Sáng 4/6, Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Hội trường.
Phiên họp được tường thuật trực tiếp trên sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam để đồng bào, cử tri cả nước theo dõi, giám sát.
Phát biểu khai mạc phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ thời gian qua, hoạt động giám sát nói chung, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn nói riêng của Quốc hội đã có nhiều đổi mới, tác động tích cực đến nhiều mặt hoạt động, công tác điều hành của Chính phủ, của các bộ, ngành, địa phương; góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, khắc phục những hạn chế, bất cập, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, được cử tri, nhân dân cả nước quan tâm, đánh giá cao.
Tại kỳ họp này, Quốc hội quyết định lựa chọn 4 nhóm vấn đề chất vấn.
Thứ nhất về giải pháp hoàn thiện kết cấu hạ tầng, bảo đảm trật tự an toàn giao thông và việc xử lý những vấn đề tồn tại đối với các dự án giao thông đầu tư theo hình thức xây dựng-kinh doanh-chuyển giao (BOT).
[Kỳ họp thứ 5: Chất vấn thành viên Chính phủ 4 nhóm vấn đề]
Thứ hai về công tác quản lý đất đai, tình trạng ô nhiễm môi trường và kiểm soát hoạt động xả thải của các doanh nghiệp; các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu.
Thứ ba về chất lượng giáo dục đại học, giáo dục phổ thông; công tác quản lý giáo dục mầm non; giải pháp khắc phục tình trạng xuống cấp về đạo đức, lối sống cho giáo viên và học sinh.
Thứ tư về vấn đề lao động và giải quyết việc làm; chất lượng dạy nghề; công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em. Đây là những vấn đề lớn của đất nước, được nhân dân và cử tri quan tâm.
Gắn với 4 nhóm vấn đề chất vấn, các bộ trưởng gồm: Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Các Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách các lĩnh vực nêu trên và các bộ trưởng, trưởng ngành có liên quan trong các phiên chất vấn khi cần thiết sẽ cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình, làm rõ thêm những nội dung mà đại biểu Quốc hội quan tâm đến từng nhóm vấn đề chất vấn.
Để nâng cao hiệu quả, tăng tính đối thoại trong hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn và nhất là trách nhiệm của người trả lời chất vấn trước nhân dân, Quốc hội tiếp tục có những đổi mới về cách thức chất vấn. Mỗi lượt chất vấn sẽ mời 3 đại biểu đặt câu hỏi với thời lượng cho mỗi đại biểu là 1 phút, người trả lời chất vấn có tối đa 3 phút để trả lời cho mỗi câu hỏi của đại biểu Quốc hội.
Khi cần thiết, Chủ tịch Đoàn linh hoạt trong điều hành để những vấn đề cần làm rõ thì cho phép Bộ trưởng nói thêm.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu nêu câu hỏi chất vấn ngắn gọn, rõ ý, đi thẳng vào nội dung thuộc nhóm vấn đề mà Quốc hội đã lựa chọn, bảo đảm đúng thời gian quy định.
Các Bộ trưởng khi trả lời chất vấn đi thẳng vào vấn đề mà đại biểu Quốc hội chất vấn, thẳng thắn, xác định rõ trách nhiệm, hướng khắc phục, lộ trình thực hiện trong thời gian tới.
Chủ tịch Quốc hội cho biết sau phiên chất vấn, Quốc hội sẽ ban hành Nghị quyết để ghi nhận các giải pháp, những vấn đề đã hứa của các Bộ trưởng, thành viên Chính phủ, làm cơ sở để Chính phủ, các ngành triển khai thực hiện và các cơ quan của Quốc hội cũng như nhân dân giám sát việc thực hiện lời hứa.
Chủ tịch Quốc hội tin tưởng với kinh nghiệm của các Kỳ họp trước cùng với sự chuẩn bị chu đáo của các cơ quan hữu quan, sự tích cực chủ động của các đại biểu Quốc hội, phiên chất vấn tại Kỳ họp này sẽ đạt được kết quả như mong đợi.
Ngay sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV./.