Ngày 2/10, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đã chính thức "bật đèn xanh" cho các chiến dịch quân sự nhằm chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng bằng việc thông qua một đề xuất cho phép triển khai các lực lượng quân sự của Ankara tại hai quốc gia láng giềng Iraq và Syria.
Theo quyết định có hiệu lực trong thời gian một năm, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ có thể triển khai quân đội nước này tham chiến tại Iraq và Syria, hoặc đồng ý cho các lực lượng nước ngoài sử dụng lãnh thổ của Thổ Nhĩ Kỳ để thực hiện các chiến dịch quân sự chống khủng bố.
Đề xuất được quốc hội gồm 550 thành viên thông qua với 298 phiếu thuận và 98 phiếu chống, trong đó tỷ lệ ủng hộ chủ yếu là của đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền. Các nghị sỹ thuộc đảng Nhân dân Cộng hòa (CHP) và đảng Dân chủ nhân dân (HDP) đã bỏ phiếu phản đối. Một nghị sỹ CHP gọi động thái nói trên là "lời kêu gọi chiến tranh" và nhấn mạnh mục đích của đề nghị này là "nhằm chống lại Chính phủ Syria chứ không phải lực lượng IS."
Quyết định mở đường cho các hoạt động can thiệp quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại hai quốc gia láng giềng được đưa ra ít ngày sau khi quân đội nước này triển khai 15 xe tăng và binh lính tại khu vực biên giới với Syria nhằm đảm bảo các lợi ích an ninh quốc gia.
Tuần trước, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã nói rằng Ankara sẽ thay đổi chính sách nhằm thể hiện vai trò chủ động hơn trong cuộc chiến chống IS, lực lượng đang chiếm đóng khu vực rộng lớn ở phía Bắc Syria, chỉ cách biên giới Thổ Nhĩ Kỳ vài km.
Ngay sau khi quốc hội thông qua đề xuất trên, hàng nghìn người Thổ Nhĩ Kỳ đã đổ ra các đường phố trên khắp cả nước để phản đối can dự vào cuộc chiến IS tại Iraq và Syria.
Người dân địa phương, thành viên các tổ chức dân chủ và công nhân các nghiệp đoàn đã tham gia biểu tình tại hơn 10 thành phố. Ở Istanbul, người biểu tình tập trung tại quận Sisli và tuần hành tới trụ sở của đảng AKP cầm quyền.
Trong khi đó, tại tỉnh Diyarbakir ở miền Đông, nơi có đông người Kurd sinh sống, đã diễn ra một trong những cuộc biểu tình rầm rộ nhất để phản đối quyết định của quốc hội. Cảnh sát chống bạo động sử dụng vòi rồng và đạn hơi cay để giải tán đám đông. Nhiều cửa hàng phải đóng cửa, trong khi giới sinh viên tổ chức bãi khóa và tham gia biểu tình. Ít nhất 15 sinh viên đã bị cảnh sát bắt giữ.
Với vai trò là một thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Thổ Nhĩ Kỳ chịu nhiều sức ép từ các nước phương Tây trong việc phối hợp và hợp tác trong các chiến dịch quân sự chống IS do Mỹ đứng đầu. Mặc dù ủng hộ cuộc chiến chống IS nhưng Thổ Nhĩ Kỳ luôn tỏ thái độ chần chừ trong việc tham gia chiến dịch cũng như cho phép Mỹ và đồng minh sử dụng lãnh thổ của mình./.