Ngày 17/4, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị cho biết đơn vị đã giải cứu thành công 11 nạn nhân bị cưỡng bức lao động khai thác vàng tại Quảng Nam.
Các nạn nhân đã được đưa về Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh để bàn giao cho địa phương và gia đình.
Trước đó, ngày 11/4, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị nhận được thông tin từ người dân xã A Vao, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị báo có sáu thanh niên làm thuê tại Bãi Muối, xã Phước Thành, huyện Phước Sơn của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Phước Minh (trụ sở tại thị trấn Khâm Đức, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam) bị cưỡng bức lao động rất cần được giải cứu.
Xác định thông tin trên là đúng sự thật, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị đã triển khai lực lượng đến tỉnh Quảng Nam. Ngày 14/4, đơn vị đã phối hợp với Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam, Công an tỉnh Quảng Nam, Công an huyện Phước Sơn đến địa điểm các nạn nhân đang trú ẩn tại lán bảo vệ Nhà máy thủy điện Đắc Min 3 thuộc xã Phước Chánh, huyện Phước Sơn (địa điểm trên cách vị trí các nạn nhân làm thuê khoảng 60km đường rừng).
Lực lượng chức năng đã giải cứu năm nạn nhân gồm: Hồ Văn Hùng (sinh năm 1985) trú tại thôn Tân Đi 1, xã A Vao, huyện ĐaKrông, tỉnh Quảng Trị; Hồ Văn Mây (sinh năm 1994) trú tại thôn Ba Lin, xã A Vao, huyện ĐaKrông, tỉnh Quảng Trị; Hồ Văn Nêm (sinh năm1995) trú tại thôn Tà Rụt 1, xã Tà Rụt, huyện ĐaKrông, tỉnh Quảng Trị; Hồ Văn Huân (sinh năm 1998), trú tại thôn Ba Lin, xã A Vao, huyện ĐaKrông, tỉnh Quảng Trị; Hồ Văn Phích (sinh năm 1990) trú tại thôn Tà Rụt 1, xã Tà Rụt, huyện ĐaKrông, tỉnh Quảng Trị.
[Xử phạt 8 đối tượng trong vụ 'địa đạo' khai thác vàng trái phép]
Trong hai ngày 15-16/4, đơn vị tiếp tục phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam và Đồn Biên phòng Bình Minh giải cứu thành công và đưa năm nạn nhân khác gồm Hồ Văn Nân (sinh năm 1999), trú tại thôn Ba Lin, xã A Vao, huyện ĐaKrông, tỉnh Quảng Trị; Hồ Văn Un, (sinh năm 1997), trú tại thôn Ba Lin, xã A Vao, huyện ĐaKrông, tỉnh Quảng Trị; Hồ Văn Hinh (sinh năm 1999), trú tại thôn Tà Rụt, xã Tà Rụt, huyện ĐaKrông, tỉnh Quảng Trị; Hồ Văn Mông (sinh năm 1999), trú tại thôn Ba Lin, xã A Vao, huyện ĐaKrông, tỉnh Quảng Trị và Hồ Văn Mần (sinh năm 1999), trú tại thôn Tà Rụt, xã Tà Rụt, huyện ĐaKrông, tỉnh Quảng Trị.
Ngày 15/4, tổ công tác gồm Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị, PC45 Công an tỉnh Quảng Nam, PC45 Công an tỉnh Quảng Trị đã làm việc với đại diện lãnh đạo Công ty Trách nhiệm hữu hạn Phước Minh. Nội dung làm việc được tập trung vào tính pháp nhân của công ty; phạm vi và phương pháp tuyển dụng công nhân; chế độ chính sách đối với công nhân làm việc tại Bãi Muối.
Tổ công tác yêu cầu công ty cung cấp các tài liệu liên quan đến tư cách pháp nhân cũng như các hồ sơ, tài liệu liên quan đến số công nhân đã được giải cứu và yêu cầu ngay sau buổi làm việc công ty phải trả đủ chế độ theo ngày làm việc cho số công nhân đã bỏ trốn được giải cứu và một số công nhân khác tự ý bỏ công ty không rõ lý do. Cũng trong buổi làm việc này, tổ công tác đã yêu cầu công ty bàn giao thêm một lao động nữa là Hồ Văn Hựt (sinh năm 1998) trú tại thôn Tà Rụt, xã Tà Rụt, huyện ĐaKrông, tỉnh Quảng Trị.
Các nạn nhân sau khi được giải cứu cho biết do có cuộc sống khó khăn, không có việc làm ổn định nên khi có người gợi ý đi làm công nhân khai thác vàng tại Quảng Nam với mức lương từ 4-6 triệu đồng/tháng, được nuôi ăn, ở cùng với lời hứa làm việc không quá vất vả, chế độ đãi ngộ tốt, 11 thanh niên trên đã đồng ý đi làm. Tuy nhiên, thực tế thời gian làm việc vất vả, không có ngày nghỉ. Quản lý công nhân và bảo vệ không đồng ý cho công nhân nghỉ kể cả lúc ốm đau; bữa ăn chỉ đủ cơm, không có nhiều thức ăn. Lao động dưới hầm sâu nhưng không được trang bị bảo hộ lao động, hay bị đánh đập...
Vì vậy ngày 12/4 các công nhân nói trên xin nghỉ việc nhưng công ty không đồng ý. Bị bảo vệ công ty đuổi đánh nên các công nhân bỏ chạy vào rừng.
Anh Hồ Văn Hinh (sinh năm 1999), thôn Tà Rụt 1, xã Tà Rụt, huyện ĐaKrông, cho biết: "Hàng ngày khối lượng công việc rất lớn, thức ăn không có gì lại hay bị đánh đập. Khổ quá nên chúng tôi quyết định bỏ trốn. Suốt một ngày một đêm trốn trong rừng rất khổ cực và sợ hãi. Chúng tôi chỉ dám trốn trong rừng vì sợ bị bắt lại. Rất may, một người trong nhóm liên lạc được với bộ đội biên phòng."
Thiếu tá Bùi Đình Lợi, Trưởng Ban điều tra Hình sự, phòng Phòng chống Ma túy và Tội phạm thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị cho biết khó khăn lớn nhất trong quá trình giải cứu đó chính là địa bàn miền núi Quảng Nam rất rộng, hệ thống liên lạc rất chập chờn. Quá trình liên lạc với nạn nhân rất hạn chế do các nạn nhân cảnh giác với người lạ.
Hiện các nạn nhân đã được đơn vị chăm sóc y tế, động viên ổn định tinh thần, liên lạc với gia đình./.