Quảng Ninh: Ưu tiên sử dụng hàng hóa sản xuất trong tỉnh

Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh Quảng Ninh có thư kêu gọi các tập thể, cá nhân ưu tiên sử dụng hàng hóa, dịch vụ được sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Quảng Ninh: Ưu tiên sử dụng hàng hóa sản xuất trong tỉnh ảnh 1Đoàn kiểm tra Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh kiểm tra công tác chuẩn bị hàng hóa tại Siêu thị GO! Hạ Long hồi tháng Một vừa qua. (Nguồn: baoquangninh)

Ngày 1/2, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh Quảng Ninh đã có thư kêu gọi các tập thể, cá nhân ưu tiên sử dụng hàng hóa, dịch vụ được sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Trong Thư kêu gọi, ông Nguyễn Văn Hồi, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc tỉnh Quảng Ninh, Trưởng Ban Chỉ đạo Cuộc vận động, nêu rõ: Tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường trên địa bàn tỉnh và các tỉnh, thành phố lân cận đúng vào dịp nhân dân chuẩn bị đón Tết cổ truyền của dân tộc.

Một số địa phương trong tỉnh phải thực hiện giãn cách xã hội dẫn đến việc sản xuất, chế biến, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp đến rất nhiều người dân và doanh nghiệp, nhất là các địa phương trọng điểm sản xuất hàng hóa nông sản, thủy, hải sản như Đông Triều, Quảng Yên, Vân Đồn; các trung tâm thương mại, đầu mối giao thương (Hạ Long, Móng Cái).

Do đó, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh Quảng Ninh kêu gọi và đề nghị các cơ quan, tổ chức, địa phương, doanh nghiệp, đơn vị lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, lao động trong tỉnh, nhất là công nhân, lao động ngành than, trong các khu công nghiệp, khu kinh tế, bằng tình cảm, trách nhiệm và những hành động cụ thể xung kích đi đầu thực hiện Cuộc vận động “Người Quảng Ninh ưu tiên sử dụng hàng hóa, dịch vụ được sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.”

[Không để xảy ra khan hàng, sốt giá trong dịp Tết Nguyên đán 2021]

Mỗi cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, mỗi gia đình, mỗi người dân nên thay đổi thói quen tiêu dùng hàng ngày từ việc tăng tỷ lệ sử dụng sản phẩm nông, lâm, thủy sản, hàng hóa sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh, nhất là trong dịp Tết Tân Sửu 2021, góp phần bảo đảm ổn định đời sống, việc làm của nhân dân. Đồng thời tạo ra giá trị gia tăng mới, góp phần thực hiện tốt “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế-xã hội nhanh, bền vững.

Theo số lượng thống kê từ các địa phương, hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có trên 38.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản; trong đó có 1.539 cơ sở thuộc đối tượng cấp giấy chứng nhận. Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên việc xuất khẩu các sản phẩm hàng hóa từ Việt Nam, nhất là nông sản gặp khó; đồng thời sản lượng tiêu thụ nội địa của lĩnh vực du lịch giảm mạnh, dẫn đến tiêu thụ sản lượng nông, lâm, thủy sản đến thời điểm thu hoạch, gặp khó khăn, tồn đọng lớn.

Do đó, tỉnh Quảng Ninh kêu gọi người dân Quảng Ninh chung tay, cùng chia sẻ khó khăn cho các hộ sản xuất, nuôi trồng các sản phẩm nông lâm thủy sản trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn dịch bệnh.

Tạo thói quen cho mỗi người dân, mỗi hộ gia đình Quảng Ninh ưu tiên lựa chọn, tiêu thụ nông sản của tỉnh. Điều này thể hiện tính nhân văn rất lớn, không chỉ cùng các hộ nông dân vượt qua giai đoạn chịu ảnh hưởng của dịch bệnh; mà còn góp phần đảm bảo môi trường, nhất là ở các khu vực nuôi trồng thủy sản./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.