Quốc hội băn khoăn về việc bảo toàn Quỹ bảo hiểm xã hội

Khi vấn đề trao quyền thanh tra để giải quyết những tồn tại vẫn chưa được làm rõ thì việc bảo toàn Quỹ BHXH lại tiếp tục gây nhiều băn khoăn.
Quốc hội băn khoăn về việc bảo toàn Quỹ bảo hiểm xã hội ảnh 1Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý phát biểu. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Chiều 18/4, cho ý kiến về dự án Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi) tại phiên họp thứ 27, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật bảo hiểm xã hội.

Sự sửa đổi này nhằm kịp thời thể chế hóa các quan điểm của Đảng, quy định của Hiến pháp về quyền được bảo đảm an sinh xã hội của công dân, khắc phục những bất cập của Luật hiện hành, đáp ứng nguyện vọng của người lao động và góp phần hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về an sinh xã hội phù hợp với quá trình phát triển kinh tế-xã hội.

Các ý kiến cho rằng Luật cần phải tiếp tục làm rõ quan điểm xây dựng hệ thống an sinh xã hội đa dạng, toàn diện, có tính chia sẻ giữa Nhà nước, xã hội và người dân, giữa các nhóm dân cư trong một thế hệ và giữa các thế hệ, đảm bảo bền vững, công bằng; đồng thời đổi mới việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ, giảm phiền hà cho người tham gia.

“Cây gậy” thanh tra

Sau nhiều lần bàn thảo, tranh luận, cho đến tận phiên họp này, việc có trao quyền thanh tra chuyên ngành về chính sách bảo hiểm xã hội cho Bảo hiểm Xã hội Việt Nam hay không vẫn chưa được ngã ngũ.

Thường vụ Quốc hội cùng có chung nhìn nhận trong quá trình thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội, tình trạng nợ đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội còn diễn ra khá phổ biến, nhiều doanh nghiệp cố tình nợ đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội và chiếm dụng tiền đóng bảo hiểm xã hội của người lao động gây ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động và gây ảnh hưởng đến nguồn thu quỹ bảo hiểm xã hội; tổ chức bảo hiểm xã hội đã tích cực tiến hành kiểm tra nhưng do không có chức năng thanh tra, xử lý vi phạm nên không đạt được hiệu quả như mong muốn, song, nhiều ý kiến không đồng tình với việc dự thảo Luật bổ sung quyền của tổ chức bảo hiểm xã hội trong việc thanh tra khi Thanh tra Lao động-Thương binh và Xã hội ủy quyền.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng cần xem lại tính chất của tổ chức Bảo hiểm xã hội là đơn vị sự nghiệp hay là cơ quan quản lý nhà nước bởi nếu là đơn vị sự nghiệp thì không thể có chức năng thanh tra.

Giải quyết được vấn đề mấu chốt này sẽ làm rõ được việc Bảo hiểm xã hội có quyền thực hiện chức năng thanh tra hay không. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ rõ Bảo hiểm xã hội cần thiết phải có công cụ thanh tra bởi cơ quan này được giao quản lý thu chi số tiền rất lớn.

Đây cũng là quan điểm của Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý khi cho rằng Bảo hiểm xã hội không phải là cơ quan quản lý Nhà nước, không hẳn là đơn vị sự nghiệp, trong hoạt động bảo hiểm xã hội có nhiều vấn đề mà không có thanh tra, kiểm tra sâu sẽ không khắc phục được những tồn tại.

Dự thảo Luật đã tính đến việc không giao hẳn chức năng thanh tra chuyên ngành cho Bảo hiểm xã hội nhưng cơ quan này có quyền thanh tra chuyên ngành khi có sự ủy quyền của Thanh tra Lao động-Thương binh và Xã hội - cơ quan quản lý Nhà nước về vấn đề này.

Nêu lên thực trạng trong khi một số nơi nợ tiền thuế bị truy thu một cách ráo riết, cơ quan chức năng tìm mọi cơ chế để xử phạt thì các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế đang sử dụng lao động không tính đúng, tính đủ bảo hiểm xã hội cho người lao động, trốn đóng hoặc nợ đọng bảo hiểm một cách thoải mái, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Phùng Quốc Hiển đề nghị phải trao cho Bảo hiểm Xã hội một công cụ để thanh tra, kiểm tra, không cần biết là đơn vị sự nghiệp hay cơ quan quản lý nhà nước hay là một định chế tài chính.

Tiếp nối những băn khoăn của các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phân tích rằng xác định bảo hiểm xã hội là cơ quan hành chính sự nghiệp, thanh tra là công cụ để quản lý nhà nước, vậy nói nhiệm vụ quản lý nhà nước của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội lại ủy quyền cho bảo hiểm xã hội liệu có đúng? Cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu xảy ra khiếu nại?

Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu đề xuất Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội vẫn là cơ quan chịu trách nhiệm chính, có thể thành lập một phòng nằm trong bộ phận Thanh tra của Bộ, chuyên về thanh tra bảo hiểm xã hội, như vậy vừa đúng với Luật thanh tra, vừa đúng với Luật xử lý vi phạm hành chính.

Trong khi Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền lý giải vẫn coi Bảo hiểm xã hội là đơn vị sự nghiệp nên chỉ ủy quyền để thanh tra chứ không được trực tiếp thanh tra thì Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam Nguyễn Thị Minh lại khẳng định cơ quan này là tổ chức đan xen cả sự nghiệp và quản lý Nhà nước, không phải đơn vị sự nghiệp đơn thuần mà thực hiện cả các dịch vụ công đặc biệt, thực hiện chức năng quản lý nhà nước, quản lý quỹ tài chính, đầu tư tăng trưởng quỹ.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng Bảo hiểm xã hội có làm một số nhiệm vụ thu và chi nhưng không phải là đơn vị sự nghiệp chỉ thu chi để tự nuôi sống bộ máy, nó là đơn vị tay dài của cơ quan quản lý nhà nước để thực hiện chính sách, do vậy cần có tổng kết đánh giá về hoạt động và tính chất của tổ chức Bảo hiểm Xã hội để có những tính toán phù hợp cho chức năng thanh tra chuyên ngành.


Băn khoăn bảo toàn Quỹ bảo hiểm xã hội

Khi vấn đề trao quyền thanh tra để giải quyết những tồn tại liên quan đến cơ chế chính sách vẫn chưa được làm rõ thì việc bảo toàn Quỹ lại tiếp tục gây nhiều băn khoăn trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách cảnh báo cần tính tới khả năng thu chi trong tương lai khi mà dự báo độ tuổi dân số vàng chỉ còn một giai đoạn ngắn, chúng ta sắp bước vào giai đoạn đất nước chưa giàu mà dân số đã già, rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Việc đảm bảo an toàn Quỹ bảo hiểm xã hội có ý nghĩa cả về mặt kinh tế, xã hội và chính trị.

Theo dự báo, nếu không điều chỉnh chính sách, Quỹ hưu trí và tử tuất có số thu bằng số chi vào năm 2021, từ năm 2022 trở đi để đảm bảo chi chế độ hưu trí, tử tuất, ngoài số thu trong năm phải trích thêm từ số dư của tồn tích Quỹ và đến năm 2034 thì số thu bảo hiểm xã hội trong năm và số dư tồn tích Quỹ không đảm bảo khả năng chi trả.

Để ngăn ngừa khả năng mất cân đối quỹ hưu trí và tử tuất, nhiều ý kiến đồng tình với việc phải điều chỉnh chính sách bảo hiểm hưu trí thông qua việc nâng thời gian đóng bảo hiểm xã hội, nâng tuổi nghỉ hưu của người lao động lên cao hơn so với quy định hiện hành.

Tuổi nghỉ hưu của Việt Nam hiện đang thấp so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Tuổi nghỉ hưu thấp dẫn tới thời gian đóng bảo hiểm xã hội ngắn nhưng thời gian hưởng lương hưu dài do tuổi thọ trung bình của người dân tăng lên.

Cũng có ý kiến cho rằng nếu tổ chức thi hành pháp luật tốt, số đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc có thể tăng thêm khoảng 4-5 triệu người; số nợ bảo hiểm xã hội sẽ giảm và thu hồi nợ có hiệu quả; việc thu bảo hiểm xã hội bắt buộc trên cơ sở mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội mới theo quy định của Bộ luật lao động, số lượng tham gia bảo hiểm tự nguyện tăng... thì thời điểm xảy ra khả năng mất cân bằng Quỹ hưu trí sẽ kéo dài chứ không phải là vào năm 2034 như dự báo.

Ông Phùng Quốc Hiển cho rằng nên đưa ra một phương án tính lương đóng bảo hiểm chỉ nên ở mức bằng lương và phụ cấp lương, còn những khoản phụ cấp thêm rất khó xác định vì các khoản thu nhập khác nhau, có những khoản thu nhập không tính được, không khả thi.

Nếu tính đầu vào là số tiền đóng góp thì phải tính đầu ra được hưởng thế nào, trả lương hưu sao cho hợp lý, tránh tình trạng chênh lệch lớn, lớp người có đóng góp nhiều cho đất nước về hưu từ trước năm 1993 có mức lương hưu thấp, càng nghỉ hưu muộn, lương hưu càng cao, lương cán bộ cao cấp không bằng lương hưu của cán bộ lực lượng vũ trang - ông Phùng Quốc Hiển đề xuất.

Ông cũng không thống nhất với việc dự thảo Luật quy định mức chi phí quản lý bảo hiểm xã hội dựa trên tổng số thu, tối đa không quá 3%. Ông cho biết tư duy về mặt ngân sách rất dị ứng với tỷ lệ “cứng” như vậy. Việc quy định tỷ lệ phần trăm cần tùy thuộc vào từng giai đoạn, từng thời kỳ.

Cũng liên quan đến nội dung bảo toàn và cân đối quỹ bảo hiểm xã hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phản đối việc tăng trưởng quỹ bằng cách cho đi vay đầu tư bởi cách làm này rất mất an toàn. Chủ tịch chỉ rõ đây là tiền của người về hưu, phải đầu tư vào nơi không thể xảy ra rủi ro, nhà nước đảm bảo được, bảo toàn tuyệt đối, tốt nhất là mua trái phiếu Chính phủ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục