Nâng cấp đội tàu đạt chuẩn quốc tế trên cơ sở không gây quá tải cho vịnh Hạ Long; kéo giãn về phía vịnh Bái Tử Long và vùng biển Vân Đồn, Cô Tô, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà và Móng Cái nhưng phải theo đúng nguyên tắc phát triển hài hòa, bền vững, hiệu quả, bảo đảm môi trường sinh thái, quản lý bền vững ngay từ đầu và bảo đảm vững chắc quốc phòng-an ninh, chủ quyền biển đảo.
Đây là một trong những nội dung chính Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh vừa cho ý kiến đối với Đề án "Tổng thể về quản lý, phát triển sản phẩm du lịch biển đảo vịnh Hạ Long-vịnh Bái Tử Long-Vân Đồn-Cô Tô" theo hướng sẽ kéo giãn du lịch biển, đảo về phía Đông của tỉnh, nhằm giảm áp lực cho vịnh Hạ Long.
Quảng Ninh đang hướng tới trở thành trung tâm du lịch quốc tế kết nối với các trung tâm du lịch lớn của khu vực và thế giới.
Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh, hiện khu vực vịnh Hạ Long đã duy trì 5 tuyến cho khách tham quan, trải nghiệm gắn với từng loại hình sản phẩm và từng thị trường khách; duy trì dịch vụ, sản phẩm du lịch chèo thuyền nan, kayak và xuồng cao tốc, thủy phi cơ, trải nghiệm văn hóa, tắm biển, mua hàng lưu niệm, tham quan mô hình nuôi trồng thủy sản.
Khu vực vịnh Bái Tử Long (khu vực Cẩm Phả, Vân Đồn, Cô Tô), đã có 3 tuyến và 13 điểm du lịch đã được ủy ban nhân dân tỉnh công nhận.
Tỉnh đã công nhận đạt chuẩn một số bãi tắm du lịch và đưa vào khai thác, như bãi tắm Quảng Hồng, bãi tắm Lương Ngọc, bãi tắm Mai Quyền, bãi tắm Minh Châu.
[Vì sao hoạt động chèo đò tay, chèo kayak ở vịnh Hạ Long là trái phép?]
Cùng với đó, khu vực vịnh Bái Tử Long còn hình thành nên nhiều sản phẩm du lịch độc đáo, như một ngày làm ngư dân, tour đi bộ, cắm trại…
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Ký yêu cầu Ban Cán sự Đảng ủy ba nhân dân tỉnh tiếp tục bổ sung, hoàn thiện Đề án "Tổng thể về quản lý, phát triển sản phẩm du lịch biển đảo vịnh Hạ Long - vịnh Bái Tử Long-Vân Đồn-Cô Tô" phù hợp hơn với bối cảnh mới sau đại dịch COVID-19.
Trong số đó, phải xác định tập trung thu hút dòng sản phẩm cao cấp của các nhà đầu tư chuyên nghiệp tập trung ở khu vực Vân Đồn, Cô Tô gắn với việc kịp thời có các cơ chế, chính sách đủ mạnh của tỉnh để thu hút nhà đầu tư; phát triển các sản phẩm du lịch cấp độ địa phương do doanh nghiệp địa phương thực hiện, đáp ứng các phân khúc khách; phát triển du lịch cộng đồng ở các khu vực còn khó khăn về điều kiện kinh tế nhưng giàu truyền thống văn hóa bản địa, văn hóa dân tộc.
Về sản phẩm du lịch, Quảng Ninh sẽ tập trung phát triển các sân golf dọc tuyến ven biển, xây dựng trung tâm mua sắm tại các khu đô thị, nhất là ở thành phố Hạ Long và xây dựng các trạm dừng nghỉ đa dịch vụ ở dọc tuyến cao tốc từ Hạ Long tới Móng Cái; tập trung khai thác dòng khách chất lượng cao ở thị trường nội địa và quốc tế, nhất là thị trường Đông Bắc Á đang có nhiều cơ hội.
Bí thư tỉnh ủy yêu cầu, thành phố Hạ Long cần rà soát lại tất cả dịch vụ du lịch để có đánh giá tổng thể và tiếp tục nghiên cứu cách tiếp cận mới khi có sự liên kết, kéo giãn khách tới vịnh Bái Tử Long; hình thành các khu ẩm thực gắn với địa bàn khu dân cư.
Thành phố Cẩm Phả cần tận dụng tối đa nguồn nước khoáng, giá trị vịnh Hạ Long và sự kết nối giữa các địa phương, đặc biệt ở khu vực vịnh Bái Tử Long gắn với nguồn nước suối khoáng Quang Hanh.
Huyện Vân Đồn cần tạo điều kiện tối đa các dự án đầu tư các sản phẩm du lịch gắn với trải nghiệm trên vùng vịnh Bái Tử Long và Vườn quốc gia Bái Tử Long. Thành phố Móng Cái quan tâm hơn đến khai thác các địa phương có biển như Trà Cổ, Vĩnh Trung, Vĩnh Thực.
Trong các giải pháp đề ra, Bí thư Tỉnh ủy lưu ý các địa phương cần xác định nguồn nhân lực là giải pháp trọng tâm, trong đó, việc thu hút sự tham gia du lịch của người dân bản địa được xem là một yếu tố quan trọng.
Thực tế, hiện nay nhiều sản phẩm du lịch biển đảo trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh dù đã hoạt động từ nhiều năm nay, song tính pháp lý còn chưa đủ chặt chẽ. Điển hình như các dịch vụ chèo đò tay, chèo kayak (vịnh Hạ Long) đang bị vướng mắc bởi Nghị định 48/2019/NĐ-CP ngày 5/6/2019 khi chính quyền địa phương chưa công bố mở vùng nước để dịch vụ này có thể hoạt động theo đúng pháp luật.
Hay các dịch vụ dù bay, thuyền buồm (thành phố Hạ Long), hay dịch vụ lặn biển ngắm san hô ở xã Đảo Thanh Lân (huyện Cô Tô), một sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn có thể giúp xã nghèo vùng biên giới hải đảo phát triển kinh tế, song đến nay vẫn thiếu cơ sở pháp lý hoạt động dẫn đến có nhiều rủi ro trong kinh doanh của doanh nghiệp, ảnh hưởng tới nhiều quyền lợi của du khách.
Những bất cập trên, doanh nghiệp đang mong chờ sự vào cuộc tích cực từ phía các cơ quan chức năng và chính quyền các cấp để du lịch biển đảo Quảng Ninh có nhiều sản phẩm hấp dẫn, an toàn và đúng luật, du khách được đảm bảo đầy đủ quyền lợi khi tham gia./.