Ủy ban Ngân sách Quốc hội Đức ngày 24/6 đã phê duyệt giai đoạn tiếp theo của dự án chế tạo máy bay chiến đấu chung giữa Đức, Pháp và Tây Ban Nha, qua đó gạt bỏ những hoài nghi về dự án bị đình trệ lâu nay này.
Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, với động thái trên, dự án có tên gọi Hệ thống Không chiến tương lai (FCAS) sẽ được chuyển sang giai đoạn nghiên cứu và phát triển từ năm 2021 đến năm 2027. Các bước tiếp theo của dự án sẽ có kinh phí khoảng gần 4,5 tỷ euro (5,3 tỷ USD).
Đức và Pháp đã công bố kế hoạch chế tạo máy bay chiến đấu chung vào năm 2017, sau đó Tây Ban Nha tham gia kế hoạch này. Các máy bay chiến đấu thế hệ mới dự kiến được sử dụng thay thế các máy bay Rafale của Pháp và máy bay chiến đấu Eurofighter của Tây Ban Nha-Đức vào năm 2040.
[AL tìm kiếm sự ủng hộ lớn hơn của EU trong vấn đề Palestine]
Trong giai đoạn 2, tập đoàn hàng không Dassault của Pháp và hãng chế tạo máy bay Airbus của châu Âu sẽ phát triển một bản thử nghiệm nhằm kiểm tra độ tin cậy công nghệ tân tiến của máy bay này.
Trước đó đã có những thông tin đề cập khả năng dự án bị đình lại. Theo tạp chí Spiegel, Cục Mua sắm vũ khí của quân đội Đức đã đề nghị Bộ Quốc phòng nước này đàm phán lại hợp đồng do những yếu tố kỹ thuật và kinh tế, cho rằng bản hợp đồng hiện tại chỉ có lợi cho Pháp trong khi gây thiệt hại cho ngành công nghiệp Đức.
Tháng 5 vừa qua, Pháp, Đức và Tây Ban Nha thông báo đã đạt được thỏa thuận về giai đoạn tiếp theo của dự án sau nhiều tháng đàm phán về phương thức chia sẻ công việc và quyền sở hữu trí tuệ.
Ngoài máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo, chương trình FCAS bao gồm cả máy bay không người lái và một mạng truyền thông siêu nhanh có mật danh "đám mây chiến đấu" sử dụng trí tuệ nhân tạo. Tổng kinh phí của chương trình dự kiến lên tới gần 100 tỷ euro./.