Sáng nay, 27/11, các đại biểu Quốc hội đã bỏ phiếu thông qua dự thảo Luật Căn cước. Với 431 đại biểu tán thành trên tổng số 468 đại biểu tham gia biểu quyết, chiếm tỷ lệ 87,25%, Luật Căn cước đã chính thức được thông qua.
Trước đó, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo tóm tắt giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Căn cước.
Tại Phiên họp ngày 15/11/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật Căn cước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã có ý kiến thống nhất cao với toàn bộ dự thảo Luật đã được chỉnh lý, hoàn thiện và kết luận dự thảo Luật Căn cước đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, biểu quyết thông qua vào ngày 27/11/2023.
Theo đó, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã chỉnh lý, bổ sung quy định về quyền và nghĩa vụ của công dân và người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch về căn cước, Cơ sở Dữ liệu Quốc gia về Dân cư và Cơ sở Dữ liệu Căn cước cho đầy đủ, chặt chẽ.
Nhiều lợi ích cho người dân khi Luật Căn cước được thông qua
UBTVQH đã có ý kiến thống nhất cao với toàn bộ dự thảo Luật đã được chỉnh lý, hoàn thiện và kết luận dự thảo Luật Căn cước đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, biểu quyết thông qua vào ngày 27/11.
Dự thảo Luật đã bổ sung quy định theo hướng mở rộng, tích hợp nhiều thông tin khác của công dân và người gốc Việt Nam trong Cơ sở Dữ liệu Quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành vào Cơ sở Dữ liệu Quốc gia về dân cư nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và đem lại nhiều tiện ích, lợi ích cho người dân trong việc khai thác, sử dụng để phục vụ việc thực hiện các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự, kinh tế, thương mại và các hoạt động khác theo nhu cầu của mình.
Bên cạnh đó, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã bổ sung 2 nhóm thông tin được thu thập, cập nhật vào Cơ sở Dữ liệu Quốc gia về dân cư gồm tên gọi khác và nơi sinh cho đầy đủ, bảo đảm lợi ích của người dân.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung theo hướng lược bỏ vân tay; sửa đổi quy định về thông tin số thẻ căn cước, quê quán, nơi thường trú, chữ ký của người cấp thẻ thành số định danh cá nhân, nơi đăng ký khai sinh, nơi cư trú... Việc thay đổi, cải tiến như trên để tạo thuận lợi hơn cho người dân trong quá trình sử dụng thẻ căn cước, hạn chế việc phải cấp đổi thẻ căn cước và bảo đảm tính riêng tư của người dân; các thông tin căn cước của người dân cơ bản sẽ được lưu trữ, khai thác, sử dụng thông qua chíp điện tử trên thẻ căn cước…/.