Ngày 12/5, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đã làm việc với Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) về tình hình sản xuất, kinh doanh và công tác chăm lo đời sống, việc làm của công nhân, người lao động ngành than; thăm, tặng quà công nhân, lao động ngành than nhân dịp Tháng Công nhân và Tháng Hành động về An toàn Vệ sinh Lao động.
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch nước Võ Thị ánh Xuân biểu dương và ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của ngành than đã khắc phục mọi khó khăn, nhất là trong thời gian diễn ra COVID-19, chăm lo tốt đời sống, tạo việc làm cho công nhân, người lao động; chất lượng đội ngũ được nâng cao, góp phần vào sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Phó Chủ tịch nước chúc mừng những kết quả, thành tựu trong phát triển kinh tế-xã hội của Quảng Ninh những năm qua.
[Quảng Ninh rót trên 41.000 tấn than cho tàu “xông cảng” đầu năm]
Tốc độ tăng trưởng kinh tế của địa phương duy trì mức đạt hai con số trong 7 năm liên tục.
Thu nhập bình quân đầu người gấp đôi bình quân chung cả nước.
Quảng Ninh hoàn thành Chương trình Xây dựng Nông thôn mới; có cơ sở hạ tầng phát triển đồng bộ, hiện đại; thu hút đầu tư ngày càng tăng, công nghiệp chế biến chế tạo có sự khởi sắc, tăng trưởng góp phần vào sự phát triển chung của cả nước, trở thành một trong những động lực của các tỉnh phía Bắc.
Phó Chủ tịch nước đề nghị thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục hỗ trợ, đề xuất các giải pháp để ngành than tiếp tục đổi mới, phát triển bền vững, là một ngành công nghiệp trụ cột của quốc gia, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước.
Địa phương nghiên cứu, đề xuất các chủ trương, chính sách đối với ngành than để công nhân lao động yên tâm gắn bó với nghề, giúp ngành than phát triển hơn nữa.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký cho biết sự phát triển nhanh và bền vững cả về kinh tế-xã hội, an ninh trật tự của tỉnh là tiền đề để ngành than chuyển đổi phát triển từ “nâu sang xanh.”
Tỉnh Quảng Ninh và ngành than sẽ tiếp tục chăm lo hơn nữa để đời sống công nhân ổn định, gia đình hạnh phúc.
Theo báo cáo của Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam, năm 2022, mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng COVID-19, song doanh thu của toàn Tập đoàn đạt 166.000 tỷ đồng, cao nhất từ khi thành lập đến nay, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong 4 tháng đầu năm 2023, doanh thu ước đạt trên 55.000 tỷ đồng, bằng 114% so với cùng kỳ 2022.
Hiện Tập đoàn có 94.000 lao động, trong đó lao động chính như thợ lò, lái máy... là 61.145 người, chiếm 65,1%.
Bên cạnh việc luôn đảm bảo thực hiện nghiêm các chế độ chính sách, chăm lo sức khỏe, đời sống cho người lao động theo quy định của Nhà nước, Tập đoàn còn ban hành và thực hiện các chế độ phúc lợi có lợi hơn cho người lao động mang tính đặc thù của ngành để động viên người lao động.
Trước đó, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đã đến dâng hương tại Khu di tích Bác Hồ về thăm mỏ Đèo Nai; tặng quà cho các tập thể lao động và công nhân tiêu biểu của Công ty Than Đèo Nai, Công ty Than Thống Nhất; thăm, tặng quà gia đình công nhân Nguyễn Hồng Cẩm, có 3 thế hệ làm thợ mỏ ở phường Cẩm Đông (thành phố Cẩm Phả); thăm hỏi, động viên và tặng quà cho các công nhân là thợ lò của Công ty than Thống Nhất vừa hết ca 3 ra lò tại cửa lò Giếng phụ mặt bằng +41.
Tại các nơi đến thăm, Phó Chủ tịch nước ân cần thăm hỏi, động viên và mong muốn công nhân, người lao động ngành than tích cực học tập, nâng cao tay nghề, tạo nhiều sản phẩm chất lượng cho xã hội, góp phần tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình ngày càng tốt hơn; đồng thời yêu cầu, tổ chức Công đoàn thường xuyên theo dõi, kiểm tra, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người lao động.
Chính quyền, cơ quan quản lý tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, đúng theo quy định của pháp luật.
Các lớp thế hệ công nhân vùng mỏ tiếp tục truyền lửa để thế hệ trẻ yên tâm, gắn bó với ngành than, không ngừng học tập nâng cao tay nghề để đáp ứng với nền công nghiệp hiện đại./.