Quảng Ninh: Thiệt hại ban đầu do mưa lũ đã lên tới 1.500 tỷ đồng

Tính đến hết ngày 30/7, mưa lũ ở Quảng Ninh đã làm chết 17 người, bị thương 10 người, 6 người mất tích, tổng thiệt hại trên 1.500 tỷ đồng, trong đó ngành than trên 500 tỷ đồng.
Quảng Ninh: Thiệt hại ban đầu do mưa lũ đã lên tới 1.500 tỷ đồng ảnh 1Nhiều nhà dân bị lũ quét. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Tại cuộc họp Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ninh với các địa phương ngày 31/7, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long yêu cầu các địa phương tổ chức thường trực chống mưa lũ 24/24 giờ từ nay đến ngày 4/8. Yêu cầu lãnh đạo các sở, ngành, địa phương giữ liên lạc 24/24 giờ.

Ủy ban Nhân dân tỉnh sẽ kiểm tra đột xuất, nếu địa phương nào không thực hiện nghiêm túc sẽ bị kỷ luật.

Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn Quảng Ninh, từ nay đến 4/8 sẽ có đợt mưa vừa và nhỏ vì vậy vẫn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra lũ và sạt lở đất đá.

Ông Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, Phó Trưởng Ban thường trực Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ninh, nhấn mạnh nguy cơ lớn nhất hiện nay vẫn là sự cố đê số 8, bãi đổ thải 790 ở khu vực phường Mông Dương.

Ông Bảo Anh, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đông Bắc (Bộ Quốc Phòng), cho biết hiện nay bãi thải 790 mỗi ngày di chuyển chừng 0,8m, nguy cơ phủ lấp hoàn toàn một cửa lò khai thác than của Công ty 790 thuộc Tổng Công ty này là khá cao.

Quảng Ninh đã di dời hơn 100 hộ dân sống ở vùng gần khu vực bãi thải 790 đến nơi ở an toàn.

Riêng ngành than, mưa lũ khiến nhiều đơn vị của ngành phải hoàn toàn dừng hoạt động. Nhiều mỏ than sẽ phải mất từ 1-3 tháng mới khắc phục được để đi vào hoạt động như Công ty than Mông Dương, Công ty 790 của Tổng Công ty Đông Bắc.

Tính đến ngày 31/7, nước Ở Bản Sen (Vân Đồn) đã rút được 8m, tuy nhiên mực nước ở lòng chảo Bản Sen (nơi có 27 hộ dân sinh sống) vẫn cao chừng 6m.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh yêu cầu các địa phương tăng cường tuyên truyền vận động nhân dân nâng cao ý thức phòng chống thiên tai. Chính quyền các cấp kiên quyết bảo vệ số dân di dời, không để người dân quay lại vùng có nguy cơ sạt lở cao.

Theo báo cáo của Văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, lượng mưa từ ngày 26/7 đến ngày 30/7 vừa qua được xác định là lượng mưa lớn nhất trong vòng 40 năm trở lại đây trên địa bàn tỉnh.

Đặc biệt, lượng mưa đổ xuống Cẩm Phả từ ngày 26/7 đến 7 giờ sáng ngày 31/7 ước tính trên 1.253mm, bằng tổng lượng mưa trung bình từ 7 đến 8 tháng trên địa bàn thành phố Cẩm Phả.

Tính đến hết ngày 30/7, mưa lũ đã làm chết 17 người, bị thương 10 người, 6 người mất tích; đổ sập hoàn toàn 28 ngôi nhà; ngập lụt từ hơn 1m trên 3.700 ngôi nhà.

Toàn tỉnh đã di dời an toàn 1.737 hộ gia đình bị ngập lụt, trong khu vực sạt lở đất đến nới an toàn.

Các tuyến Quốc lộ: 18A, 18B, 18C, 279, tỉnh lộ: 326, 328, 329, 330, 334, 337, 341 và một số tuyến đường thủy nội địa và nhiều tuyến kè bị ngập lụt, sạt lở hư hỏng nặng. Trên 1.600 ha lúa, hoa màu và thủy sản bị ngập, thiệt hại.

Hàng nghìn gia súc, gia cầm bị cuốn trôi. Một số hầm lò khai thác than bị ngập, than trôi. Đường ống cấp nước sạch D800 cho thành phố Cẩm Phả và Hạ Long của Nhà máy nước Diễn Vọng bị đứt gãy.

Tổng ước tính thiệt hại đến ngày 30/7 là trên 1.500 tỷ đồng, trong đó ngành than trên 500 tỷ đồng.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nguyễn Đức Long chỉ đạo cần tiếp tục hỗ trợ các hộ dân đang di dời đến khu vực ở tạm. Các địa phương cần thực hiện ngay hỗ trợ kinh phí tạm cư cho người dân và có phương án quy hoạch, sắp xếp khu định cư mới cho người dân.

Ông Nguyễn Đức Long nhấn mạnh cần đảm bảo an toàn giao thông, trong đó có việc di chuyển miễn phí du khách từ Cô Tô vào đất liền. Về đến Cẩm Phả, nếu du khách hết kinh phí, tỉnh sẽ hỗ trợ mỗi du khách 200.000 đồng. Các ngành chức năng nhanh chóng khắc phục sự cố mất điện, hư hỏng tại một số trạm điện.

Về nước sinh hoạt, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh yêu cầu chậm nhất ngày 5/8 phải hoàn thành việc sửa chữa đường ống cấp nước nhà máy nước Diễn Vọng. Những khu vực bị ngập lụt, Công ty Cổ phần nước sạch Quảng Ninh sẽ cung cấp nước miễn phí cho người dân…

Quảng Ninh kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ các gia đình gặp nạn và thành lập Ban Cứu trợ tỉnh. Đến ngày 31/7, đã có hơn 140 đơn vị đăng ký ủng hộ hơn 42 tỷ đồng.

Ngày 31/7, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã đến thăm hỏi, chia buồn, động viên và tặng quà các gia đình gặp nạn trong trận mưa lũ lớn nhất trong vòng 40 năm qua ở Quảng Ninh.

Phó Chủ tịch nước đã chia sẻ với tỉnh Quảng Ninh về những thiệt hại nặng nề của nhân dân trong tỉnh trong đợt mưa lũ vừa qua; đồng thời đánh giá cao tinh thần đoàn kết của tập thể Đảng bộ, chính quyền, các lực lượng vũ trang và người dân trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực vượt qua khó khăn, chống chọi với thiên tai.

Phó Chủ tịch nước hy vọng, toàn tỉnh Quảng Ninh sẽ dốc sức khắc phục hậu quả của trận mưa lũ để sớm ổn định các hoạt động trở lại trước ngày 10/8.

Nhân dịp này, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã tặng 200 triệu đồng cho Quỹ ủng hộ đồng bào vùng mưa lũ ở Quảng Ninh.

Quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam do Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan làm Chủ tịch Hội đồng bảo trợ tặng Quảng Ninh 200 triệu đồng để khắc phục hậu quả mưa lũ; Tập đoàn Xăng Dầu ủng hộ tỉnh Quảng Ninh 100 triệu đồng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục