Chiều 23/5, Quốc hội làm việc tại hội trường nghe Tờ trình dự án Luật quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh và thảo luận về Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Theo Tờ trình của Chính phủ, ở thời điểm hiện nay, pháp luật về quản lý Nhà nước nói chung, và quản lý hoạt động tài chính doanh nghiệp Nhà nước nói riêng đang gồm nhiều Nghị định, Quyết định và chưa có một cơ sở Luật để điều chỉnh.
Các quy định pháp luật hiện hành mặc dù đã trao quyền cho doanh nghiệp chủ động tìm kiếm cơ hội kinh doanh, mở rộng quy mô sản xuất, tìm kiếm thị trường; song, các quy định pháp lý điều chỉnh các nhóm nội dung liên quan đến doanh nghiệp Nhà nước chưa được luật hóa kể từ thời điểm Luật doanh nghiệp Nhà nước năm 2003 hết hiệu lực.
Do đó, việc nghiên cứu, ban hành Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh nhằm khắc phục các hạn chế, tồn tại phát sinh trong thực tiễn đầu tư, quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp trong thời gian qua.
Việc ban hành luật cũng nhằm đáp ứng các yêu cầu quản lý của nhà nước đối với doanh nghiệp Nhà nước trong việc định hướng, tổ chức lại, nâng cao và phân định rõ vai trò quản lý nhà nước.
Tờ trình của Chính phủ đề xuất thay đổi tên của dự án luật thành “Luật Đầu tư và quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp” nhằm bảo đảm tập trung điều chỉnh việc đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp, quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (bao gồm cả việc doanh nghiệp sử dụng vốn, tài sản của doanh nghiệp để đầu tư ra ngoài doanh nghiệp), quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp khác, cơ cấu lại vốn nhà nước tại doanh nghiệp và giám sát các hoạt động này.
Trong nội dung thứ 2, chiều nay Quốc hội nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Đây là dự án Luật đã được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 vừa qua và đã được đưa ra bàn thảo nhiều lần tại các Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sau đó.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan soạn thảo đã bổ sung từ “quá cảnh” vào tên gọi và phạm vi điều chỉnh của Luật; cụm từ “quyền và nghĩa vụ của người nước ngoài” vào phạm vi điều chỉnh.
Thảo luận tại buổi làm việc, một số ý kiến bày tỏ quan tâm đến quy định tạm trú tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu, đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt và khu vực biên giới.
Các đại biểu cho rằng, khu vực biên giới là địa bàn có tính đặc thù, cần quy định rõ hơn việc khai báo tạm trú, trách nghiệm của cơ quan quản lý, chính quyền địa phương ở khu vực này.
Về giá trị, ký hiệu và thời hạn của thị thực, một số ý kiến đại biểu đề nghị nên chỉnh lý tên điều cho phù hợp với nội dung và nghiên cứu quy định cụ thể, chặt chẽ hơn về giá trị của thị thực để tránh việc người nước ngoài thay đổi mục đích sau khi đã nhập cảnh Việt Nam. Ý kiến khác đề nghị quy định ký hiệu thị thực theo nhóm cho gọn, chặt chẽ và khoa học.
Một số ý kiến đề nghị quy định cụ thể hơn về quyền của người nước ngoài; bổ sung quy định quyền, nghĩa vụ của người không quốc tịch nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú tại Việt Nam.
Có ý kiến đề nghị bổ sung điều kiện phải có giấy phép lao động đối với trường hợp người đang học tập tại các trường hoặc cơ sở giáo dục theo điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế được kết hợp lao động.
Sáng mai, 24/5, Quốc hội bàn về dự án Luật nhà ở (sửa đổi) và dự thảo Luật xây dựng (sửa đổi). Buổi chiều, Quốc hội họp về dự án Luật kinh doanh bất động sản (sửa đổi) và dự thảo Luật đầu tư công./.