Quảng Ninh thông báo lý do lùi thời gian khởi công xây sân bay

Ngày 29/3, Ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh đã chính thức có thông báo lý do lùi thời gian khởi công xây dựng Cảng hàng không Quảng Ninh.
Quảng Ninh thông báo lý do lùi thời gian khởi công xây sân bay ảnh 1Phương tiện, nhân lực của các đơn vị thi công tập trung thực hiện việc san gạt mặt bằng làm Cảng hàng không Quảng Ninh. (Ảnh: Văn Đức/TTXVN)

Ngày 29/3, Ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh đã chính thức có thông báo lý do lùi thời gian khởi công xây dựng Cảng hàng không Quảng Ninh.

Trước đó, tỉnh Quảng Ninh dự kiến sẽ khởi công xây dựng cảng hàng không này vào ngày 27/3 tại xã Đoàn Kết, huyện Vân Đồn.

Nguyên nhân thứ nhất tỉnh Quảng Ninh đưa ra là do thời tiết bất thường, mưa nhiều ngày liên tục tại khu vực Vân Đồn nên một số hạng mục hạ tầng đấu nối vào khu vực xây dựng cảng hàng không chưa thể hoàn thành đồng bộ, đúng tiến độ như dự kiến.

Nguyên nhân thứ hai là nhà đầu tư cảng hàng không (Tập đoàn Sun Group) đã đề xuất điều chỉnh hướng tuyến đường cao tốc Hạ Long-Vân Đồn-Móng Cái từ phía Tây Bắc sang phía Đông Nam đoạn sát với dự án cảng hàng không nhằm khai thác tối ưu điều kiện tự nhiên, cảnh quan, môi trường, đặc biệt là tạo quỹ đất lớn hơn để phát triển, mở rộng sân bay trong tương lai, phục vụ phát triển du lịch, dịch vụ có hiệu quả, bền vững tại khu vực này.

Về việc lựa chọn nhà đầu tư xây dựng Cảng hàng không Quảng Ninh, Ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh cho hay, từ giữa năm 2014, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã chủ trì, phối hợp với Liên danh Tổng Công ty cảng hàng không Hàn Quốc-Công ty Trách nhiệm hữu hạn Joinus-Công ty Trách nhiệm hữu hạn Posco E&C lập báo cáo nghiên cứu khả thi để làm cơ sở thực hiện các bước tiếp theo của Dự án Cảng hàng không Quảng Ninh với quy mô cấp 4E, là cảng hàng không nội địa được đón các chuyến bay quốc tế theo hình thức BOT.

Ngoài Liên danh Tổng Công ty cảng hàng không Hàn Quốc-Công ty Trách nhiệm hữu hạn Joinus-Công ty Trách nhiệm hữu hạn Posco E&C còn có một số nhà đầu tư khác như Tập đoàn CCC (Canada), Tập đoàn Sun Group của Việt Nam đến khảo sát nghiên cứu đầu tư dự án.

Tuy nhiên, đến ngày 13/3/2015, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Joinus đã có văn bản số 12/CV-T03/15 cảm ơn tỉnh Quảng Ninh và xin không tiếp tục nghiên cứu và triển khai Dự án Cảng hàng không Quảng Ninh vì theo Quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 21/QĐ-TTg ngày 08/01/2009 và Quy hoạch cảng hàng không Quảng Ninh đã được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt tại Quyết định số 576/QĐ-BGTVT ngày 16/3/2012 thì Cảng hàng không Quảng Ninh là cảng hàng không nội địa được đón các chuyến bay quốc tế, chứ không phải là sân bay quốc tế như mục tiêu đã đặt ra của Liên danh.

Đến thời điểm phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư chỉ còn nhà đầu tư duy nhất là Tập đoàn Sun Group, nên Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã quyết định lựa chọn Sun Group là nhà đầu tư dự án Cảng hàng không Quảng Ninh.

Ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh khẳng định, việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật hiện hành; đồng thời đảm bảo mục tiêu chọn được nhà đầu tư có đủ năng lực và quyết tâm thực hiện dự án.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Thành đã chỉ đạo các ngành chức năng liên quan và chủ đầu tư, nhà thầu chủ động, tích cực hơn nữa, khẩn trương hoàn thành mọi công việc cần thiết để có thể sớm khởi công xây dựng Cảng hàng không Quảng Ninh trong thời gian sớm nhất, để đáp ứng sự mong mỏi của nhân dân huyện Vân Đồn nói riêng và tỉnh Quảng Ninh nói chung.

Dự án cảng hàng không Quảng Ninh được xây dựng trên diện tích đất khoảng 290ha thuộc địa bàn xã Đoàn Kết, huyện Vân Đồn (cách thành phố Hạ Long chừng 50km) với quy mô một đường cất hạ cánh, sân bay đỗ máy bay cho tối thiểu 4 chiếc Boeing 777 lẫn Airbus 321.

Tổng mức đầu tư xây dựng (gồm cả chi phí giải phóng mặt bằng) lên tới 7.500 tỷ đồng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.