Tỉnh Quảng Ninh có chủ trương sử dụng nguồn kinh phí xã hội hóa để xây mới, sửa chữa tất cả các nhà ở tạm, nhà ở dột nát cho các hộ dân trên địa bàn.
Quyền Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy nhấn mạnh việc triển khai thực hiện xóa nhà tạm, nhà ở dột nát trên địa bàn tỉnh là một trong những phần việc để cụ thể hóa chủ đề công tác năm 2023 của tỉnh là “Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư và chất lượng cuộc sống nhân dân,” góp phần đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao chất lượng đời sống người dân trên địa bàn.
Theo báo cáo của Sở Xây dựng Quảng Ninh, địa bàn hiện có 279 hộ gia đình ở nhà tạm, dột nát, cần hỗ trợ cải thiện, trong đó 205 hộ cần được xây mới và 74 cần được hộ sửa chữa.
[Xóa đói, giảm nghèo: Phép đo đa chiều cùng thành công đa diện]
Quyền Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh yêu cầu Sở Xây dựng chủ trì, cùng các sở, ngành, địa phương tập trung phối hợp rà soát kỹ tiêu chí về nhà ở tạm, nhà ở dột nát trên địa bàn tỉnh, không phân biệt đối tượng, vùng miền để có đề xuất cụ thể về phương án hỗ trợ; nghiên cứu, xây dựng mẫu nhà, tính toán nhu cầu vật liệu xây dựng để triển khai nhanh chóng đến các hộ trong diện được hỗ trợ xây, sửa nhà hoàn thiện đúng dịp kỷ niệm 60 năm thành lập tỉnh 30/10.
Từ năm 2011 đến nay, gần 5.000 hộ nghèo của tỉnh đã được hỗ trợ nhà ở thông qua nhiều chương trình, chính sách.
Quảng Ninh đã về đích Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trước 3 năm.
Tỉnh đang chuyển sang giai đoạn xây dựng và triển khai chuẩn nghèo đa chiều mới, cao hơn mức bình quân của cả nước.
Đến hết 2022, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm còn 0,067% tổng số hộ dân toàn tỉnh, tương ứng với 258 hộ, chỉ đứng sau Thành phố Hồ Chí Minh và Bà Rịa-Vũng Tàu. Quảng Ninh đã trở thành địa phương về đích sớm nhất cả nước về giảm nghèo.
Hiện toàn tỉnh có 2.454 hộ cận nghèo, chiếm 0,63% tổng số hộ dân toàn tỉnh.
So với cuối năm 2021 đã giảm 1.268 hộ nghèo (tương đương 0,34%); giảm 3.099 hộ cận nghèo (tương đương 0,84%); có 4/13 địa phương (gồm Hạ Long, Quảng Yên, Vân Đồn và Cô Tô) không còn hộ nghèo; 9/13 địa phương tỷ lệ hộ nghèo dưới 1%...
Quảng Ninh đã xây dựng chuẩn nghèo giai đoạn 2023-2025 theo hướng cao hơn mức quy định của Trung ương, phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội của tỉnh và mức sống của người dân, phấn đấu đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều riêng của tỉnh còn dưới 0,05%./.