Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV (2016-2021) không chỉ thành công toàn diện trên các lĩnh vực từ lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước đến ngoại giao nghị viện mà còn để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng các đại biểu và cử tri cả nước về sự không ngừng đổi mới, thích ứng linh hoạt, phù hợp xu thế để nâng cao chất lượng hoạt động, hướng tới một Quốc hội chuyên nghiệp.
Đúng như yêu cầu của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân ngay tại kỳ họp đầu tiên của nhiệm kỳ này (tháng 7/2016) đã nêu rõ: “Trong bối cảnh đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới, với tinh thần đoàn kết, sáng tạo và hành động, Quốc hội khóa XIV cần tiếp tục cải tiến, đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động để hoàn thành tốt những nhiệm vụ của cơ quan quyền lực Nhà nước.”
Bài 1: Những “điểm sáng” nghị trường nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV
Dấu ấn của sự đổi mới được thể hiện ở việc chuyển mình mạnh mẽ từ Quốc hội tham luận sang Quốc hội thảo luận, tranh luận bắt đầu từ Kỳ họp thứ 5 với nhiều cải tiến, đổi mới, nhằm tăng tính đối thoại trong hoạt động nghị trường. Sự chuyển biến này được các đại biểu, cử tri cả nước và dư luận xã hội đánh giá cao, trở thành điểm nhấn rõ nét và là một trong những nhân tố tạo nên nhiệm kỳ thành công của Quốc hội khóa XIV.
Đột phá trong hoạt động chất vấn
Suốt nhiệm kỳ khóa XIV, phương thức “hỏi nhanh-đáp gọn” lần đầu được áp dụng ở kỳ họp thứ 10 nhưng đã phát huy hiệu quả ngay. Mỗi đại biểu có một phút nêu câu hỏi chất vấn, sau ba câu hỏi, người được chất vấn phải trả lời ngay với thời gian mỗi lần trả lời không quá ba phút. Phương thức mới như vậy đòi hỏi không chỉ các đại biểu phải chuẩn bị kỹ các vấn đề được dư luận quan tâm mà các bộ trưởng, tư lệnh ngành phải nghiên cứu và nắm vấn đề thực sự sâu sắc để có thể trả lời ngắn gọn, súc tích, vào thẳng nội dung cần trả lời, tránh tình trạng nói “tràng giang đại hải.”
[Cử tri là lớp sàng lọc tốt nhất lời hứa của các ứng cử viên]
Thậm chí, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại phiên giải trình và trả lời chất vấn diễn ra sáng ngày 10/11/2020, cũng bị Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân “bấm chuông” giới hạn thời gian…
Có thể nói, nguyên tắc và phương châm “hỏi nhanh-đáp gọn” rất khoa học của cuộc “cách mạng” này đã giúp không khí phiên chất vấn trở nên sôi động, thể hiện tính dân chủ trong hoạt động cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân. Đặc biệt, qua phiên chất vấn, cử tri có thể giám sát hoạt động của các đại biểu Quốc hội ngay tại nghị trường, giám sát việc thực thi trách nhiệm của các bộ trưởng cũng như các tư lệnh ngành của Chính phủ.
Nhiều năm theo dõi sát sao hoạt động Quốc hội, cử tri Phạm Ngọc Mai (phố Vạn Bảo, quận Ba Đình, Hà Nội) đánh giá: “Hình thức chất vấn mới đã đặt cả đại biểu và các bộ trưởng, tư lệnh ngành vào khuôn khổ, chấm dứt tình trạng hỏi và trả lời lê thê. Phần chất vấn của các đại biểu Quốc hội cũng ngắn gọn, rõ ràng và đi thẳng vào vấn đề mà cử tri quan tâm. Tôi cho rằng đây thực sự là ‘làn gió mới’ trong hoạt động nghị trường Việt Nam.”
Có thể thấy, tiếp nối thành công và hiệu quả của đổi mới phương thức tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn từ Kỳ họp thứ 5, các kỳ họp sau của Quốc hội khóa XIV đều phát huy thế mạnh “hỏi nhanh-đáp gọn,” chuyển từ Quốc hội tham luận sang Quốc hội thảo luận, tranh luận.
Tâm đắc đối với những đổi mới nêu trên, tại phiên họp báo đầu Kỳ họp thứ 11 vừa qua, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nhận xét nhiều đại biểu không những được tham gia chất vấn mà còn có thể tranh luận với các thành viên Chính phủ đồng thời tranh luận với chính các đại biểu để đi đến cùng vấn đề.
Trong kỳ họp này, phạm vi chất vấn rộng khắp các lĩnh vực, có thể “động chạm” đến các ngành, Chính phủ và đều là những vấn đề mà các đại biểu và cử tri quan tâm. Đặc biệt, những vấn đề đã được chất vấn, giám sát cơ bản đi đến cùng, được cử tri và nhân dân ủng hộ.
Kết thúc nhiệm kỳ XIV, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (Thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ: “Theo nhận định và đánh giá của cá nhân tôi, đây là nhiệm kỳ thành công. Thành công bởi chúng ta đưa ra những nội dung quan trọng để các đại biểu có thể thảo luận và quyết định. Thành công bởi đại biểu đã rất thẳng thắn, chân thành và trách nhiệm trong từng phát biểu của mình. Thành công còn bởi lẽ những vấn đề lớn, những vấn đề khó được đại biểu tranh luận để cùng làm sáng rõ những chân lý, tìm ra lẽ phải và từ đó đưa ra những quyết định phù hợp với lòng dân.”
Thiếu tướng Đặng Ngọc Nghĩa thì cho rằng các đại biểu đều tham gia rất nhiều ý kiến chất lượng, nhiều đại biểu phát biểu với tinh thần thẳng thắn, đóng góp cao; kể cả 3 chức năng của Quốc hội về ban hành luật, các vấn đề quan trọng của đất nước, về giám sát, các hoạt động bên lề nghị trường đều được thông tin kịp thời.
Dấu ấn ngoại giao đậm nét
Trong nhiệm kỳ Quốc hội XIV, Việt Nam đã đăng cai tổ chức thành công Hội nghị thường niên lần thứ 26 của Diễn đàn nghị viện châu Á-Thái Bình Dương (APPF-26), Năm Chủ tịch AIPA 2020 và Đại hội đồng lần thứ 41 của Hội đồng liên Nghị viện các quốc gia ASEAN (AIPA 41).
Các sự kiện đối ngoại này chính là điểm nhấn, thể hiện vai trò, bản lĩnh của Quốc hội Việt Nam; là một trong những mốc son mà nhiệm kỳ XIV để lại trong chặng đường 75 năm vẻ vang của Quốc hội nước nhà.
Với chủ đề “Quan hệ đối tác nghị viện vì hòa bình, sáng tạo và phát triển bền vững,” Hội nghị thường niên lần thứ 26 Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương (APPF-26), diễn ra từ ngày 18-21/1/2018, tại Hà Nội đã thông qua 14 Nghị quyết, sửa đổi Quy chế Hội nghị Nữ nghị sỹ APPF, Thông cáo chung và Tuyên bố Hà Nội, nhận được sự đồng thuận cao của các đại biểu.
Cựu Chủ tịch Liên minh Nghị viện thế giới (IPU), ông Saber Chowdhury, đánh giá Quốc hội Việt Nam thể hiện được vai trò đại diện và giám sát rất hiệu quả trong thời gian qua nên dải đất chữ S chính là địa điểm hoàn hảo để các nghị viện thành viên thảo luận chủ đề “Thúc đẩy ngoại giao nghị viện vì hòa bình, an ninh và thịnh vượng trong khu vực và trên thế giới.”
Sau 4 ngày, Hội nghị APPF-26 đã thành công tốt đẹp, đánh dấu giai đoạn phát triển mới trong quan hệ đối tác nghị viện châu Á-Thái Bình Dương, vì một châu Á-Thái Bình Dương hòa bình, sáng tạo, phát triển bền vững và có khả năng thích ứng cao hơn đối với những thay đổi nhanh chóng của khu vực và thế giới; truyền tải thông điệp và hình ảnh về một Quốc hội Việt Nam năng động, tích cực đồng thời thể hiện sự tín nhiệm và đánh giá cao của các nghị viện thành viên APPF đối với Quốc hội và nhân dân Việt Nam.
Năm 2020, Quốc hội Việt Nam tiếp tục ghi dấu ấn đậm nét với quốc tế khi hoàn thành xuất sắc vai trò Chủ tịch AIPA 2020. Điều đặc biệt là Quốc hội Việt Nam đã tổ chức thành công Đại hội đồng lần thứ 41 của Hội đồng liên Nghị viện các quốc gia ASEAN (AIPA 41) trong bối cảnh chưa từng có: đại dịch COVID-19 bùng nổ khắp nơi trên thế giới.
Dịch bệnh toàn cầu khiến Đại hội đồng đầu tiên trong lịch sử AIPA buộc phải tổ chức theo hình thức trực tuyến, nhiều sáng kiến được đánh giá cao và để lại ấn tượng sâu đậm đối với các nghị viện thành viên, nghị viện quan sát viên AIPA và bạn bè quốc tế. Việc Đại hội đồng AIPA 41 được tổ chức thành công bất chấp đại dịch COVID-19 sau đó đã truyền cảm hứng cho các Nghị viện thành viên AIPA liên minh hành động chống lại COVID-19, khắc phục khó khăn do đại dịch gây ra.
Như vậy có thể nói, nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV đã ghi dấu ấn đậm nét với nhiều đột phá và điểm sáng trong hoạt động nghị trường trên các phương diện công tác lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao hoạt động của Nhà nước./.
Bài 2: Họp trực tuyến - Nền móng của Quốc hội điện tử thời đại 4.0