Quốc hội nghe các báo cáo và tờ trình của Chính phủ

Chiều 20/10, các đại biểu nghe các Báo cáo về kết quả thực hiện dự toán ngân sách, về phương án sử dụng vốn còn dư của các dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh.
Quốc hội nghe các báo cáo và tờ trình của Chính phủ ảnh 1Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình trình bày tờ trình. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Tiếp tục chương trình làm việc, chiều 20/10, các đại biểu Quốc hội làm việc tại Hội trường, nghe các Báo cáo về kết quả thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2015; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2016; Đánh giá kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015, xây dựng và đề xuất chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020; Tờ trình về phương án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ còn dư của các dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên.


Bảo đảm cơ cấu vốn giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương

Báo cáo thẩm tra tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2015, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2016 của Ủy ban Tài chính- Ngân sách cơ bản nhất trí với đánh giá tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2015 của Chính phủ.

Mặc dù đạt được kết quả khả quan, song Ủy ban Tài chính-Ngân sách đánh giá nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn trong điều kiện tình hình kinh tế thế giới và khu vực chưa thực sự ổn định, môi trường đầu tư và kinh doanh trong nước chưa được cải thiện nhiều, giá dầu thô giảm mạnh, nhập siêu có xu hướng tăng, thị trường tài chính, thị trường bất động sản phục hồi chưa mạnh, tiến độ tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước chậm…

Những yếu tố này đã tác động không nhỏ đến kết quả thu ngân sách nhà nước năm 2015; cơ cấu thu đã có những thay đổi, thu nội địa ngày càng chiếm vị trí chủ yếu, thu từ dầu thô và thu từ hoạt động xuất nhập khẩu giảm, mức độ huy động vào ngân sách nhà nước từ GDP qua thuế, phí có xu thế giảm so với giai đoạn trước.

Ủy ban Tài chính-Ngân sách cơ bản nhất trí với Chính phủ về những nguyên tắc phân bổ ngân sách Trung ương năm 2016, nhưng nhấn mạnh một số nguyên tắc sau: Bảo đảm cơ cấu vốn giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, gắn với yêu cầu ngân sách Trung ương giữ vai trò chủ đạo, chi phối và điều tiết nền kinh tế; cơ cấu vốn hợp lý giữa các vùng, miền trong cả nước. Bảo đảm đúng các tiêu chí, định mức phân bổ ngân sách: Đối với chi thường xuyên, tiếp tục thực hiện theo Quyết định số 59/2010/QĐ-TTg ngày 30/9/2010; đối với chi đầu tư phát triển, thực hiện theo Nghị quyết số 1023/UBTVQH13 ngày 28/8/2015 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, đảm bảo triệt để tiết kiệm, sắp xếp theo trật tự ưu tiên, không tạo ra độ chênh lệch quá lớn giữa trung ương và địa phương, giữa các vùng miền.

Quan tâm đến các tỉnh nghèo, khó khăn có nguồn thu ngân sách thấp; các tỉnh bị thiệt hại nặng nề do thiên tai, hạn hán, bão lũ; đồng bào dân tộc thiểu số; chú trọng đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân.

Phân bổ vốn đầu tư phát triển có trọng tâm, trọng điểm; tập trung trả nợ xây dựng cơ bản, thu hồi vốn tạm ứng, còn lại bố trí cho các dự án công trình hoàn thành năm 2016, các dự án, công trình cấp bách, công trình chuyển tiếp có khối lượng thực hiện và giải ngân tốt; hạn chế tối đa khởi công các công trình mới không mang tính cấp bách.


Tổ chức lại Chương trình mục tiêu quốc gia theo hướng thu gọn đầu mối

Báo cáo thẩm tra về đánh giá kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015, xây dựng và đề xuất chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020, Ủy ban Tài chính-Ngân sách thống nhất với đánh giá của Chính phủ về kết quả đạt được của 16 Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015 và cho rằng, việc triển khai các Chương trình đã bám sát và đạt được nhiều chỉ tiêu kế hoạch đề ra, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.

Về định hướng Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020, Ủy ban Tài chính- Ngân sách cơ bản thống nhất với đề xuất của Chính phủ về danh mục Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020. Theo đó, tán thành việc tổ chức lại Chương trình mục tiêu quốc gia theo hướng thu gọn đầu mối, chỉ để lại 2 Chương trình là Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Ủy ban Tài chính-Ngân sách cho rằng, việc tiếp tục đầu tư cho 2 Chương trình này là cần thiết, phù hợp với Nghị quyết của Đảng và định hướng phát triển kinh tế-xã hội. Đồng thời, thống nhất với dự kiến về các mục tiêu cụ thể của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững thể hiện trong Báo cáo của Chính phủ.

Ưu tiên bố trí vốn để hoàn thành các dự án trên tuyến Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên

Tờ trình về phương án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ còn dư của các dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên nêu rõ về nguyên tắc sử dụng vốn dư​ là tập trung, ưu tiên bố trí vốn để hoàn thành các dự án trên tuyến Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên (trước đây dự kiến sử dụng nguồn vốn khác nhưng hiện đang gặp khó khăn, một số tuyến tránh, một số nút giao và mở rộng một số đoạn nhằm đồng bộ quy mô và đảm bảo an toàn giao thông).  Bố trí vốn cho một số công trình có tính kết nối với Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên nhằm đồng bộ, phát huy hiệu quả đầu tư của hai tuyến đường này.

Trường hợp vẫn còn vốn dư thì bố trí cho các dự án giao thông quan trọng khác thuộc danh mục dự án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ.

Thẩm tra nội dung này, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính-Ngân sách thống nhất với Chính phủ về các nguyên tắc sử dụng vốn dư.

Theo đó, các dự án dự kiến được phân bổ nguồn vốn dư này cần phải nằm trong danh mục các dự án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ được Quốc hội quyết định hoặc là các dự án trên tuyến Quốc lộ 1A cải tạo và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên; các dự án kết nối, góp phần phát huy hiệu quả đối với 2 tuyến đường này.

Đồng thời, đề nghị Chính phủ làm rõ tính cấp bách, cần thiết của từng dự án để trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Để phát huy hiệu quả nguồn vốn trái phiếu Chính phủ đầu tư cho các dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên, Chính phủ đề nghị Quốc hội: cho phép sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ còn dư của các dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 65/2013/QH13 ngày 28/11/2013 để đầu tư các dự án nêu trên với tổng số kinh phí không quá 14.259 tỷ đồng.

Giao Chính phủ quyết định sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ tiếp tục còn dư (nếu có) của các dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên để chủ động xử lý các vấn đề phát sinh nhằm phát huy cao nhất hiệu quả đầu tư hai tuyến đường này.

Giao Chính phủ thực hiện mức phát hành trái phiếu Chính phủ hàng năm theo tiến độ thực hiện các dự án, bảo đảm hiệu quả sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Về cơ chế thực hiện các dự án sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ còn dư của các dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên: Giao Chính phủ tiếp tục thực hiện theo cơ chế quản lý và thực hiện đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận tại văn bản số 979/TTg-KTN ngày 05/7/2013. Đồng thời cho phép tiến hành thẩm định, phê duyệt và triển khai ngay các dự án bổ sung sau khi được Quốc hội thông qua để đảm bảo tiến độ hoàn thành đưa toàn bộ Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh vào khai thác đồng bộ, hiệu quả.

Thời gian còn lại của phiên làm việc chiều nay, các đại biểu Quốc hội đã nghe báo cáo về việc cho phép đa dạng hóa kỳ hạn phát hành trái phiếu Chính phủ, việc phát hành trái phiếu Chính phủ ra thị trường vốn quốc tế.

Sáng mai 21.10, theo Chương trình, các đại biểu Quốc hội làm việc tại Hội trường nghe Tờ trình về dự án Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi) và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật kế toán (sửa đổi)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục