Quảng Ninh tăng trưởng kinh tế 9 tháng năm 2022 đạt 10,21%

Quảng Ninh là địa phương thứ 2 trong cả nước về thu hút khách với tổng lượng khách du lịch đến Quảng Ninh, ước đạt 9,17 triệu lượt, gấp 3,55 lần cùng kỳ.
Quảng Ninh tăng trưởng kinh tế 9 tháng năm 2022 đạt 10,21% ảnh 1Nút giao cuối tuyến nối với Cửa khẩu quốc tế Móng Cái. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Trong 9 tháng năm 2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Quảng Ninh ước đạt 10,21%, cao hơn 1,36 điểm % so với cùng kỳ.

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 40.630 tỷ đồng, tăng 21% cùng kỳ.

Tăng trưởng kinh tế cao là nhờ sự ổn định phát triển ngành than, giữ vững đà tăng trưởng kinh tế 2 con số trong 6 năm liên tiếp từ năm 2016 đến nay.

Ngoài ra, Quảng Ninh đã có quyết sách đúng đắn, triển khai kịp thời, nhanh chóng, đúng thời điểm để phục hồi mạnh mẽ, vững chắc ngành du lịch.

[Quảng Ninh tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư]

Nhờ vậy, Quảng Ninh là địa phương thứ 2 trong cả nước về thu hút khách với tổng lượng khách du lịch đến Quảng Ninh, ước đạt 9,17 triệu lượt, gấp 3,55 lần cùng kỳ. Đây là nhân tố mang tính quyết định cho tăng trưởng 9 tháng qua.

Với mục tiêu cao nhất quý 4 và cả năm 2022 phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt trên 11%, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn không thấp hơn 52.600 tỷ đồng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký nhấn mạnh việc đẩy nhanh tiến độ triển khai, nâng cao tỷ lệ giải ngân, chất lượng công trình đầu tư công là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của tất cả các cấp, các ngành trong quý 4.

Đồng thời, tỉnh tập trung nâng cao hiệu quả chi ngân sách địa phương; đổi mới xúc tiến, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư FDI thế hệ mới vào lĩnh vực công nhân chế biến, chế tạo; sâu sát đồng hành với doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất-kinh doanh, nhất là các dự án động lực; hoàn thành vững chắc nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo các địa phương, các ngành sớm hoàn thành Quy hoạch tỉnh, Quy hoạch thành phố Hạ Long, Quy hoạch chung Khu kinh tế Quảng Yên, điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng thành phố Cẩm Phả, thị xã Quảng Yên, Quy hoạch vùng huyện; tập trung phát triển sản phẩm du lịch, dịch vụ và khu vực vịnh Bái Tử Long.

Với việc hoàn thành và đưa vào các tuyến đường huyết mạch như đường ven biển Hạ Long-Cẩm Phả, cao tốc Vân Đồn-Móng Cái, Quảng Ninh đang có cơ hội lớn nhất là không gian phát triển mới, hành lang phát triển mới để phát triển kinh tế, xã hội; trong đó có công nghiệp chế, biến chế tạo.

Bí thư Tỉnh ủy lưu ý cần phát triển doanh nghiệp, sản phẩm mới, du lịch dịch vụ, kinh tế đêm, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn có trọng tâm, trọng điểm; trong đó, tập trung vào các khu kinh tế, đặc biệt là khu kinh tế Quảng Yên và phát triển sản phẩm du lịch tại khu vực Cẩm Phả, Vân Đồn gắn với khai thác hiệu quả vịnh Bái Tử Long và không gian du lịch mới lạ, khác biệt từ tuyến đường bao biển Hạ Long-Cẩm Phả tạo ra. Khẩn trương xúc tiến, kêu gọi đầu tư hoàn thành trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Hạ Long-Vân Đồn-Móng Cái...

Mặc dù tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt hai con số, song Quảng Ninh thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế trong 9 tháng qua. Đó là khu vực công nghiệp - xây dựng là một trụ cột mang tính quyết định, có dư địa rất lớn nhưng chỉ ước tăng 8,96%, thấp hơn 3,52 điểm % so với cùng kỳ.

Tốc độ tăng trưởng của khu vực công nghiệp chế biến, chế tạo không đạt mục tiêu kịch bản đề ra; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư còn thấp; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực, nhất là quản lý tài nguyên, khoáng sản, đầu tư công, đất đai chưa cao.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.