Quảng Trị phát triển hậu cần nghề cá giúp ngư dân bám biển

Không những đi thu mua cá cho các ngư dân ở ngoài biển, mỗi chuyến tàu ra khơi các chủ tàu còn chuẩn bị nhiều nhu yếu phẩm cần thiết phục vụ tận ngư trường giúp ngư dân bám biển dài ngày.

Nhờ điều kiện thuận lợi, có nhiều tiềm năng, thế mạnh so với các địa phương khác, ngoài phát triển khai thác, đánh bắt thủy hải sản, các địa phương  vùng biển của tỉnh Quảng Trị đã chủ động đưa ra nhiều hướng đi mới trong việc đầu tư phát triển các ngành nghề dịch vụ hậu cần nghề cá, nhằm khai thác có hiệu quả hơn nữa về những tiềm năng, lợi thế vùng kinh tế biển.

Đội tàu thu mua cá ở vùng biển xa của anh Nguyễn Văn Chiến (khu phố 5, thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) liên tục luân phiên nhau hai chiếc vào, hai chiếc ra vùng ngư trường truyền thống thuộc vùng biển Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam để đảm bảo thu mua hết cá của ngư dân đánh bắt được ngoài biển.

Không những đi thu mua cá cho các ngư dân ở ngoài biển, mỗi chuyến tàu ra khơi các chủ tàu còn chuẩn bị nhiều nhu yếu phẩm cần thiết và dầu máy, ngư lưới cụ để phục vụ tận ngư trường cho các đội tàu đánh bắt thủy hải sản bám biển khai thác được dài ngày, góp phần giảm chi phí ra vào của các đội tàu thuyền.

Anh Nguyễn Văn Hùng (chủ tàu thu mua cá cảng cá Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) cho biết đội tàu thu mua ở cảng cá Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh chuyên ra vùng biển xa thu mua các loại thủy hải sản của bà con đánh bắt được đưa về đất liền để cung cấp cho các đầu mối sản xuất và xuất khẩu. Nhờ có tổ đội thu mua trên biển nên các ngư dân Quảng Trị và các tỉnh đã có thời gian bám biển dài ngày ở ngư trường truyền thống của Việt Nam.

Là cơ sở chế biến cá duy nhất tại cảng cá Cửa Tùng huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, cơ sở chế biến cá tư nhân Ngọc Tuấn được ví như là "bà đỡ" của các ngư dân trong và ngoài tỉnh. Để làm hậu cần của nghề cá, thời gian qua cơ sở chế biến cá tư nhân Ngọc Tuấn đã phối hợp với đội tàu thu mua trên biển thu mua hết các loại cá, giúp ngư dân sớm vươn khơi và bám biển dài ngày.

Ông Hồ Thanh Ngọc (chủ cơ sở chế biến cá tư nhân Ngọc Tuấn, thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh) cho biết hàng năm cơ sở còn tạo điều kiện hỗ trợ hàng trăm triệu đồng cho các tàu vươn khơi thu mua thuỷ hải sản. Bên cạnh đó, đến mùa biển động ngư dân không thể ra khơi đánh bắt được, cơ sở còn có nhiều hình thức giúp đỡ, hỗ trợ ngư dân để ổn định cuộc sống...

Trước việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou 981) trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam nhưng không làm các ngư dân nhụt chí mà họ vẫn quyết tâm vươn khơi bám biển dài ngày.

Ông Võ Hồng Thanh (thuyền trưởng, chủ tàu cá QT 91019 TS, Quảng Trị) khẳng định ngư dân quyết tâm vươn khơi khai thác thường xuyên trên ngư trường truyền thống ở vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam, để mang lại nguồn lợi thủy sản và góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Tỉnh Quảng Trị hiện có hơn 175 chiếc tàu có công suất trên 90 CV, giải quyết việc làm cho hơn 1.700 lao động. Trong đó, có 152 chiếc tham gia đánh bắt xa bờ, nhất là khu vực gần đảo Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.