Ngày 3/9, tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm thí điểm mô hình Trung tâm phục vụ hành chính công.
Với vị trí là tổ chức trực thuộc Ủy ban Nhân dân tỉnh, Trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh có chức năng là cơ quan đầu mối thực hiện việc tiếp nhận, hướng dẫn thực hiện thủ tục hành chính; tiếp nhận hồ sơ của tổ chức, cá nhân để giải quyết và nhận, trả kết quả cho tổ chức, cá nhân theo quy định; tham gia đề xuất các giải pháp nhằm cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa nền hành chính.
Trung tâm được đảm bảo tính độc lập, chủ động và đủ thẩm quyền trong thực thi nhiệm vụ, phối hợp với các sở, ngành, Ủy ban Nhân dân cấp huyện cũng như các cơ quan ngành dọc trong công tác tổ chức, giám sát, đánh giá kết quả tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh.
Tại cấp huyện, các Trung tâm phục vụ hành chính công cũng được Ủy ban Nhân dân tỉnh thí điểm thành lập từ năm 2014, theo mô hình trực thuộc Văn phòng Ủy ban Nhân dân cấp huyện và tổ chức hoạt động theo cơ chế, nguyên tắc tương tự như Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh.
Đồng thời với việc thành lập Trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh, 14 Trung tâm phục vụ hành chính công cấp huyện, tỉnh đã nâng cấp cơ sở vật chất, trang bị, đầu tư con người cho 186 bộ phận "một cửa" tại 186 xã, phường, thị trấn.
[Quảng Ninh nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính]
Từ đó kết nối đồng bộ từ Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh với 14 Trung tâm phục vụ hành chính công cấp huyện, 186 bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã đã hoạt động ổn định, hiệu quả thiết thực, sát thực tiễn yêu cầu của người dân.
Các Trung tâm phục vụ hành chính công trên địa bàn tỉnh được xây dựng, hoàn thiện về cơ sở vật chất, trang bị, ứng dụng công nghệ thông tin.
Hệ thống phần mềm điện tử dùng chung tại các Trung tâm kết nối tất cả các sở, ban, ngành, các phòng, ban, Ủy ban Nhân dân cấp huyện, đảm bảo các yêu cầu về quản lý toàn bộ hoạt động của Trung tâm; số hóa các thủ tục, hồ sơ; cho phép tích hợp chữ ký số; thuận lợi cho việc tra cứu thông tin; cung cấp, mở rộng các kênh giao tiếp; các bước tiếp nhận, chuyển giao, xử lý tại các bộ phận nhằm công khai, minh bạch hóa công tác giải quyết thủ tục hành chính...
Tỉnh chỉ đạo đồng bộ thực hiện việc đóng dấu tại Trung tâm, không phải chuyển hồ sơ về cơ quan ký và đóng dấu; triển khai tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích.
Các trung tâm cũng phối hợp với ngân hàng triển khai thanh toán trực tuyến thu phí, lệ phí giải quyết thủ tục hành chính; cập nhật kết quả giải quyết thủ tục hành chính lên trang thông tin điện tử...
Mô hình Trung tâm phục vụ hành chính công đã đạt tới các tiêu chí đảm bảo công khai, minh bạch vì sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp. Đáng chú ý, 100% các khâu, quy trình ứng dụng công nghệ thông tin triệt để và xử lý công việc đảm bảo tính đồng bộ, thông suốt để tiến tới xây dựng nền hành chính hiện đại.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh qua việc triển khai thí điểm mô hình Trung tâm phục vụ hành chính công khẳng định tỉnh Quảng Ninh đã cụ thể hóa, thực hiện đúng quan điểm, chủ trương của Đảng về cải cách hành chính trong tình hình mới, bảo đảm bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, không làm tăng biên chế nhưng đáp ứng được yêu cầu cải cách thủ tục hành chính hiệu quả nhất.
Mô hình này đảm bảo sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp, đạt được các mục tiêu cơ bản và giải quyết được các vấn đề bất cập trong cải cách và giải quyết thủ tục hành chính để xây dựng nền hành chính theo hướng phục vụ, chuyên nghiệp, năng động, trách nhiệm, hiện đại, góp phần tạo nên sự tăng trưởng vượt bậc trong việc đánh giá các chỉ số PCI và PAR INDEX của tỉnh Quảng Ninh.
Dịp này, 8 tập thể và 9 cá nhân có thành tích xuất sắc góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm hành chính công các cấp được nhận Bằng khen của Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh./.