Quốc hội Brazil phê chuẩn ngân sách trả nợ cho Liên hợp quốc

Quốc hội Brazil chính thức phê chuẩn khoản ngân sách bất thường trị giá 600 triệu USD nhằm hỗ trợ chính phủ của Tổng thống Jair Bolsonaro thanh toán nợ với Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế khác.
Quốc hội Brazil phê chuẩn ngân sách trả nợ cho Liên hợp quốc ảnh 1(Nguồn: Reuters)

Theo phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ, ngày 17/12, Quốc hội Brazil đã chính thức phê chuẩn khoản ngân sách bất thường trị giá 3,3 tỷ real (khoảng 600 triệu USD) nhằm hỗ trợ chính phủ của Tổng thống Jair Bolsonaro thanh toán nợ với Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế khác.

Theo các nguồn tin chính thức, Brazil hiện còn nợ Liên hợp quốc khoảng 390 triệu USD.

Quốc gia Nam Mỹ này phải thanh toán ít nhất 113,5 triệu USD trước ngày 31/12 tới để có thể duy trì quyền bỏ phiếu tại tổ chức đa phương lớn nhất thế giới này.

[Brazil chính thức thoát khỏi suy thoái kinh tế do đại dịch COVID-19]

Ngoài Liên hợp quốc, khoản tín dụng bổ sung được Quốc hội Brazil phê chuẩn cũng sẽ cho phép nước này kịp thời chi trả các đóng góp bắt buộc với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) và các tổ chức quốc tế khác.

Theo quy định của Liên hợp quốc, quốc gia có tổng số nợ tương đương hoặc lớn hơn tổng số tiền đóng góp trong 2 năm vừa qua có thể mất quyền bỏ phiếu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc, trừ khi quốc gia đó yêu cầu ngoại lệ và chỉ ra được nguyên nhân khách quan khiến họ không thể trả nợ.

Liên hợp quốc hiện đang gặp khó khăn về tài chính do một số quốc gia, bao gồm cả Mỹ, chậm thanh toán nợ.

Nguyên nhân một phần là do cuộc khủng hoảng do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 gây áp lực đối với ngân sách của các nước thành viên Liên hợp quốc.

Hiện tại, do các khoản nợ tích lũy trong hơn 2 năm, các nước như Somalia, Quần đảo Comoros và quốc đảo São Tomé và Príncipe đã bị đình chỉ quyền bỏ phiếu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.