.