Ngày hôm nay (27/11) kỳ họp thứ 10, khóa XIII đã kết thúc. Đây là kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIII, nên được đánh giá là rất quan trọng khi thông qua nhiều luật quan trọng liên quan đến đời sống kinh tế-xã hội của đất được. Bên hành lang Quốc hội, chúng tôi đã trao đổi với Đại biểu Trần Du Lịch, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Thành phố Hồ Chí Minh khi đánh giá về kỳ họp.
Kỳ họp đạt nhiều thành công
- Kỳ họp thứ 10 đã trải qua hơn một tháng làm việc với nhiều hoạt động rất quan trọng. Ông đánh giá thế nào về những kết quả mà kỳ họp đã đạt được?
Đại biểu Trần Du Lịch: Kỳ họp đã đạt được nhiều thành công, đặc biệt trong đó công tác lập pháp đã thảo luận với quy trình thông qua nhiều bộ luật rất quan trọng, như bộ Luật Dân sự, Bộ Luật tố tụng hình sự, Luật Hàng hải… và nhiều đạo luật liên quan đến quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp 2013.
Trong kỳ họp này cũng đã thực hiện cả nhiệm vụ cho nhiệm kỳ tới, ví dụ như bầu Hội đồng bầu cử Quốc gia theo Hiến pháp, bầu chức danh Tổng thư ký Quốc hội… cũng lần đầu tiên được chế định trong hệ thống tổ chức luật pháp quốc gia.
Các chương trình đặt ra cho kỳ họp này rất nặng trên hầu hết các lĩnh vực như lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước như phân bổ ngân sách, kinh tế xã hội, đánh giá 5 năm qua và kế hoạch 5 năm tới. Cuối cùng là thực hiện vai trò giám sát tối cao thông qua hoạt động chất vấn với tất cả các thành viên Chính phủ không giới hạn thời gian, cho cả nhiệm kỳ.
Trên tất cả nhiệm vụ như vậy, tôi thấy chương trình họp được tổ chức tương đối khoa học, dành thời gian thỏa đáng để nâng cao chất lượng thảo luận về tất cả các vấn đề trên.
- Vậy theo ông những hạn chế nào còn tồn tại trong kỳ họp vừa rồi?
Đại biểu Trần Du Lịch: Những hạn chế, không phải có từ kỳ họp này mà hạn chế bộc lộ là do những đặc điểm của Quốc hội ta, khác với đặc điểm của Nghị viện ở các nước khác, đó là tỷ lệ đại biểu chuyên trách ít, mà chủ yếu là đại biểu kiêm nhiệm. Do đó, vẫn còn lúng túng giữa trách nhiệm tham gia các kỳ họp của các đại biểu chuyên trách và các đại biểu kiêm nhiệm chưa rõ ràng.
Ngoài ra, cũng do tính chất cơ cấu, nên ngay cả tham luận và phát biểu phần nào vẫn còn mang tính cơ cấu địa phương, lĩnh vực… Song qua đánh giá nội quy kỳ họp cũng đã bàn điểm này rồi, làm sao tăng tính tranh luận và thảo luận trong các phiên thảo luận ở hội trường ở từng vấn đề, làm rõ hơn cái gì là tối ưu, để khi Quốc hội ấn nút thông qua thì tính đúng đắn cao hơn, nhiều hơn.
Tôi đặc biệt chú trọng đến chất lượng làm luật, làm sao để tuổi thọ của Luật không quá ngắn, khi theo đánh giá hiện nay tuổi thọ của Luật ngắn quá. Có nhiều đạo luật ban hành và mới thực thi đã bất cập và cần phải sửa. Do đó, tôi mong rằng với tinh thần đổi mới, sẽ khắc phục dần hạn chế đó.
Nhiều nỗ lực đổi mới ở Chính phủ
- Ông đánh giá thế nào về sự điều hành của Chính phủ trong thời gian vừa qua đối với sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước?
Đại biểu Trần Du Lịch: Về công tác điều hành, thực hiện nhiệm vụ của Chính phủ trong nhiệm kỳ này, đặc biệt là thực hiện kế hoạch 5 năm 2011-2015, tôi cho rằng Chính phủ đã thể hiện sự năng động và tích cực, nhất là các biện pháp ứng phó với tình hình bất ổn vĩ mô từ đầu nhiệm kỳ.
Hai là có nhiều nỗ lực trong đổi mới, cải cách thể chế kinh tế, những đạo luật mà Quốc hội thông qua liên quan đến các thể chế kinh tế như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, đều xuất phát từ một tư duy đổi mới mạnh mẽ từ phía Chính phủ, tôi rất ghi nhận.
Những lĩnh vực ưu tiên cần tập trung, như tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu ngân hàng, nỗ lực trong tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, các tập đoàn, Tổng công ty, tuy còn nhiều việc phải làm, nhưng tôi đánh giá những kết quả đã đạt được. Những kết quả này đã đặt chúng ta trong một tình huống tương đối thuận lợi, ổn định để tiến tới thực hiện những bài toán lâu dài hơn trong tương lai, vì khi nền kinh tế bất ổn thì không thể nào tính toán chuyện lâu dài.
Ngoài ra, tôi đánh giá cao những chương trình tuy còn dang dở nhưng Chính phủ đã thực hiện tương đối các chương trình mục tiêu quốc gia để chúng ta đạt sớm các mục tiêu thiên niên kỷ, được thế giới đánh giá cao trong công tác an sinh xã hội và trên nhiều lĩnh vực khác.
Đặc biệt trong nhiệm kỳ này, nỗ lực của Chính phủ trong việc tham gia các hiệp định song phương và đa phương thế hệ mới, những thành công trong đàm phán và gia nhập TPP, đó là những điều thấy rõ nét trong điều hành của Chính phủ trong nhiệm kỳ này.
Cần nhiều Đại biểu có tâm và tầm
- Vậy ông có kỳ vọng gì đến các đại biểu Quốc hội của nhiệm kỳ tới?
Đại biểu Trần Du Lịch: Tôi kỳ vọng các đại biểu nhiệm kỳ sau sẽ tiếp nhận những thuận lợi trong tình hình hiện nay để có thể có những chính sách mạnh mẽ hơn. Để Việt Nam và đặc biệt là kinh tế Việt Nam phát triển được thì phải có những chính sách đột phá, làm sao để chúng ta huy động được những nguồn lực xã hội cho mục tiêu này và thúc đẩy mạnh mẽ hơn quá trình tái cơ cấu nền kinh tế.
Trong nhiệm kỳ vừa qua ta mới làm được ba lĩnh vực ưu tiên, còn tổng thể nền kinh tế thì chưa làm được nhiều. Ví dụ trong lĩnh vực nông nghiệp, nội địa hóa các sản phẩm và đặc biệt là đối sách giúp doanh nghiệp trong nước thành công trong hội nhập thì những vấn đề này chúng tôi kỳ vọng vào nhiệm kỳ sau sẽ làm tốt hơn.
Tôi cho rằng nhiệm kỳ sau thuận lợi hơn, đó là đã có những hệ thống pháp luật được đổi mới, khung pháp lý tốt hơn so với nhiệm kỳ vừa rồi.
- Vai trò của đại biểu trong các phiên thảo luận, theo ông có là vấn đề cần phải thay đổi trong nhiệm kỳ tới hay không?
Đại biểu Trần Du Lịch: Trước hết, tôi tin rằng muốn chất lượng thảo luận tốt hơn thì tôi kỳ vọng nhiệm kỳ tới chất lượng đại biểu Quốc hội phải cao hơn, đây là yếu tố quyết định. Trong nhiệm kỳ tới cơ cấu đại biểu quốc hội cần chú trọng chất lượng hơn là cơ cấu thành phần tham gia.
Chính cái tâm và cái tầm của đại biểu quyết định chất lượng hội đồng Quốc hội. Trong cuộc bầu cử sắp tới, hy vọng có đội ngũ những người tham gia nghị trường với cái tâm, năng lực cao hơn nhiệm kỳ này thì chúng ta sẽ đạt thành công.
Xin cảm ơn Đại biểu!