Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII, sáng 27/5, các đại biểu làm việc tại Hội trường nghe Tờ trình và báo cáo thẩm tra dự án Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự; thảo luận về dự kiến điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, năm 2015 và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016; Điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.
Cần thiết ban hành Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang trình bày Tờ trình dự án Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự nêu rõ thực hiện các quy định của Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự năm 2004, được sửa đổi, bổ sung một số điều vào các năm 2006, 2009 (gọi chung là Pháp lệnh năm 2004), tổ chức của Cơ quan điều tra trong Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan khác được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra (Bộ đội Biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, lực lượng Cảnh sát biển, các cơ quan khác trong Công an nhân dân, trong Quân đội nhân dân) đã đi vào ổn định, hoạt động có hiệu quả trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, góp phần bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phục vụ công cuộc đổi mới của đất nước.
Từ khi Pháp lệnh năm 2004 được ban hành đến nay, các cơ quan điều tra và cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra đã tiếp nhận, giải quyết 845.950 tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; khởi tố 733.339 vụ án hình sự với 1.146.865 bị can.
Tuy nhiên, thời gian qua, Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, làm ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả điều tra hình sự như còn nhiều quy định chung nên khi thực hiện phải có các văn bản hướng dẫn thi hành; một số quy định về thẩm quyền điều tra, quan hệ phối hợp trong hoạt động điều tra, quan hệ giữa Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát, quy định về Điều tra viên chưa cụ thể.
Mặt khác, do được ban hành từ lâu nên Pháp lệnh năm 2004 chưa có điều kiện thể chế hóa, cụ thể hóa đầy đủ các quan điểm chỉ đạo của Đảng về chiến lược cải cách tư pháp theo Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 và các quy định của Hiến pháp năm 2013 về nguyên tắc tổ chức, hoạt động, cơ chế kiểm soát quyền lực của các cơ quan tư pháp; các quy định về ghi nhận, tôn trọng và bảo đảm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân... trong hoạt động điều tra hình sự.
Pháp lệnh năm 2004 chưa có quy định về quản lý công tác điều tra hình sự nên đã có tình trạng Bộ, ngành nào tổ chức, quản lý Cơ quan điều tra thì Bộ, ngành đó ban hành văn bản hướng dẫn về nghiệp vụ điều tra, bổ nhiệm, miễn nhiệm Điều tra viên nên thiếu tính thống nhất trong chỉ đạo, hướng dẫn hoạt động điều tra hình sự.
Để tiếp tục thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng về cải cách tư pháp và đổi mới tổ chức, hoạt động của Cơ quan điều tra, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật của Nhà nước, khắc phục những hạn chế, bất cập của Pháp lệnh năm 2004, việc xây dựng, ban hành Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự là cần thiết nhằm tạo cơ sở pháp lý toàn diện, cụ thể và nâng cao hiệu quả hoạt động điều tra hình sự trong tình hình mới.
Báo cáo thẩm tra dự án Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự, do Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện trình bày khẳng định tán thành với sự cần thiết ban hành Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ.
Khắc phục tình trạng nợ đọng những quy định, văn bản
Qua thảo luận, cơ bản các đại biểu đồng tình với Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự kiến điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, năm 2015 và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016. Các đại biểu đều thống nhất và cho rằng Quốc hội đã có nhiều cố gắng để thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh toàn khóa XIII; đồng thời thực hiện chủ trương một trong ba khâu đột phá chiến lược trong việc hoàn thiện thể chế, để cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013.
Mặt khác, tỷ lệ các dự án luật, pháp lệnh được thông qua cao hơn so với nhiệm kỳ trước. Tuy nhiên, nhiều đại biểu đề nghị cần khắc phục những tồn tại, hạn chế do thực hiện không đúng quy trình thủ tục như: thời hạn; nợ đọng những quy định, văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành...
Cơ bản tán thành với những nội dung trong Tờ trình, đại biểu Trần Ngọc Vinh (Đoàn Hải Phòng) cho rằng trong thời gian qua, công tác xây dựng pháp luật có nhiều chuyển biến theo chiều hướng tích cực, cơ bản đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước, phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế. Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan hữu quan đã có sự tiến bộ trong việc chuẩn bị các dự án luật và các dự án luật ngày càng được nâng cao.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc lập, triển khai thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội vẫn còn những hạn chế kéo dài, chậm được khắc phục như số lượng các dự án đề nghị điều chỉnh, bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh còn nhiều; chất lượng của một số dự án luật còn hạn chế như tình trạng “tồn đọng” văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh vẫn còn nhiều.
Việc gửi tài liệu của nhiều dự án đến các cơ quan thẩm tra và đại biểu Quốc hội để nghiên cứu không đúng thời gian quy định làm ảnh hưởng lớn đến chất lượng và chương trình làm việc của Quốc hội. Đại biểu bày tỏ không đồng tình với tình trạng nhiều năm chưa khắc phục được, đó là khi đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, trình bày sự cần thiết của dự án vô cùng cấp thiết; khi rút ra khỏi chương trình cũng dự án đó, lý lẽ vẫn rất thuyết phục. Vì vậy, đại biểu đề nghị đối với những dự án luật đã được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, cần phải quyết tâm thực hiện và hạn chế tối đa việc đưa vào rút ra như trong thời gian vừa qua.
Đại biểu Vinh cho rằng không nên chuyển tiếp những dự án luật từ nhiệm kỳ này sang nhiệm kỳ sau; đồng thời không nên để một số dự án luật trên hai nhiệm kỳ Quốc hội. Do đó, đại biểu đề nghị cần kéo dài thời gian các kỳ họp để hoàn thành nhiệm vụ xây dựng luật, pháp lệnh đã được đề ra. Cũng theo đại biểu Vinh, Quốc hội cần xây dựng chế tài cụ thể nhằm xử lý trách nhiệm đối với các Bộ, ngành, đơn vị chậm chễ trong việc xây dựng luật, pháp lệnh.
Cùng quan điểm với một số đại biểu khác, đại biểu Nguyễn Thái Học (Đoàn Phú Yên) đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét xử lý trách nhiệm một cách nghiêm khắc đối với những cơ quan để tồn tại kéo dài văn bản. Nếu không, tình trạng này sẽ lặp đi lặp lại mãi trong các báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Sự nghiêm khắc của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong công tác nâng cao xây dựng luật dù là ở thời điểm cuối nhiệm kỳ không chỉ có tác động đối với công tác xây dựng luật hiện nay, mà còn có ý nghĩa đối với nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV.
Cũng cơ bản nhất trí với Tờ trình, đại biểu Lê Đình Khanh (Đoàn Hải Dương) cho rằng các Nghị quyết của Quốc hội về xây dựng luật, pháp lệnh năm nào cũng bị thay đổi, điều chỉnh. Điều này thể hiện sự thiếu chu đáo của các cơ quan liên quan, sự linh động của Quốc hội, do đó cần sớm khắc phục tình trạng này.
Góp ý về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, nhiều vị đại biểu Quốc hội đồng ý đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016, Luật biểu tình, Luật về hội, Luật tín ngưỡng tôn giáo, để thực hiện Điều 25 của Hiến pháp 2013.
Đại biểu Trần Ngọc Vinh ( Đoàn Hải Phòng) cho rằng để đảm bảo tinh thần của Hiến pháp 2013 đi vào cuộc sống, đặc biệt là quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản công dân, đề nghị Quốc hội cho ý kiến dự án Luật biểu tình tại kỳ họp thứ 10 và thông qua tại kỳ họp thứ 11.
Tán thành với Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa dự án Luật biểu tình vào kỳ họp thứ 10 và thông qua tại kỳ họp thứ 11, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) đề nghị chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, năm 2015 và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 cần ưu tiên những dự án luật triển khai theo Hiến pháp. Bởi một số luật đang chưa phù hợp với Hiến pháp năm 2013.
Cũng thảo luận về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, một số đại biểu Quốc hội đề nghị rút ra khỏi Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh một số luật, như Luật Dân số, Luật Du lịch, Luật Thể dục-thể thao... Các đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đoàn Đà Nẵng), Lê Thị Yến (Đoàn Phú Thọ), Hồ Thị Thủy (Đoàn Vĩnh Phúc) đề nghị chuyển dự án Luật dân số sang nhiệm kỳ sau.
Đại biểu Thúy phân tích dự án Luật dân số sẽ cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII và kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV mới thông qua; đây là một dự án luật liên quan đến quyền con người, quyền công dân, trong khi đó khóa XIV sẽ nhiều đại biểu Quốc hội mới và chưa có điều kiện tiếp cận với dự án luật. Mặt khác, cần có thời gian để tham vấn ý kiến công chúng, từ đó đưa ra được những góp ý sắc đáng. Ngoài ra, tránh dồn nhiều dự án luật vào một cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra trong bối cảnh là năm cuối kỳ nhiệm; năm chuyển giao giữa hai nhiệm kỳ.
Tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội cho ý kiến dự án Luật Dân số, Luật Dược, mà cả hai luật này đều do Bộ Y tế - cơ quan chủ trì soạn thảo và Ủy ban các vấn đề xã hội là cơ quan thẩm tra. Do đó, đề nghị chuyển dự án Luật Dân số sang nhiệm kỳ sau./.