Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) vừa chính thức thông báo cho Quốc hội Mỹ 6 điều luật dự kiến cần sửa đổi nhằm triển khai Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Trong số đó, chỉ có duy nhất một điều luật sửa đổi là mới so với các quy định được đặt ra trong các thỏa thuận thương mại tự do (FTA) mà Mỹ đã tham gia trước đó, liên quan tới cách tính phí đối với người sử dụng dịch vụ hải quan, với việc chuyển từ cách tính trên nguyên tắc theo giá hàng sang hệ thống bốn tầng, với các mức phí từ 30-500 USD tùy thuộc vào giá trị hàng hóa.
Theo thông cáo của USTR, bốn điều luật cần thay đổi khác liên quan tới thủ tục đối với nhà nhập khẩu về chất lượng hàng hóa theo tiêu chuẩn TPP và đây cũng chính là những thay đổi mà Mỹ cần thực hiện theo Thỏa thuận Tự do Thương mại (FTA) Mỹ-Chile ký kết hồi tháng 6/2003 và nằm trong danh sách các luật cần thay đổi mà Tổng thống Mỹ khi đó là George W. Bush đã đề nghị Quốc hội Mỹ vào ngày 3/7/2003.
Điều luật cần thay đổi còn lại để phù hợp với TPP là Mục 308 Đạo luật Hiệp định Thương mại 1979 sửa đổi, theo đó sẽ cho phép Tổng thống thực thi các cam kết của Mỹ về mua sắm công của chính phủ giúp cho các công ty của các nước thành viên TPP có cơ hội được đối xử như các công ty của Mỹ khi tham gia cạnh tranh các hợp đồng chính phủ liên bang.
Như vậy, để thực hiện điều này, Tổng thống có thể phải từ bỏ đặc quyền dành cho các công ty Mỹ theo Đạo luật về Mua sắm của Mỹ (Buy American Act). Sửa đổi này cũng có trong danh sách các luật Mỹ cần sửa đổi để triển khai FTA đã ký với Australia hồi tháng 5/2004 và đã được ông Bush trình lên Quốc hội ngày 2/7/2004.
Với danh sách đưa ra, USTR đã đáp ứng được thời hạn trước ngày 3/4 phải đệ trình Quốc hội Mỹ bản mô tả các Luật cần thay đổi để thực thi TPP và đây là một trong các bước thủ tục mà USTR phải thực hiện theo Luật về Quyền Đàm phán nhanh (TPA) thông qua năm 2015.
Các bước còn lại cần hoàn tất để chuẩn bị cho việc bỏ phiếu phê chuẩn về TPP tại Quốc hội Mỹ bao gồm:
Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ (USITC) ra báo cáo đánh giá tác động tổng thể của TPP tới nền kinh tế Mỹ, dự kiến vào ngày 18/5/2016.
Trong vòng 30 ngày tiếp đó, Tổng thống đệ trình Quốc hội bản sao văn bản thỏa thuận cuối cùng của TPP cùng dự thảo Tuyên bố về hành động của Chính quyền (SAA) nhằm triển khai TPP và kế hoạch thực thi TPP; trình Ủy ban Ngân sách và Tài chính Hạ viện và Ủy ban Tài chính Thượng viện báo cáo đánh giá tác động của TPP tới lao động Mỹ, báo cáo về quyền của người lao động tại Mỹ và các đối tác FTA và báo cáo về đánh giá tác động tới môi trường.
Ủy ban Ngân sách và Tài chính Hạ viện và Ủy ban Tài chính Thượng viện xem xét dự luật triển khai TPP mà Chính quyền trình Quốc hội.
Tổng thống đệ trình dự thảo cuối cùng Luật triển khai TPP cùng bản chụp thỏa thuận cuối cùng, SAA và các “thông tin hỗ trợ” (bao gồm tài liệu giải thích cách thức luật được triển khai, đề xuất các hành động của chính phủ và tài liệu viện dẫn các lý do mà tổng thống cho rằng cần thực thi TPP) tới Thượng viện và Hạ viện trong một ngày mà cả Thượng viện và Hạ viện đều nhóm họp.
Quốc hội Mỹ sẽ xem xét việc thông qua TPP trong vòng 90 ngày.
Chính quyền Tổng thống Barack Obama tuyên bố hợp tác chặt chẽ với Quốc hội trong việc lựa chọn thời điểm phù hợp để xem xét TPP và các thông tin cho đến thời điểm này cho thấy nhiều khả năng Quốc hội Mỹ chỉ xem xét TPP sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới./.