Quảng Ninh hướng phát triển kinh tế gắn với Tăng trưởng Xanh

Tỉnh Quảng Ninh tập trung phát triển các ngành kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình Tăng trưởng Xanh, đưa tỉnh trở thành trung tâm du lịch quốc tế tầm cỡ và trung tâm kinh tế biển phát triển bền vững.
Vịnh Hạ Long. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Tỉnh Quảng Ninh đang xây dựng và từng bước hoàn thiện Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 30-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045.

Nhấn mạnh đến các nhóm vấn đề trọng tâm, trọng điểm cần tập trung thực hiện trong khi xây dựng Chương trình Hành động, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký yêu cầu, để xây dựng, hoàn thiện thể chế cho phát triển Quảng Ninh cũng như của vùng, chương trình hành động xác định rõ hơn những đề án trọng tâm, trọng điểm có ý nghĩa tạo đột phá cho tỉnh cũng như cho vùng gắn với tư duy mở, cơ chế vượt trội, tập trung nguồn lực nhà nước đủ tầm mức cho kích hoạt, kết nối nguồn lực tư nhân.

Trong số đó, sớm hoàn thành một số đề án, nhiệm vụ đã giao cho tỉnh Quảng Ninh, nhất là phát triển Khu kinh tế Vân Đồn và Khu hợp tác kinh tế song phương Móng Cái-Đông Hưng có vai trò cho liên kết vùng và nâng cao năng lực cạnh tranh với các khu kinh tế của đảo Hải Nam và ven biển Quảng Tây-Trung Quốc đang diễn ra rất sôi động; vùng đệm di sản vịnh Hạ Long; phát triển hệ thống đường thủy nội địa, cảng bến...

[Đặt mục tiêu tăng trưởng 11%, Quảng Ninh tăng tốc ngay đầu năm]

Cùng đó, tỉnh tiếp tục hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội đảm bảo đồng bộ, hiện đại, liên thông tổng thể, thúc đẩy liên kết vùng, nội vùng, hợp tác hóa lãnh thổ dựa trên nền tảng mô hình tổ chức không gian phát triển “một tâm, hai tuyến đa chiều, các mũi đột phá, ba vùng động lực” đã được định hình bởi các hành lang giao thông gắn với các hàng lang kinh tế và hành lang đô thị; trong đó, lấy các khu kinh tế ven biển, khu đô thị ven biển là hạt nhân để thúc đẩy phát triển kinh tế biển, phù hợp với thực tiễn Quảng Ninh.

Tỉnh tiếp tục thực hiện các dự án giao thông đường bộ, hệ thống giao thông kết nối liên vùng, nội vùng; hệ thống kết cấu hạ tầng y tế, giáo dục và đặc biệt là sớm hoàn thiện các công trình Cảng Con Ong-Hòn Nét, Cảng Mũi Chùa, Cảng Vạn Ninh; tập trung cho các công trình kết nối nông thôn-thành thị, vùng thấp-vùng cao, công nghiệp-dịch vụ, du lịch, nội vùng, liên vùng bảo đảm đồng bộ, hiện đại, liên thông, tổng thể để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động, thu hẹp chênh lệch vùng miền.

Đồng thời, tỉnh tập trung phát triển các ngành kinh tế gắn với chuyển đổi mô hìnhTăng trưởng Xanh nhằm thực hiện tốt các định hướng đã nêu trong Chương trình Hành động của Chính phủ là xây dựng Quảng Ninh trở thành trung tâm du lịch quốc tế tầm cỡ và là trung tâm kinh tế biển phát triển bền vững kết nối với khu vực và thế giới, liên kết với các địa phương trong vùng hình thành cụm ngành du lịch với các sản phẩm độc đáo, có sức cạnh tranh cao.

Thu hút đầu tư FDI. (Ảnh: Đồng Thúy/TTXVN)

Tạo đột phá trong thu hút có chọn lọc nguồn vốn đầu tư nước ngoài thế hệ mới vào các khu công nghiệp, khu kinh tế, tăng nhanh quy mô và tỷ trọng đóng góp của công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế đêm, kinh tế tuần hoàn.

Chuyển đổi từ quy hoạch phát triển khu công nghiệp theo tư duy truyền thống sang phát triển “hệ sinh thái công nghiệp” với yêu cầu gắn giữa công nghiệp hóa với dịch vụ hóa và đô thị hóa, giữa công nghiệp hóa với bảo vệ môi trường theo nguyên lý kinh tế tuần hoàn, giữa công nghiệp hóa, đô thị hóa với nâng cao chất lượng sống của người dân, nhất là dân nhập cư đô thị. Phát triển nông nghiệp sinh thái, đa giá trị gắn với xây dựng nông thôn hiện đại, nông dân văn minh góp phần phục vụ trực tiếp cho phát triển du lịch.

Về phát triển đô thị, việc quy hoạch, định hướng phát triển đô thị tuyến biên giới phải tính toán đầy đủ yêu cầu hội nhập và cạnh tranh quốc tế, mà ở đó đô thị phía sau mang tính liên vùng phải làm nền tảng; hỗ trợ cho đô thị phía trước, tạo thành một cấu trúc liên hoàn, liên kết chặt chẽ, tất cả cùng cộng hưởng sức mạnh cho nâng cao năng lực đối trọng, cạnh tranh đô thị xuyên biên giới.

Phát triển các đô thị đồng bộ về kinh tế, xã hội, kết cấu hạ tầng, kiến trúc, nhà ở theo hướng đô thị xanh, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai và dịch bệnh.

Tỉnh Quảng Ninh sẽ bám sát đặc điểm đô thị biển, hướng ra biển, cửa ngõ biển tiền tiêu của Tổ quốc đặt ra các yêu cầu cao về phát triển kinh tế-xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng-an ninh, giữ vững chủ quyền biển, đảo, biên giới quốc gia trong tình hình mới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục