Quảng Ninh đã xuất sắc duy trì 4 năm liên tiếp (từ năm 2017 đến năm 2020) đoạt vị trí quán quân trên bảng xếp hạng về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và 8 năm liên tiếp nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất cả nước.
Vượt qua chính mình
Chỉ số PCI do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Phát triển Quốc tế của Hoa Kỳ (USAID) hợp tác xây dựng từ năm 2005 để đánh giá chất lượng điều hành kinh tế, mức độ thuận lợi, thân thiện của môi trường kinh doanh và nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền các tỉnh, thành phố của Việt Nam, qua đó, thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân.
Báo cáo PCI 2020 được xây dựng dựa trên thông tin phản hồi từ gần 12.300 doanh nghiệp; trong đó có trên 10.700 doanh nghiệp tư nhân đang hoạt động tại 63 tỉnh, thành phố và gần 1.600 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại 22 địa phương tại Việt Nam.
Như vậy, ngay trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ, Quảng Ninh đã thực hiện tốt mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025 là khẳng định mục tiêu hàng năm, giữ vững vị trí nhóm đầu cả nước về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) và Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI).
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký từng khẳng định, đây vừa trở thành động lực vừa là cam kết về chất lượng thực thi, văn hóa thực thi, chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Tại lễ công bố bảng xếp hạng ngày 15/4, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nguyễn Tường Văn bày tỏ, với vị trí 4 năm liên tiếp xếp ở vị trí quán quân Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, vấn đề đặt ra với Quảng Ninh đó là “làm sao duy trì được vị trí dẫn đầu, vượt qua chính mình.”
Nhận thức tầm quan trọng của PCI trong phát triển kinh tế-xã hội, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025, đã đặt ra chỉ tiêu “hàng năm giữ vững vị trí nhóm đầu cả nước về các chỉ số PCI, PAR Index, SIPAS, PAPI”.
Năm 2020, điểm tổng hợp chỉ số PCI của Quảng Ninh là 75,09 điểm, tăng 1,69 điểm so với năm 2019, là địa phương duy nhất đạt thang điểm trên 75 trong bảng xếp hạng năm nay. Đây cũng là điểm số cao nhất từ trước tới nay của Quảng Ninh.
Kết quả xếp hạng Chỉ số PCI năm 2020 của Quảng Ninh tiếp tục khẳng định niềm tin của nhân dân với chính quyền và đặc biệt là sự đánh giá hài lòng ngày càng cao của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư; phản ánh chính xác, khách quan hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước của Quảng Ninh, nhất là trong bối cảnh năm 2020-năm đặc biệt khó khăn với cộng đồng doanh nghiệp do những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19.
Điểm nổi bật trong chỉ số PCI của Quảng Ninh năm 2020 là các chỉ số thành phần có sự cải thiện vượt bậc so với năm 2019, như: chi phí gia nhập thị trường tăng 0,56 điểm; tiếp cận đất đai tăng 0,12 điểm (tăng 16 hạng so với 2019); chi phí thời gian tăng 0,64 điểm; đào tạo lao động tăng 0,46 điểm; dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp tăng 0,9 điểm (tăng 17 hạng so với 2019); thiết chế pháp lý và an ninh trật tự tăng 0,18 điểm. Ngoài ra, nhiều chỉ số của Quảng Ninh năm nay tiếp tục giữ vững điểm số xếp hạng và vượt xa các địa phương xếp hạng phía sau.
Phát biểu tại buổi lễ công bố, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Tường Văn nhấn mạnh, để đạt được kết quả đứng đầu trong bảng xếp hạng về Chỉ số PCI năm 2020, tỉnh Quảng Ninh luôn xác định nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên đó là cải cách hành chính, nâng cao chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh, chất lượng điều hành kinh tế, năng lực cạnh tranh, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp phát triển bền vững.
[Quảng Ninh từ ‘nâu’ sang ‘xanh’: Nhiều đổi thay trên vùng đất mỏ]
Tỉnh tập trung triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp dựa trên 3 trụ cột, gồm: chủ động, quyết liệt thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, đảm bảo giảm thành phần hồ sơ, giảm thời gian giải quyết, giảm chi phí thực hiện, nâng cao chất lượng dịch vụ công; và ứng dụng công nghệ thông tin, từng bước hiện đại hóa nền hành chính, phát huy hiệu quả chính quyền điện tử hướng tới xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, xây dựng thành phố thông minh.
Giải pháp lâu dài
Nhiệm kỳ 2020-2025, tỉnh Quảng Ninh quyết tâm thực hiện 3 đột phá chiến lược, ngoài đẩy nhanh tốc độ phát triển, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ, hiện đại và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, Quảng Ninh đặc biệt quan tâm đến việc nâng cao chất lượng cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chất lượng thực thi chính sách, pháp luật; giữ vững vị trí nhóm đầu về các chỉ số PCI, PAR Index, SIPAS và PAPI.
Để thực hiện mục tiêu trên, Quảng Ninh sẽ triển khai Đề án tiếp tục đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tỉnh theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ giai đoạn 2021-2025 và Đề án cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Quảng Ninh tập trung xây dựng chính quyền liêm chính, phục vụ, thực sự “của dân, do dân, vì dân,” hoạt động hiệu lực, hiệu quả; trong đó, nâng cao năng lực triển khai, tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhất là năng lực thực thi pháp luật toàn diện trên các lĩnh vực.
Quảng Ninh quy định rõ và đề cao trách nhiệm của người đứng đầu gắn chặt với trách nhiệm từng cơ quan, đơn vị và tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính. Hoàn thiện hệ thống quy chế, quy định; chú trọng phân công, phân cấp, giao quyền, ủy quyền, gắn với phát huy chủ động của địa phương, đơn vị và tăng cường cơ chế kiểm tra, giám sát, trách nhiệm giải trình.
Tỉnh xây dựng và hoàn thiện tốt cơ chế kiểm soát quyền lực và phát huy hiệu quả vai trò giám sát của nhân dân.
Tỉnh tập trung cải cách thủ tục hành chính, gắn với nâng cao chất lượng phục vụ, đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong giải quyết công việc với nhân dân, tổ chức, doanh nghiệp. Đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, kỷ cương, năng động, minh bạch, cắt giảm tối đa giao dịch trực tiếp.
Quảng Ninh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, hoàn thành xây dựng chính quyền điện tử và nhanh chóng xây dựng chính quyền số; tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ hành chính công của những đối tượng khó khăn, đặc thù.
Tỉnh thúc đẩy toàn diện việc xử lý hồ sơ, công việc trên môi trường mạng hướng tới các cơ quan nhà nước "không giấy tờ." Chậm nhất đến năm 2025, tỉnh cơ bản hoàn thành chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội.
Bên cạnh đó, Quảng Ninh xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là cán bộ quản lý và người đứng đầu các cấp “thực đức, thực tài,” có tính chuyên nghiệp, có khả năng làm việc trong môi trường quốc tế, tận tụy phục vụ nhân dân; nâng cao năng lực, trình độ, đạo đức công vụ, trách nhiệm giải trình.
Phát huy dân chủ, đoàn kết, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu song hành với kiến tạo môi trường đổi mới, đột phá, sáng tạo trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra, gắn trách nhiệm cá nhân; thu hút, trọng dụng nhân tài; xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân vi phạm…/.