Tỉnh Quảng Trị đã và đang huy động nguồn lực để rà phá bom mìn và vật liệu nổ, phấn đấu đến sau năm 2025 sẽ là tỉnh đầu tiên trong cả nước “an toàn” không chịu tác động của bom mìn và vật liệu nổ sót lại sau chiến tranh.
Nguy cơ tai nạn bom mìn
Quảng Trị là tỉnh có tỷ lệ ô nhiễm bom mìn cao nhất cả nước với 82% trên tổng diện tích đất. Bom mìn còn sót lại sau chiến tranh ở Quảng Trị đã khiến hơn 3.430 người chết, 5.100 người bị thương.
Từ năm 1995, tỉnh bắt đầu triển khai hợp tác quốc tế giải quyết bom mìn và vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh.
Ngày 16/2, vụ nổ do vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh đã xảy ra tại thôn Phương An 1, xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ (Quảng Trị), khiến ông Lê Chí Tr. (43 tuổi) tử vong tại chỗ.
[Để đất nước không còn ảnh hưởng nặng nề của bom mìn sau chiến tranh]
Vụ tai nạn xảy ra trong lúc ông Tr. tu sửa lại góc bếp. Khi đó, ông Tr dùng cuốc để đào đất, bất ngờ vật liệu ở dưới lòng đất phát nổ. Vật liệu nổ gây ra vụ tai nạn thương tâm này được xác định là đạn cối 81mm còn sót lại sau chiến tranh.
Theo Trung tâm Hành động bom mìn tỉnh Quảng Trị (QTMAC), đây là vụ tai nạn bom mìn, vật liệu nổ gần nhất trong 5 năm trở lại đây (kể từ năm 2017).
Tiếp đó, giữa tháng 3/2022, trong lúc đào móng xây dựng nhà, ông Nguyễn Văn Tường ở thôn Diên Khánh, xã Hải Dương, huyện Hải Lăng phát hiện một quả đạn pháo 105mm.
Ông Tường đã báo cho Đội hủy nổ bom mìn lưu động của Chương trình hợp tác giữa Quảng Trị với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài (RENEW) đến di dời quả đạn pháo an toàn.
Cũng trong tháng 3/2022, lực lượng công binh thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Trị đã xử lý an toàn một hầm chứa hơn 400 vật liệu nổ dưới nền nhà của một hộ dân ở khu phố Tây Trì, Phường 1, thành phố Đông Hà.
Hầm chứa các vật liệu nổ này gồm đạn cối, đạn pháo, bom M83, lựu đạn, đầu đạn các loại. Đặc biệt số vật liệu nổ này còn nguyên ngòi nổ.
Những năm qua, tỉnh Quảng Trị đã phối hợp với các tổ chức quốc tế tiến hành rà phá, xử lý an toàn bom mìn và vật liệu nổ mang lại sự an toàn cho người dân, tạo điều kiện để các địa phương phát triển kinh tế-xã hội.
Điển hình là Chương trình hợp tác giữa tỉnh với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài (RENEW) và Tổ chức Viện trợ nhân dân Na Uy (NPA) thực hiện Dự án NPA/RENEW từ năm 2001, giúp người dân sống ở những vùng ô nhiễm bom mìn có cuộc sống an toàn hơn.
Chỉ tính từ tháng 12/2021 đến tháng 3/2022, Dự án NPA/RENEW triển khai hai đội đến thôn Nhĩ Hạ, xã Gio Hải, huyện Gio Linh làm nhiệm vụ rà phá một khu vực rộng lớn bị ô nhiễm bom mìn. Hai đội đã phá hủy an toàn 84 bom chùm và 109 vật liệu nổ khác.
Theo Ban Chỉ đạo khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh tỉnh Quảng Trị, chỉ riêng năm 2021 đã có khoảng 27.660 bom mìn, vật liệu nổ được phát hiện, xử lý an toàn.
Thông qua đường dây nóng, các đội xử lý lưu động đã triển khai 1.670 nhiệm vụ. Diện tích rà phá hiện trường cố định được gần 36,7 triệu m2, đạt 122% so với kế hoạch.
Trong 10 năm trở lại đây, tỉnh Quảng Trị đã rà phá hơn 25.000ha đất bị ô nhiễm bom mìn; phát hiện và xử lý an toàn trên 765.000 bom mìn và vật liệu nổ sót lại sau chiến tranh; đồng thời hỗ trợ hàng nghìn nạn nhân, nâng cao nhận thức về nguy hiểm bom mìn cho hầu hết người dân và học sinh.
Hướng đến tỉnh “an toàn” không chịu tác động của bom mìn
Giai đoạn từ năm 2010-2020, ngoài huy động nguồn vốn từ ngân sách, tỉnh Quảng Trị còn tích cực xúc tiến vận động được hơn 100 dự án viện trợ không hoàn lại cho công tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh với tổng kinh phí trên 110 triệu USD, tương đương 2.530 tỷ đồng.
Nguồn lực này còn giúp tỉnh đào tạo và trang cấp thiết bị, phương tiện hiện đại cho gần 1.000 nhân viên kỹ thuật giải quyết hậu quả bom mìn.
Giai đoạn từ năm 2021-2025, tổng vốn các tổ chức quốc tế cam kết tài trợ cho tỉnh Quảng Trị khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh là trên 40 triệu USD.
NPA vẫn là một trong những tổ chức quốc tế tài trợ kinh phí cho tỉnh khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh. Giai đoạn 2022-2025, NPA tiếp tục tài trợ gần 30 tỷ đồng cho Quảng Trị triển khai công tác khắc phục hậu quả sau chiến tranh; đồng thời giảm thiểu đến mức thấp nhất tai nạn bom mìn, vật liệu nổ đối với cộng đồng, tạo môi trường an toàn cho người dân lao động sản xuất.
Hoạt động tại Việt Nam từ năm 2007 đến nay, NPA đã rà phá làm sạch hàng chục triệu mét vuông đất ở Quảng Trị bị ô nhiễm bom mìn và vật liệu nổ, tạo môi trường an toàn cho người dân sinh sống và phát triển kinh tế.
Từ năm 1995 đến nay, Chính phủ Hoa Kỳ đã hỗ trợ tỉnh Quảng Trị thông qua các tổ chức quốc tế và phi chính phủ, triển khai nhiều chương trình, dự án trong lĩnh vực khắc phục hậu quả bom mìn và hỗ trợ nạn nhân bom mìn. Trong đó, Peace Trees VietNam - Cây Hòa bình Việt Nam (PTVN) là tổ chức phi chính phủ của Hoa Kỳ đầu tiên được cấp phép (năm 1995) và triển khai hoạt động rà phá bom mìn khắc phục hậu quả chiến tranh tại Quảng Trị. Đây là sự khởi đầu cho một loạt hoạt động hợp tác quốc tế, khắc phục hậu quả bom mìn do Hoa Kỳ tài trợ thông qua các tổ chức phi chính phủ như: Nhóm Cố vấn bom mìn (MAG), Tổ chức phi lợi nhuận Clear Path International (CPI), Tổ chức Viện trợ Nhân dân Na Uy (NPA)...
Ngoài ra, Cơ quan phát triển quốc tế Anh, Bộ Ngoại giao Na Uy, Bộ Ngoại giao Đức và một số tổ chức quốc tế khác cũng đã và đang tài trợ kinh phí cho tỉnh Quảng Trị khắc phục hậu quả bom mìn sót lại sau chiến tranh.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị Hoàng Nam cho biết tỉnh phấn đấu đến sau năm 2025 sẽ là tỉnh đầu tiên trong cả nước “an toàn” không chịu tác động của bom mìn và vật nổ sót lại sau chiến tranh.
Để thực hiện được mục tiêu này, từ nay đến năm 2025, tỉnh phấn đấu bình quân mỗi năm rà phá được khoảng 3.000ha đất ô nhiễm bom mìn; đẩy mạnh vận động viện trợ từ các tổ chức phi Chính phủ nước ngoài với kinh phí bình quân 10 triệu USD/năm để khắc phục hậu quả bom mìn; hoàn thành 100% hoạt động khảo sát bom chùm và công bố các khu vực xác định nguy hiểm do ô nhiễm bom mìn.
Hàng năm có 60.000 lượt người được tiếp cận chương trình giáo dục phòng tránh bom mìn, từ 1.300-1.500 nạn nhân và gia đình nạn nhân bom mìn được hỗ trợ về y tế và phát triển sinh kế.
Đến năm 2025, tất cả trường học trên địa bàn tỉnh đều đưa chương trình giáo dục phòng tránh bom mìn vào dạy học tích hợp trong các môn học.
Ngoài ra, tỉnh còn xây dựng chính sách phát triển nguồn nhân lực cho công tác khắc phục hậu quả bom mìn; tăng cường đào tạo và tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lý, điều hành công tác khắc phục hậu quả bom mìn; thực hiện tốt thông tin tuyên truyền khắc phục hậu quả bom mìn nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cơ quan chức năng và nhân dân./.