Quảng Ninh tập trung nguồn lực phát triển vùng đồng bào dân tộc

Đa số các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh đồng tình với việc phải kết hợp chặt chẽ, lồng ghép nguồn lực giữa Chương trình xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao.
Quảng Ninh tập trung nguồn lực phát triển vùng đồng bào dân tộc ảnh 1Ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh phát biểu tại kỳ họp. (Ảnh: Văn Đức/TTXVN)

Ngày 13/11, Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026, tổ chức Kỳ họp thứ 5 (kỳ họp chuyên đề) để thảo luận, quyết nghị một số nội dung thuộc thầm quyền của Hội đồng nhân dân tỉnh.

Kỳ họp được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại hội trường và trực tuyến đến các địa phương.

Tại kỳ họp, Hội đồng nhân dân tỉnh đã quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư “Chương trình tổng thể phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030” nhằm tập trung sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành nguồn lực, phấn đấu thực hiện thắng lợi toàn diện mục tiêu nâng cao đời sống, thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo, đồng thời nhanh chóng thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, vùng miền, xây dựng văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh.

Trọng tâm là tập trung nguồn lực để hoàn thiện đồng bộ kết cấu hạ tầng kỹ thuật, kinh tế, xã hội đồng bộ, khai thác hiệu quả lợi thế đặc thù, khác biệt của từng địa phương là các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, biên giới, hải đảo trong giai đoạn mới.

Đa số các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh đồng tình với việc phải kết hợp chặt chẽ, lồng ghép nguồn lực giữa Chương trình xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu với Chương trình tổng thể phát triển bền vững kinh tế-xã hội gắn với đảm bảo vững chắc quốc phòng, an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025.

Từ đó, tạo ra nguồn lực tổng hợp và tập trung sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành để đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển toàn diện thực chất, hiệu quả bền vững cả về nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản theo hướng hiện đại, gia tăng giá trị, đổi mới cơ cấu cây trồng vật nuôi, sản phẩm lợi thế của từng vùng miền để phát triển nông nghiệp hàng hóa có sức cạnh tranh cao gắn với nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP.

Tổng kinh phí thực hiện chương trình giai đoạn 2021-2025 tối thiểu là 4.200 tỷ đồng, đây là nguồn lực rất lớn để từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo đồng bộ, hiện đại, liên thông, tổng thể; phát triển toàn diện y tế, giáo dục và đào tạo gắn với tạo việc làm, tăng thu nhập; đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững.

[Phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi]

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Nguyễn Xuân Ký nhấn mạnh: Để các nghị quyết đi vào cuộc sống, phát huy hiệu lực, hiệu quả, đòi hỏi Ủy ban nhân dân tỉnh phải tập trung chỉ đạo, điều hành quyết liệt; các cấp, các ngành, các địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức thực hiện đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các nghị quyết vừa được thông qua.

Tại Kỳ họp, các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh đã biểu quyết thống nhất thông qua các Nghị quyết gồm: Điều chỉnh, phân bổ Kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách tỉnh năm 2021; điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án sử dụng vốn ngân sách theo hướng kiên quyết cắt giảm, điều chuyển vốn của các dự án chậm giải ngân sang các dự án có khả năng giải ngân và hoàn thành trong năm 2021; phê chuẩn tổng quyết toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn và quyết toán chi ngân sách địa phương năm 2020…

Trong bối cảnh dịch COVID-19 dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh yêu cầu: các cấp, các ngành, địa phương, từng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, buông lỏng lãnh đạo, quản lý, thiếu sâu sát cụ thể; phải tập trung ưu tiên cao nhất cho công tác phòng, chống dịch COVID-19; nỗ lực cao nhất để kiểm soát dịch bệnh, ngăn chặn, tầm soát chủ động, xét nghiệm sàng lọc, phát hiện sớm, truy vết nhanh, khoanh vùng, cách ly, điều trị hiệu quả; kiên quyết không để dịch ngấm sâu vào trường học, khu dân cư, nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp, trung tâm thương mại, chợ… để ca bệnh thành ổ dịch, lan rộng nhất là tại các khu đô thị, các địa bàn trọng điểm.

Quảng Ninh cần tận dụng mọi cơ hội an toàn và thời gian còn lại của năm 2021 để phục hồi ngành Du lịch, nâng cao tỷ lệ, chất lượng, hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công, tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính ngân sách gắn với trách nhiệm người đứng đầu; thúc đẩy phát triển sản xuất, lưu thông hàng hóa, thúc đẩy xuất khẩu; duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh, nhất là ngành Than và các ngành sản xuất, công nghiệp chế biến, chế tạo.

Tỉnh kiên trì, nhất quán, quyết tâm phấn đấu hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GRDP trên 10% và chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt trên 51.000 tỷ đồng, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên 95% vốn kế hoạch điều hành; đẩy nhanh tiến độ bảo đảm hoàn thành 3 công trình trọng điểm là đường cao tốc Vân Đồn-Móng Cái, đường ven biển nối thành phố Hạ Long và thành phố Cẩm Phả, cầu Cửa Lục 1 vào cuối năm 2021./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục