Quảng Ninh triển khai các dự án hạ tầng giao thông theo hình thức PPP

Từ năm 2013, tỉnh Quảng Ninh đã mạnh dạn thí điểm thực hiện các dự án theo hình thức đối tác công-tư (PPP) với một loạt các dự án hạ tầng, tổng vốn đầu tư đạt trên 46.000 tỷ đồng.
Quảng Ninh triển khai các dự án hạ tầng giao thông theo hình thức PPP ảnh 1Cầu Bạch Đằng. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh đã quyết định đưa những kinh nghiệm và phương hướng đầu tư các dự án theo hình thức đối tác công-tư (PPP) vào dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, dự kiến sẽ được tổ chức vào cuối tháng 9 tới.

Với quan điểm đẩy mạnh huy động xã hội hóa để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng trong bối cảnh nguồn ngân sách hạn hẹp, từ năm 2013, tỉnh Quảng Ninh đã năng động, sáng tạo, mạnh dạn thí điểm thực hiện các dự án theo hình thức PPP với một loạt các dự án hạ tầng. Đến nay, tổng vốn đầu tư đạt trên 46.000 tỷ đồng với 29 dự án.

Mô hình đầu tư theo hình thức PPP là phương thức được thực hiện trên cơ sở hợp đồng dự án giữa cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án để xây dựng, cải tạo, vận hành, kinh doanh, quản lý công trình hạ tầng, cung cấp dịch vụ công.

Các dự án PPP đã đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, Quảng Ninh trở thành một trong những địa phương tăng trưởng kinh tế của miền Bắc; là địa chỉ tin cậy để các tỉnh, thành trong cả nước đến tham quan, trao đổi kinh nghiệm trong triển khai đầu tư PPP.

Nhiều dự án PPP của Quảng Ninh đã hoàn thành, đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả. Điển hình là các dự án đầu tư vào lĩnh vực giao thông vận tải như: Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn (có mức đầu tư 7.500 tỷ đồng), cầu Bạch Đằng (7.200 tỷ đồng), cao tốc Hạ Long-Vân Đồn và cải tạo nâng cấp quốc lộ 18 đoạn Hạ Long-Mông Dương (12.000 tỷ đồng), đường dẫn cầu Bắc Luân II.

Các dự án công trình về trụ sở như nhà thi đấu đa năng 5.000 chỗ, trụ sở liên cơ quan số 4, trụ sở liên cơ quan số 3…

Hiện Quảng Ninh đang tiếp tục triển khai các dự án hạ tầng giao thông theo hình thức PPP như đường cao tốc Tiên Yên-Móng Cái dài 63km, dự kiến hoàn thành trong năm 2021. Tỉnh kêu gọi các nhà đầu tư tham gia các dự án theo hình thức PPP như dự án sân golf An Biên (thành phố Hạ Long), sân golf Khe Chè (Đông Triều), Khu du lịch Cái Chiên (Hải Hà)...

Với kết quả, kinh nghiệm và phương hướng đầu tư các dự án theo hình thức PPP, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký cho rằng đây là thành công của tỉnh Quảng Ninh trong nhiệm kỳ qua. Các công trình, dự án PPP đã nhanh chóng lan tỏa, tạo động lực quan trọng cho các lĩnh vực kinh tế khác phát triển.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh yêu cầu trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy phát triển, bám sát thực tiễn, đánh giá nhận diện đúng tình hình để chủ động, kịp thời vận dụng sáng tạo các chủ trương, Nghị quyết của Đảng, có những quyết sách và hành động phù hợp; xác định, lựa chọn đúng trọng tâm, trọng điểm, khâu đột phá để tập trung sự lãnh đạo, chỉ đạo, nguồn lực thực hiện dứt điểm, mang lại hiệu quả thiết thực.

[Quảng Ninh đề xuất bầu trực tiếp Bí thư tại Đại hội Đảng bộ tỉnh]

Việc hoàn thiện báo cáo không chỉ phục vụ dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV mà còn là tài liệu quan trọng phục vụ mục tiêu quy hoạch Quảng Ninh trong giai đoạn tới.

Dự kiến, dự thảo Báo cáo chính trị sẽ nêu bật được những chỉ đạo xuyên suốt của Đảng trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức PPP, trong đó, phân tích đánh giá một cách tổng quát của sự tác động của các dự án đầu tư theo hình thức PPP đối với phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh; phân loại các loại hình, địa bàn, lĩnh vực đầu tư PPP tạo hiệu quả trong việc dẫn dắt thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh; rút ra các bài học kinh nghiệm, dự báo việc thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức PPP và nêu các giải pháp để triển khai thực hiện trong thời gian tới.

Trên cơ sở báo cáo và ý kiến tham gia của tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh yêu cầu Ủy ban Nhân dân tỉnh và các sở, ngành cần bổ sung, hoàn thiện báo cáo, khẳng định các định hướng phát triển, chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh” là phù hợp với tiềm năng, lợi thế và điều kiện thực tế của tỉnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.